Ngoài đường trời nắng như đổ lửa, tôi gò lưng đẩy chiếc xe Honda cánh én sứt sẹo, tróc sơn tấp vô lề đường có trạm xăng. Nói trạm cho oai, chứ thật ra chỉ là ba cục gạch gác chéo nhau, trên đó có tờ giấy quấn hình cái quặng chọc vô lỗ gạch thẻ, và cái xị đựng xăng để bên cạnh.
Chẳng thấy ai bán xăng, ấy vậy mà vừa tấp vô lề là có người chạy tới liền. Trong túi chỉ vừa đủ tiền để đổ một xị xăng, tức một phần tư lít.
Nhìn sang phía con kênh Tàu Hủ, mấy anh phu vác gạo từ ghe chạy ào ào vô kho ở bến Bình Đông, người nào cũng mồ hôi nhễ nhại, đen thui. Bà bán bánh cam bên cạnh lên tiếng mời chào tôi, giọng Hoa lơ lớ, rất tiếc là tôi không còn tiền.
Con đường Trần Văn Kiểu chạy dài theo kênh Tàu Hủ, cộng đồng người Hoa chen chúc nhau mần ăn tấp nập.
Chiếc xe được nạp nguyên liệu đã chịu nổ máy, tôi chỉ mong về tới nhà trọ để chạy ào vô trốn cái nắng thiêu đốt của Sài Gòn tháng 6...
Đó là một kỷ niệm những ngày đầu tôi sống ở Sài Gòn.
Tốt nghiệp đại học ra trường, tôi về quê làm cho một công ty xuất nhập khẩu. Một thương gia người Hoa tên A Chẻn trong lúc đi mua thủy sản đã gặp tôi ở Long An và ngỏ ý mời làm nhân viên kiểm tra hàng hóa để xuất sang thị trường Hong Kong.
Nghe lời ông, tôi lại lên Sài Gòn, được ông cho ở nhờ tại văn phòng liên lạc là ngôi nhà ba tầng lầu với bà mẹ thứ tư của ông, tên A Phò, thường được gọi là bà Tư.
Hằng ngày, tôi may mắn được bà chỉ dạy rất nhiều món ăn của người Hoa. Ở với bà, sau một năm tôi đã nghe và nói được chút ít tiếng Quảng Đông.
Tôi muốn kể về một món canh mà tôi đặt tên là A Phò với lòng tri ân mảnh đất và con người Sài Gòn bao dung, dù giao thoa giữa nhiều nền văn hóa vẫn chấp nhận mọi mảnh đời.
Món canh này do A Phò nấu từ những nguyên liệu đơn giản: một chút hoa bá vương, một chút kỷ tử đỏ, một chút táo, một chút gừng..., có tác dụng bổ phổi.
Người đàn bà, "thầy dạy nấu ăn" của tôi, là vợ thứ tư của một hào phú Hoa kiều, kinh doanh thương cảng nổi tiếng vùng Chợ Lớn. Bà Tư suốt đời lam lũ, cam chịu phận làm lẻ, không có con, nên luôn coi các con của bà cả, bà hai, bà ba là con của mình.
Bà Tư hằng ngày giặt giũ, chăm sóc, cõng các con đến trường trong khi mấy bà lớn suốt ngày bên bàn mạt chược.
Lão ông hào phú thương bà Tư, ngày biết mình sắp lìa cõi đời, gọi đến trao chìa khóa và dặn: "Bà mở tủ lấy một ít vàng, ít tiền để hậu thân".
Chắc là ông biết sau khi mình tắt thở thì các bà vợ và bầy con sẽ mở tủ để phân chia của cải. Quả thật như vậy, khi mọi người nhào vào chia của, đã quên mất bà Tư đang lui cui dưới bếp lo tang chay cho lão phú hào.
Sau 1975, vợ con lão ông vượt biên, có người bị bắt nhốt trong trại tạm giam. Bà Tư phải đi thăm nuôi bà cả, bà hai, bà ba và chăm nom các con của họ tiếp tục ăn hoc.
Mãn hạn tạm giam, họ lại chuẩn bị vượt biên. Bà Tư mang hết số vàng dành dụm trao cho ba bà lớn và tiễn cả nhà họ sang bên kia đại dương trót lọt, trong đó có A Chẻn.
Năm 1990, tôi gặp A Chẻn là con của bà hai hợp tác làm ăn tại Hong Kong, và ông đề nghị tôi làm đại diện cho công ty của ông tại Việt Nam, văn phòng giao dịch đặt tại nhà bà Tư, ngôi nhà thờ của dòng họ A Chẻn ở đường Trần Văn Kiểu.
Ngày bà Tư, người đàn bà mà tôi kính trọng, qua đời ở tuổi 92, không có ai bên cạnh, tôi và một số người bạn lo tang chay cho bà.
Đôi lúc tôi tự hỏi, lão ông phú hào thật là có phước bởi có một phụ nữ cam chịu chấp nhận phận làm lẻ như A Phò. Nhưng thôi, bù lại, các con của bà cả, bà hai, bà ba nghĩ đến công dạy dỗ nên cũng thương bà, 49 ngày có vài người về thăm mộ, cũng ấm lòng A Phò.
Suốt thời gian ở cạnh A Phò, tôi đã học được đức tính chăm chỉ, tỉ mỉ, cẩn trọng, và học được cách nấu món canh xuất sắc nhất mà A Phò truyền dạy. Chính nhờ A Phò mà sau này trở thành doanh nhân, tôi luôn chỉn chu trong công việc làm ăn và không xao lãng vai trò của người nội trợ...
Lại thêm một mùa xuân mới về với Sài Gòn. Nhìn chén canh bổ phổi lại nhớ A Phò, nhớ những ngày tháng khó khăn được cưu mang khởi đầu lập nghiệp ở bến Bình Đông, nhớ những ngày đầu năm được A Phò lì xì phong bao đỏ...
Nhớ ông nội tôi lần đầu tiên và cũng là lần cuối được nhìn thấy Sài Gòn qua cửa sổ Bệnh viện Chợ Rẫy, nhớ bà nội tôi ao ước cả đời để được lên Sài Gòn một lần mà vẫn chưa thực hiện được, dù nhà chỉ cách Sài Gòn vài chục cây số.
Tôi thấy mình luôn nợ Sài Gòn.
Sài Gòn đối với bạn là ai? Là bác xích lô gò lưng đạp xe trên đường, là anh công chức trong bộ đồ vest lịch lãm, là cô công nhân vội vã vào ca đêm, là em sinh viên vừa bán bánh mì vừa tranh thủ học bài, là bà lão gánh dừa tươi góc đường Đồng Khởi bập bẹ tiếng Anh mời chào du khách, là mấy cô gái trẻ mặc quần xà lỏn ngồi ăn gỏi khô bò ở góc đường Hai Bà Trưng, là em nhỏ đánh giày miệng liến thoắng với khách?
Hay là một người đàn bà người Hoa như A Phò tốt bụng? Dù là ai đi nữa, người từ miền Bắc, miền Trung vào, hay từ miền tây Nam bộ lên, Sài Gòn đều chấp nhận và chở che.
Với riêng tôi, Sài Gòn như một quý bà lịch lãm, khoác trên mình chiếc áo dài nền nã, quý phái, làm thổn thức trái tim bao du khách phương xa...
Nếu một lần nữa cho tôi bắt đầu cuộc sống và được lựa chọn nơi mình muốn sống, tôi vẫn chọn "Madam Sài Gòn", trong đó có hình bóng bà Tư A Phò...