![]() |
Tuần trước, Philippines được mô tả là đã trải qua một "chiến thắng lịch sử" trong vụ kiện chống lại Trung Quốc, sau khi Tòa Trọng tài thường trực (Permanent Court of Arbitration - PCA) tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở để tuyên bố quyền lịch sử trên các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Sau khi thông cáo báo chí của PCA được phát đi từ The Hague (Hà Lan) hôm 12/7, giới truyền thông thế giới đã rầm rộ đưa tin về phản ứng của các bên liên quan hoặc "có chút liên quan". Tuy nhiên, không khí đã lắng dịu rất nhanh sau đó.
Khẩu chiến Mỹ - Trung
Không quá nhiều bất ngờ cho giới quan sát khi gần như ngay lập tức, phía Trung Quốc phản ứng với phán quyết của PCA bằng cách nhắc lại lập luận rằng Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ quyền tài phán nào của bên thứ ba, chỉ giải quyết tranh chấp bằng các thỏa thuận song phương.
Phán quyết của PCA nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ Philippines và Mỹ, nước đã khẳng định cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, và nhất là phán quyết của PCA khi dựa trên Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Mỹ trước đó đã có nhiều động thái thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc bằng các cuộc tuần tra trong vùng biển tự do ở Biển Đông, và ngầm được xem là đối trọng của Trung Quốc. Việc Philippines kiện Trung Quốc, như thế bỗng chốc biến thành cuộc tranh luận giữa Mỹ và Trung Quốc.
Truyền thông Mỹ nhưThe Washington Post và đài phát thanh NPR hôm 13/7, một ngày sau phán quyết, đã tập trung phân tích quan hệ Mỹ - Trung sau sự kiện này. Ngược lại, phía Trung Quốc cũng có những động thái phản kháng mạnh mẽ, "tấn công" thẳng vào Mỹ.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải còn khẳng định chiến lược xoay trục châu Á của Mỹ đã khiến căng thẳng leo thang, đồng thời nhấn mạnh khả năng xảy ra xung đột. Và ngay khi phán quyết của PCA đưa ra, tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc đã giật dòng tít: "Âm mưu do Mỹ cầm đầu đằng sau một trò hề”.
Và sự thận trọng
Các chuyên gia đều đã dự báo gần như chính xác chuyển động tiếp theo của Trung Quốc. Giáo sư Carl Thayer (Úc) cho rằng trước tiên Trung Quốc sẽ bắt đầu một chiến dịch tuyên truyền. Sau đó, tờ The Washington Post dẫn lời Andrew Mertha, một chuyên gia của Đại học Cornell chuyên ngành chính trị Trung Quốc khẳng định Trung Quốc sẽ vướng vào thế khó vì vừa phải đảm bảo giữ uy tín với người dân, vừa không làm tổn hại các lợi ích ngoại giao, nên sẽ chọn đường ôn hòa hơn.
Điều ngạc nhiên là một ngày sau phán quyết, Philippines đã kêu gọi người dân hãy tỉnh táo và kiềm chế. Đây là một biểu hiện gợi nhớ phương án có thể đàm phán song phương với Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte, và đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.
Trong khi đó, một thể chế khác có tiếng nói trên trường quốc tế là Liên minh châu Âu (EU) tuy đã ra tuyên bố chung của khối nhưng cũng không nêu quan điểm rõ ràng trước phán quyết của PCA.
Thông cáo của EU, do bà Federica Mogherini - Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU phát đi hôm 15/7 nêu rằng "EU nhấn mạnh tầm quan trọng cơ bản của việc bảo vệ sự tự do, quyền và thực thi các trách nhiệm đã được quy định trong Công ước UNCLOS, đặc biệt là quyền tự do đi lại trên biển và trên không". Tuy nhiên, "EU không nêu quan điểm về các khía cạnh chủ quyền liên quan tới những tuyên bố của các bên".
Hiện tại, bản thân EU cũng vấp phải những trục trặc nội bộ với tình trạng nước Anh sắp rời khối này sau khi cử tri đưa ra quyết định ở cuộc trưng cầu dân ý hồi cuối tháng 6. UNCLOS cũng là đề tài EU không tiện nhắc tới, do chính Croatia, một thành viên của liên minh này từng rút khỏi vụ kiện do PCA xử lý trong cuộc tranh chấp với Slovenia (cũng là thành viên EU).
Sau tất cả, một EU có dấu hiệu bất ổn vẫn chưa thể quá mạnh tay với Trung Quốc, vốn đang đóng vai trò là đối tác kinh tế lớn thứ nhì của khối này.
Trong một diễn biến khác, ngày 14/7, hãng tin Kyodo Nhật Bản cho biết ASEAN quyết định không ra tuyên bố chung nào về phán quyết của PCA. Lào, chủ tịch luân phiên của ASEAN, đã thông báo cho 10 nước thành viên về điều này, dù trước đó các bên đã thảo luận về việc đưa ra một tuyên bố chung.
Nói cách khác, bằng các ảnh hưởng về ngoại giao, Trung Quốc vẫn chưa chứng kiến nhiều xáo trộn trong hướng đi họ. ASEAN chưa ra tuyên bố chung, trong lúc Philippines và Mỹ kêu gọi "bình tĩnh" sau phán quyết của PCA. Diễn biến cho thấy tất cả đều không có ý đẩy căng thẳng lên quá cao.
>Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài: Hiệu lực thỏa thuận
>Chính sách đối ngoại của Philippines với Trung Quốc: Vẫn ở chế độ "chờ"
> Manny Pacquiao - Người hùng Philippines