Những điểm nhấn
Ông Lương Xuân Đào - Phó giám đốc Công ty CP Thành Đạt, chủ đầu tư cảng cạn ICD Móng Cái (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) cho biết: "ICD Móng Cái có diện tích 40ha, hiện được đầu tư trên 600 tỷ đồng để thực hiện trung chuyển hàng hóa, kinh doanh kho bãi xuất nhập khẩu hàng hóa, xếp dỡ hàng hóa. Năng lực kho lạnh của ICD Móng Cái có khoảng 10.000m2 chứa được 350 container đông lạnh; khoảng 7.000m2 kho chứa được 400 container hàng khô; khoảng 80.000m2 bãi đỗ xe chứa được khoảng 600 xe container; có âu thuyền để xếp dỡ hàng hóa với công suất tối đa 300 container/ngày để đi khu biên mậu...".
Tại cảng Cái Lân - một cảng biển nước sâu có lợi thế nhất của tỉnh Quảng Ninh, nơi đây đã có 2 công ty chuyên hoạt động kinh doanh cảng là Công ty TNHH Cảng container Quốc tế Cái Lân (CICT) và Công ty CP Cảng Quảng Ninh. Đại diện của CICT cho biết, cảng đã thực hiện đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, cải tiến quy trình, nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hóa, hoạt động được quản lý trên phần mềm và được giám sát chặt chẽ qua hệ thống camera. CICT cũng đã đầu tư nhà kho chứa hàng rời rộng 8.000m2 đáp ứng nhu cầu lưu kho, lưu bãi của khách hàng. Hiện tại, năng lực cảng biển của CICT có khả năng đón nhận tàu container lên đến 6.000 TEU, tàu hàng rời lên đến 85.000 DWT giảm tải.
Hiện Quảng Ninh đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung vào việc đầu tư cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng. Tỉnh Quảng Ninh đã dự kiến phân bổ nguồn vốn đầu tư công sử dụng ngân sách trong giai đoạn 2021-2025 gần 58.700 tỷ đồng, riêng năm 2021 là gần 11.700 tỷ đồng. Trong đó sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông có tính liên kết cao, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển để tạo ra trung tâm kết nối dịch vụ, giao thông quốc tế, nhằm tạo bàn đạp thu hút đầu tư ngoài nhà nước để hoàn thiện hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển tại một số khu vực trọng tâm có nhiều tiềm năng như Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh, Nam Tiền Phong...
Cảng Cái Lân - một cảng biển nước sâu có lợi thế nhất của tỉnh Quảng Ninh |
Đặc biệt, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong tháng 4/2022, với tổng vốn đầu tư 11.195 tỷ đồng, có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh. Tuyến cao tốc này còn có khả năng kết nối liên vùng, nội vùng và quốc tế để thúc đẩy phát triển các tỉnh đồng bằng sông Hồng, tam giác kinh tế trọng điểm và khu vực phía Bắc.
Ngoài đầu tư hạ tầng, Quảng Ninh luôn chú trọng đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN, thực hiện hải quan điện tử, thủ tục và quản lý hải quan tập trung tại cửa khẩu nhằm hỗ trợ hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu.
Xác định đúng, phát huy mạnh hơn lợi thế
Quảng Ninh nằm trong "tam giác vàng" (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), là cực tăng trưởng kinh tế năng động của cả nước. Đường cao tốc đã kéo dài đến Cảng hàng không Vân Đồn và đang chạy nước rút hoàn thiện nối tiếp Vân Đồn với Móng Cái sẽ hỗ trợ sức bật về logistics cho Quảng Ninh trong thời gian tới.
Đánh giá về tiềm năng phát triển logistics tại Quảng Ninh, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng: "Quảng Ninh có vị trí rất đặc biệt, vừa có biển đảo, đồng bằng, đồi núi, biên giới, hội tụ nhiều lợi thế tự nhiên có thể khai thác về du lịch, tài nguyên khoáng sản than... Lợi thế phát triển logistics của Quảng Ninh gắn với thương mại biên giới, cảng biển và đặc biệt còn có Cảng hàng không Vân Đồn rất tiềm năng. Trong đó, logistics Quảng Ninh có đặc điểm là gắn nhiều với thương mại biên giới và cảng biển, nhưng việc phát triển và phát huy lợi thế này vẫn chưa tương xứng".
Theo ông Trần Thanh Hải, để phát triển logistics, Quảng Ninh cần có kế hoạch triển khai tổng thể, đề ra những nhiệm vụ cụ thể, đánh giá những mặt đã làm được và chưa làm được. Chẳng hạn về hạ tầng, Quảng Ninh đã có chuyển biến rất tốt về đường bộ, hàng không, nhưng cảng biển hiện nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa có những trung tâm logistics xứng tầm để phục vụ các hoạt động thương mại ở khu vực biên giới.
Tỉnh Quảng Ninh đạt mục tiêu, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 18-20% vào ngành dịch vụ của tỉnh, đạt từ 8-10% GRDP của tỉnh.
Chính phủ đang khuyến khích phát triển thương mại chính ngạch, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua Quảng Ninh sẽ tập trung đi qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, đặc biệt hàng nông sản rất cần có dịch vụ logistics về phương tiện, kho để lưu giữ, kho lạnh để bảo quản các hàng hóa dễ mau hỏng như trái cây, Quảng Ninh cần có chiến lược rõ ràng cho xu thế này. Theo đó, cần thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh và doanh nghiệp logistics ở các địa phương khác đến kinh doanh, đầu tư phát triển các dịch vụ logistics.
Logistics phát triển cần gắn với hoạt động sản xuất, thương mại. Quảng Ninh là địa phương có hoạt động sản xuất, thương mại rất lớn cần tăng cường gắn kết giữa các doanh nghiệp sản xuất thương mại với doanh nghiệp dịch vụ logistics. Tuy đây là việc của doanh nghiệp, nhưng cũng cần có chính quyền hỗ trợ kết nối cho các nhóm doanh nghiệp này có thể sử dụng dịch vụ của nhau.
"Quảng Ninh đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ tỉnh công nghiệp - dịch vụ sang tỉnh dịch vụ - công nghiệp, tức là dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất, chú trọng phát triển logistics. Đây là một xu thế phù hợp, bởi xu thế hiện nay bên cạnh hoạt động sản xuất, thì dịch vụ là một lĩnh vực phát triển rất nhanh. Khi xác định được logistics là dịch vụ quan trọng, cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ nâng cao hiệu quả, mở rộng các hoạt động để phát huy hiệu quả tối đa tiềm năng logistics", ông Trần Thanh Hải khuyến nghị.