Quy định về dán nhãn năng lượng: Khó vẫn hoàn khó

28/11/2016 06:23

Chỉ một công đoạn nhỏ trong chuỗi quy trình kiểm định, dán nhãn được sửa đổi còn bản chất rắc rối của việc kiểm tra không bớt đi là bao.

Quy định về dán nhãn năng lượng: Khó vẫn hoàn khó

Các quy định rắc rối về dán nhãn năng lượng - một thủ tục kiểm tra chuyên ngành do Bộ Công Thương ban hành bị dư luận phản ứng trong suốt 3 năm gần đây vì làm mất thời gian, tốn kém chi phí của doanh nghiệp sẽ được sửa đổi. Nhưng xét kỹ, chỉ một công đoạn nhỏ trong chuỗi quy trình kiểm định, dán nhãn được sửa đổi, còn bản chất rắc rối của việc kiểm tra không bớt đi là bao.

Sẽ đơn giản hóa thủ tục kiểm tra

Cách đây gần 2 tháng, trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu đích danh một số thủ tục kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương, trong đó có thủ tục dán nhãn năng lượng, là những "rào cản" cho doanh nghiệp.

Báo cáo này phân tích, Thông tư 07 do Bộ Công Thương ban hành quy định về việc dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng đã yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phương tiện phải thực hiện thủ tục khai báo 2 giai đoạn do 2 đơn vị khác nhau thực hiện: thủ tục thử nghiệm tại các tổ chức đánh giá sự phù hợp do Bộ Công Thương chỉ định (kéo dài hằng tháng, chi phí lớn và nhập một mã hàng cũng phải thử nghiệm) rồi phải xin cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng (như một loại giấy phép do Tổng cục Năng lượng thực hiện). Nếu không có 2 thủ tục thì không được thông quan và đưa hàng hóa vào lưu thông.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định việc cấp giấy chứng nhận dán nhãn hoàn toàn dựa trên hồ sơ và kết quả thử nghiệm, có thể giao cho tổ chức thử nghiệm đảm nhiệm. Việc cấp giấy chứng nhận dán nhãn tại Tổng cục Năng lượng là không cần thiết. Hay việc kiểm tra từng lô hàng và dán nhãn cho từng lô, bất kể hàng hóa này đã được các nhà nhập khẩu khác nhau cùng kiểm định và chất lượng hàng hóa được các tổ chức kiểm định nước ngoài có tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam mà vẫn phải kiểm định lại là hết sức vô lý.

Đó là chưa kể đến việc Luật Năng lượng chỉ quy định Bộ Công Thương công nhận dán nhãn năng lượng của phương tiện, thiết bị chứ không không yêu cầu bộ tiến hành kiểm tra lại, dán nhãn mà bộ vẫn quy định kiểm tra rồi dán nhãn.

Sau các góp ý nêu trên, Bộ Công Thương tuyên bố sẽ sửa đổi, bãi bỏ những trình tự kiểm tra không cần thiết. Bản dự thảo thông tư thay thế Thông tư 07 đi theo hướng đơn giản sau: cho phép doanh nghiệp lựa chọn chứng nhận cho cơ sở sản xuất thay vì chứng nhận theo lô hàng; cho phép sử dụng kết quả hồ sơ thử nghiệm của phòng thử nghiệm nước ngoài khi năng lực thử nghiệm trong nước không đáp ứng và phải được Tổng cục Năng lượng xem xét; bổ sung phương thức kiểm tra giảm (chỉ kiểm tra hồ sơ mà không cần thử nghiệm) đối với trường hợp có lịch sử tuân thủ tốt. Đồng thời, bổ sung quy định Tổng cục Năng lượng xem xét, quyết định hình thức kiểm tra phù hợp hoặc miễn kiểm tra đối với hàng hóa đơn lẻ, phi thương mại.

Đây là những sửa đổi tưởng như đáng kể giúp quá trình thông quan 2 bước và gồm rất nhiều cửa trở nên đơn giản hơn. Nhưng nó chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề là các quy trình này muốn đơn giản thì vẫn phải thông qua Tổng cục Năng lượng. Trong khi nguy cơ lớn nhất nếu có sai sót trong việc dán nhãn năng lượng chỉ dừng lại ở việc tiêu tốn năng lượng chứ không gây mất an toàn cho xã hội, môi trường và người sử dụng.

2 nhập 1 để đơn giản hơn

Sau 3 năm áp dụng quy định về kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương, theo kết quả khảo sát của dự án USAID - GIG, tỷ lệ các trường hợp hàng hóa không đạt chất lượng, quy chuẩn quy định chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng số lô hàng được kiểm tra. Trong khi đó, tính riêng năm 2015 có tới 4.024 chủng loại hàng hóa đã được kiểm tra và dán nhãn. Như vậy mục đích dán nhãn năng lượng hầu như không đạt kết quả, ngoại trừ đo đếm số lượng hàng hóa dán nhãn.

Trong khi đó, dự thảo thay thế Thông tư 07 vẫn để lại quy định việc thử nghiệm hiệu suất năng lượng mặt hàng “động cơ” do Bộ Công Thương chỉ định Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Quatest 1). Trong khi nhiều doanh nghiệp phản ánh Quatest 1 không làm được việc này và “nhờ” nhà máy động cơ Việt - Hung ở Đông Anh (Hà Nội) thực hiện, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhất là ở miền Trung và miền Nam.

Để đơn giản hơn quy trình 2 bước kiểm tra, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cả hai thủ tục kiểm nghiệm và dán nhãn tại hai nơi khác nhau nên sáp nhập làm một do giấy chứng nhận dãn nhãn năng lượng của Tổng cục Năng lượng cấp chưa hoàn toàn dựa trên kết quả thử nghiệm và không có giá trị gì hơn. 2 loại giấy này cần được sáp nhập thành 1 giấy chứng nhận để giảm bớt thời gian và chi phí của doanh nghiệp.

“Đẻ” thêm 5 sản phẩm phải kiểm tra

Một vấn đề khác là, tuy bỏ một số thủ tục trong Thông tư 07 về quy định dán nhãn nhưng trong dự thảo sửa đổi Quyết định 51/2011 của Thủ tướng Chính phủ về quy định danh mục, phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và lộ trình thực hiện, cũng do Bộ Công Thương soạn thảo, lại bổ sung 5 sản phẩm vào danh mục dán nhãn: đèn LED, máy tính xách tay, bình đun nước nóng có dự trữ, ô tô con loại từ 7 - 9 chỗ ngồi, mô tô và xe gắn máy. Ba danh mục hàng hóa đầu sẽ bắt buộc dán nhãn từ ngày 1/1/2019. Ô tô phải dán nhãn từ ngày 1/1/2018 còn xe gắn máy phải dán nhãn từ ngày 1/1/2020.

Như vậy, song song với việc rút đi vài trình tự, thủ tục khi dán nhãn năng lượng (nhưng bản chất phức tạp, gây phiền hà cho doanh nghiệp vẫn không thay đổi), thì Bộ Công Thương lại bổ sung 5 sản phẩm khác vào danh mục phải dán nhãn. “Cuộc chiến” cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp, các đơn vị có liên quan chắc chắn còn kéo dài chưa có hồi kết.

>Doanh nghiệp ngán ngẩm các cuộc thanh tra kéo dài

>Thời gian làm thủ tục thuế giảm còn 167 giờ/năm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quy định về dán nhãn năng lượng: Khó vẫn hoàn khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO