Ông Putin nói phương Tây chịu ảnh hưởng nặng nề từ lệnh trừng phạt hơn là Nga, khẳng định Moskva đã kiên cường đối mặt "những thách thức bên ngoài". |
Phát biểu tại cuộc họp chính phủ ở Moskva ngày 13/5/2022, ông Putin nói: "Nga đang tự tin xoay xở khi đối mặt những thách thức bên ngoài".
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh đã áp nhiều đợt trừng phạt với Nga, như loại một số ngân hàng nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ Nga và bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này. Mỹ cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga.
Các nước phương Tây đang đóng băng khoảng một nửa trong hơn 600 tỷ USD dự trữ dưới dạng ngoại tệ và vàng của Ngân hàng Trung ương Nga. Đây được coi là một trong những biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nhất nhằm vào Moskva.
"Các chính phủ phương Tây bị dẫn dắt bởi những tham vọng chính trị thiển cận, bị thổi phồng và bởi chứng bài Nga, giáng đòn mạnh hơn nhiều vào lợi ích quốc gia, nền kinh tế và phúc lợi của công dân nước họ. Chúng tôi thấy rõ điều đó khi chứng kiến lạm phát tăng mạnh ở châu Âu, thậm chí gần 20% ở một số quốc gia", ông Putin bổ sung.
Tại cuộc họp, Tổng thống Nga cũng hoan nghênh sự phục hồi của đồng ruble, hiện ở mức mạnh nhất kể từ xung đột ở Ukraine bùng phát. "Đồng ruble có lẽ đang thể hiện động lực tốt nhất trong số tất cả các loại tiền tệ quốc tế", ông Putin nói.
Trong một diễn biến khác, cách đây 2 ngày, nhà điều hành mạng lưới khí đốt của Ukraine (GTSOU) tuyên bố sẽ tạm ngừng quá trình vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga đến châu Âu thông qua trạm Sochranovka từ sáng 11/5 do những phức tạp vì tình hình xung đột ở Ukraine. Theo RT, động thái này sẽ ảnh hưởng mạnh đến thị trường khí đốt và nền kinh tế châu Âu.
Các chuyên gia cho rằng hành động của Ukraine chắc chắn sẽ dẫn đến việc giá khí đốt tăng. Dữ liệu từ Snam - công ty vận chuyển khí đốt đến Italy, cho thấy dòng khí đốt của từ Nga thực sự đã giảm so với ngày 10/5. Cơ quan quản lý của Đức cho biết, dòng chảy khí đốt từ Nga qua Ukraine đã giảm gần 1/4 so với hôm 10/5.
Nga cung cấp khoảng 40% tổng nhu cầu khí đốt tự nhiên của châu Âu. EU sử dụng khí đốt của Nga để sưởi ấm, nấu ăn và tạo ra điện ở hầu hết 27 quốc gia thành viên. Nếu nguồn cung khí đốt từ Nga tới châu Âu giảm, trường hợp xấu nhất là dẫn đến sự cố về lưới điện, mất điện và một số ngành công nghiệp phải ngừng hoạt động.
Giá khí đốt tăng cũng có thể đẩy giá các mặt hàng khác và hàng tiêu dùng, đẩy lạm phát vốn đã cao trong lịch sử lên mức cao hơn nữa. Lạm phát ở 9 nước EU đã tăng tới hơn 10%.