Quản trị rủi ro thanh khoản đối với doanh nghiệp

Đăng Báo| 12/11/2022 07:00

Trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 còn nặng nề và cuộc xung đột tại Ukraine - Nga cùng với lạm phát tăng cao, việc quản lý rủi ro thanh khoản luôn là mối quan tâm hàng đầu của bộ phận tài chính doanh nghiệp (DN).

Rủi ro ở cấp độ rộng hơn

Một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, điều hành chính sách tiền tệ đang gặp nhiều khó khăn bởi áp lực lạm phát có xu hướng tăng. Lạm phát tại thời điểm cuối năm 2022 dự kiến vượt 4%, gây thách thức đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất cho vay theo yêu cầu của Quốc hội trong thời gian tới là không dễ thực hiện. Nguyên nhân thứ nhất, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh. Thứ hai, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng từ năm 2020. Thứ ba, lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng và lãi suất tiền gửi đang tăng. Thứ tư, tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền đồng.

Trong khi đó, áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng tăng cao nhưng các nguồn vốn khác diễn biến không thuận lợi. Ví dụ, thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu) chưa phát triển tương xứng với vai trò cung cấp vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối so cùng kỳ năm 2021 có dấu hiệu giảm.

Những năm gần đây, các khoản giải ngân của ngân sách nhà nước vẫn chậm so với yêu cầu, dẫn đến tồn ngân quỹ (là các khoản thu từ nền kinh tế) ở mức cao, chưa được sử dụng, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế. Cung về vốn bị đọng tại ngân sách nhà nước, nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn.

Theo ông Đinh Đức Quang - Giám đốc Điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất, đồng USD có thể kéo dài đà tăng giá, VND sẽ mất giá thêm. Theo đó, có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 1% trong vòng hai quý tới.

-1668-1668140182.jpg

Đối phó với các bất ổn trong nền kinh tế 

Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay việc quản lý rủi ro thanh khoản luôn là mối quan tâm hàng đầu của bộ phận tài chính và càng quan trọng trong những giai đoạn khó khăn của DN. Trong đó, quản lý vốn và thanh khoản cùng quản lý rủi ro là những vấn đề được quan tâm nhất.

Tuy nhiên, việc quản lý rủi ro tài chính đang gặp phải những thách thức. Việc lưu trữ dữ liệu thực hiện một cách rời rạc, thủ công từ các nguồn khác nhau gây khó khăn cho việc giám sát một cách toàn diện, dẫn tới sự thiếu đồng bộ trong các quyết  định. Bên cạnh đó, việc thiếu các quy chế bằng văn bản chính thức hoặc xem nhẹ việc rà soát định kỳ các chính sách quản lý tài chính có thể khiến DN bị động trước những tình thế bất lợi.

Hệ thống tài chính không đạt tiêu chuẩn sẽ không đủ khả năng để cảnh báo mức độ rủi ro và đưa ra chiến lược phòng ngừa phù hợp, điều này dẫn tới việc phải đánh giá lại và bút toán điều chỉnh đối với các giao dịch. Công cụ quản lý tài chính thủ công và trên giấy tờ không chỉ gây thất thoát chi phí, mà còn dễ gặp sai sót, ảnh hưởng đến việc đưa ra các quyết định kinh doanh.

Trước những thách thức trên, giám đốc tài chính cần xây dựng kế hoạch tiếp cận phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro và tác động tiêu cực đến DN. Cụ thể, cần thiết lập chính sách tài chính và quy trình vận hành tiêu chuẩn, văn bản hóa các mục tiêu tài chính, các thông số quản lý tài chính quan trọng và chiến lược phòng ngừa rủi ro (sử dụng công cụ phái sinh hoặc công cụ của các bên thứ ba được cho phép). Đồng thời xác định và phân loại mức độ rủi ro trong hệ thống quản trị của DN, đánh giá mức độ ưu tiên và nguy cơ xảy ra lớn nhất cần được giải quyết trước; phân tích định lượng rủi ro một cách chuyên sâu, lập kế hoạch ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế và áp dụng cơ chế phản hồi liên tục để bảo đảm năng lực quản trị rủi ro được cập nhật theo tốc độ phát triển của DN và thị trường.

DN có thể phải đối mặt với thiếu hụt nguồn vốn để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính khi đến hạn. Để giải quyết vấn đề này trong bối cảnh không thể trông chờ nguồn tín dụng từ các ngân hàng, vì vậy DN cần xem xét lại ngân sách, điều chỉnh doanh thu và chi phí (ví dụ như gia tăng bán hàng, thúc đẩy thu hồi các khoản nợ hay tìm kiếm tổ chức tài chính khác) để bù đắp cho khoản thiếu hụt. Phương án tái cơ cấu danh mục đầu tư, tạm dừng hoặc thu hồi vốn với những khoản đầu tư không hiệu quả, ảnh hưởng đến hiệu suất sinh lời hoặc gây thiệt hại về tài chính cũng phải được tính tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quản trị rủi ro thanh khoản đối với doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO