Phú Quốc đang mất lợi thế cạnh tranh du lịch
Cách làm du lịch “ăn xổi” mấy năm qua là “điềm báo xấu” đối với ngành du lịch của đảo ngọc Phú Quốc.
Ra khỏi Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc, tôi thuê một chiếc xe máy giá 200.000 đồng cho 4 tiếng đồng hồ, bắt đầu “vi vu” giữa hòn đảo có hình dáng châu Mỹ Latinh, chiều dài 50km, chiều rộng nơi rộng nhất phía Bắc đảo 28km, nơi hẹp nhất phía cảng An Thới 3km, một vòng khoảng 180km là bao trọn 567km2 (kể cả 21 đảo nhỏ quanh đảo lớn này, tổng diện tích của Phú Quốc là gần 590km2 với khoảng 18 vạn người).
180km ấy là những con đường tôi chạy xe máy kiểu du lịch phượt, chứ Phú Quốc mới có con đường trục chính từ thị trấn Dương Đông đến thị trấn An Thới có 4 làn xe; đường từ huyện lỵ đến Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm… phần lớn đã thảm nhựa, êm ru, đến các điểm du lịch và dân cư gần hơn rất nhiều.
Phú Quốc có 99 ngọn núi, hùng vĩ nhất là dãy Hàm Ninh kéo dài 14km, có Núi Chúa cao nhất đảo - 603m so với mặt nước biển, vẫn bạt ngàn xanh 529 loài thực vật bậc cao và chứa trong lòng chúng 151 loài động vật, trong đó có loài chó xoáy gần như độc nhất trên thế giới chạy trên cheo leo ngàn trượng cũng không ngợp, tự đào hang trú ẩn và sinh đẻ, là một trong vài giống chó quý nhất hành tinh.
Hệ sinh thái biển Phú Quốc khá đa dạng với trên 100 loài san hô, 125 loài cá, 62 loài rong biển, đặc biệt là trai tai tượng, ốc đụn, đồi mồi, bò biển (dugong) cùng rừng già nguyên sinh với hai con sông Dương Đông, Cửa Cạn và hàng trăm con suối lớn nhỏ cung cấp nước vào mùa khô, tiêu úng vào mùa mưa. Khoảng 350 năm trước, lác đác có con người, con người sinh đẻ nhanh hơn con vật, tinh khôn hơn con thú, đã làm chủ hòn đảo này, đã phá trắng gần phân nửa rừng mưa nhiệt đới để trồng cây lương thực, trồng tiêu và làm nhà. May thay Phú Quốc không nằm trong đất liền nên đến giờ vẫn còn khoảng 29.000ha rừng nguyên sinh thuộc vườn quốc gia và khoảng 5.000ha rừng vùng đệm, đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Để tăng thêm điều kiện phát triển, nhất là du lịch, từ một huyện đảo, ngày 1/1/2021, Phú Quốc được nâng cấp thành thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang.
Từ đầu những năm 2010, Phú Quốc là đại công trường xây dựng vì được quy hoạch là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cấp quốc gia và quốc tế với ba khu đô thị và 15 khu du lịch sinh thái, sẽ là một trung tâm tài chính lớn của khu vực Đông Nam Á. Đã có khoảng 200 công trình phục vụ du lịch đã được xây dựng hoặc cấp phép xây dựng với số vốn trên chục tỷ USD. Quan trọng nhất là trục đường chính xuyên đảo dài 52km, cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc dài 57,33km, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc ở trung tâm đảo có đường hạ cất cánh 45x3.000m, đường lăn song song 23x3.000m (bỏ hẳn sân bay ở thị trấn Dương Đông).
Hơn 10 năm kể từ khi tôi “đi phượt” hầu hết điểm cần đến trên quần đảo này, vừa qua tôi mới trở lại Phú Quốc. Các bãi biển thơ mộng, hoang sơ đã ít đi. Rừng, nhất là rừng gần các khu dân cư và trục lộ hầu như không còn. Thị trấn, thôn quê bị bê tông hóa, những khu biệt thự, khu dân cư “tự phát” ngày càng nhiều đã làm cho Phú Quốc không còn là một vùng thiên nhiên thuần khiết. Hàng loạt nhà hàng, bãi biển, khu du lịch, dịch vụ ca nô vốn nổi tiếng ở thị trấn Dương Đông, An Thới hay khu vực Nam đảo đều đìu hiu. Đi đến đâu trên đảo và vào các trang mạng dịp này đều thấy tràn ngập lời ta thán chuyện vắng khách, ế phòng, thất thu khiến tôi chạnh lòng.
Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc khi trả lời báo chí cho rằng, lượng khách đến Phú Quốc không được như kỳ vọng do nhiều người có xu hướng du lịch bằng ô tô cá nhân ở những địa điểm gần như khách ở TP.HCM có thể đi Cần Giờ, Vũng Tàu, Phan Thiết...
Nhưng những người am hiểu du lịch Phú Quốc thì nghĩ khác. Những hạn chế nêu trên là “điềm báo xấu” do chính cách làm du lịch “ăn xổi” của Phú Quốc gây ra.
Không thể không khẳng định du lịch Phú Quốc giảm sút nghiêm trọng trước hết là do chính quyền và ngành du lịch Kiên Giang quản lý yếu kém, không kịp thời nhận diện nguyên nhân để khắc phục.
Dù đã được quy hoạch là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cấp quốc gia và quốc tế nhưng cách làm du lịch của Phú Quốc thiếu bài bản, thiếu những sản phẩm thật khác biệt như sản phẩm về rừng, tour sinh thái tìm hiểu về rừng, tour đánh golf, tour du lịch - hội nghị…
Phú Quốc “hụt hơi” ở một số thị trường quen nhưng chưa kịp quảng bá, khai thác những thị trường mới như vùng Trung Đông, một số nước châu Mỹ Latinh. Du lịch Phú Quốc còn đánh giá không sát thị trường khi chủ yếu hướng đến du khách nước ngoài, du khách miền Bắc, du khách Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM mà không chú ý thu hút khách du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Trước hết, Phú Quốc cần có chương trình, sự kiện thu hút du khách, nhất là khách du lịch các nước để cạnh tranh với các điểm du lịch biển đảo có lợi thế tương đồng như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, nhất là khi những đường cao tốc liên vùng đã đưa vào khai thác. Xa hơn phải tính toán cạnh tranh với những địa chỉ du lịch nổi tiếng trong khu vực như Pattaya, Phuket, Bali, Kuala Lumpur, Singapore...
Sau nữa, Phú Quốc cần có gói giá dịch vụ du lịch cụ thể, hợp lý để xua tan hình ảnh “xấu xí” về giá ăn uống, tuyến tour quá đắt đỏ... Vấn đề môi trường, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm cũng phải được địa phương làm tốt trong thời gian sớm nhất.
Đừng để đảo ngọc Phú Quốc mất lợi thế, tiềm năng thiên nhiên ban tặng vì cách tổ chức du lịch “ăn xổi” như lâu nay trước khi quá muộn.
Ngày 14/10/2023, chính quyền và ngành du lịch tỉnh Kiên Giang, thành phố Phú Quốc, Hội Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc, các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch địa phương đã ngồi lại để cùng nhau bàn bạc cách “sửa sai”, làm mới mình, không đổ cho yếu tố khách quan.