![]() |
Lật mặt 5 - một trong bốn phim mùa Tết 2021 bị hoãn chiếu. Đây là lần thứ hai chưa thể ra mắt khán giả - Ảnh: CGV |
Ngậm ngùi “nhìn tiền rơi qua cửa sổ”
Trong bốn phim chiếu Tết năm nay có đến hai phim đã dời từ mùa Hè 2020 là Trạng Tí của Phan Gia Nhật Linh và Lật mặt 5 của Lý Hải, cũng vì Covid-19. Ở lần dự tính công chiếu dịp Tết, nhà làm phim đã tính toán rất cẩn trọng các bước trong khâu truyền thông với kinh phí không nhỏ (có thể lên tới 5-7 tỷ đồng) để phim tiếp cận nhiều nhất đến khán giả. Tạm hoãn chiếu phim đồng nghĩa số tiền này “ném qua cửa sổ”.
“Mỗi một lần dời thời gian chiếu phim là tốn nhiều tiền quảng bá lắm. Việc tuyên truyền phim có biết bao nhiêu khâu, từ in poster, banner, phát trên màn hình thang máy, siêu thị, ảnh trên xe buýt, trường học... trải dài nhiều tỉnh - thành. Mỗi một lần phim dời là tốn đến 5-7 tỷ đồng, thay vì khoảng 3 tỷ như trước đây”, đạo diễn Lý Hải bộc bạch
Tình trạng của Gái già lắm chiêu V và Bố già cũng tương tự. Chỉ khác là hai phim này chưa bị hoãn chiếu lần nào. Ngay trước khi dịch bệnh có dấu hiệu lan rộng, đoàn phim Gái già lắm chiêu V khá “chịu chơi” khi đưa diễn viên đi giao lưu, quảng bá phim tại các rạp và dựng lồng kính để bảo vệ diễn viên khỏi SARS-CoV-2. Và ngay khi thông tin dịch bệnh phức tạp, đoàn phim đã quyết định rời khỏi đường đua phim Tết. “Việc rút Gái già lắm chiêu V khỏi lịch chiếu Tết là một quyết định rất khó khăn của chúng tôi cũng như có thể gây xáo trộn kế hoạch của các đối tác phát hành và hệ thống rạp”, đạo diễn Bảo Nhân chia sẻ.
Nếu gộp cả chi phí truyền thông và chi phí sản xuất thì kinh phí mỗi phim dao động quanh mức 50-60 tỷ đồng. Và tất cả đều “tạm cất” để chờ thời điểm phù hợp.
Tình hình ấy gợi nhắc đến sự ảm đạm của phòng vé ở Trung Quốc vào năm 2020 khi Covid-19 bùng phát. Một số nhà làm phim Trung Quốc sau đó đã chọn cách “giải ngân” cho phim bằng cách bán cho các trang trực tuyến. Tuy nhiên, điều này e là khó áp dụng với các phim Việt Nam. Bởi lẽ, kinh phí đầu tư cho phim hiện nay khá lớn, để có thể thu hồi vốn cho các nhà đầu tư, phát trực tuyến không phải là cách khả thi, nhất là trong bối cảnh thị trường trực tuyến đang phải đương đầu với quá nhiều rào cản từ bản quyền cho đến phim lậu. Với kinh phí như hiện tại, để phim có thể hoàn vốn, doanh thu phòng vé ít nhất phải đạt 80-100 tỷ đồng. Phát trực tuyến chỉ được chọn khi phim đã ra rạp một thời gian.
Cơ hội nâng cao chất lượng?
Mặc dù vậy, nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, vẫn có thể thấy được sự chuyển biến rõ nét của điện ảnh Việt Nam ở khâu đầu tư sản xuất.
Thứ nhất, về mặt kinh phí, để có được một bộ phim chỉn chu, mãn nhãn đối với khán giả, giờ đây không thể dừng lại ở mức kinh phí khoảng 1 triệu USD như thời điểm ba hay bốn năm về trước. Điều này đồng nghĩa, phim ảnh không còn là cuộc chơi mang tính giải trí mà là cuộc chiến sống còn, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bên cạnh nội dung, chất lượng hình ảnh, còn phụ thuộc vào phương thức truyền thông, đời tư diễn viên hay những chuyện liên quan đến bản quyền. Trong làn sóng tẩy chay bất kỳ scandal nào, từ bản quyền như trường hợp Trạng Tí vô tình vướng phải hay scandal đời tư diễn viên, thách thức một bộ phim gặp phải khi ra rạp nhiều hơn trước, dù sức ép về phim ngoại vẫn còn đó.
Thứ hai, Covid-19 đồng nghĩa với kinh tế khó khăn và sự trồi sụt của lịch phát hành. Để đầu tư cho một phim, các nhà đầu tư phải cân nhắc nhiều hơn về khả năng thu hồi vốn, cũng như khả năng trường vốn.
Có lẽ, điều duy nhất mà các nhà làm phim hy vọng lúc này chính là cơ chế kiểm duyệt phải rõ ràng và bớt khắt khe hơn, cũng như chính sách hỗ trợ về thuế, phí vận hành đoàn phim, rạp chiếu từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Có như vậy mới hy vọng điện ảnh Việt Nam sớm lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng như năm 2019.