Ông Guru Mallikarjuna- Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam, cho biết: “Việc tích hợp Phòng thí nghiệm công nghệ Ô tô Bosch vào chương trình giảng dạy hiện tại của trường sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động và cảm biến đo mức nhiên liệu của xe ô tô và các đặc tính của hộp số CVT. Mô hình cụ thể của phòng thí nghiệm sẽ được thiết lập dựa vào nhu cầu nghiên cứu và đào tạo của trường trong tương lai. Mô phỏng này có thể giúp đẩy nhanh các quá trình kiểm tra thiết kế hoặc mô hình ô tô, nhằm thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ quy mô phòng thí nghiệm vào thế giới thực, từ đó, thúc đẩy các nỗ lực đổi mới tại địa phương.
Thông qua hợp tác với Bosch, các sinh viên ngành kỹ thuật ô tô của Trường ĐH Bách Khoa còn có cơ hội học hỏi và đào tạo dưới sự hướng dẫn và cố vấn của các chuyên gia và kỹ sư công nghệ Bosch, đồng thời tiếp cận các chương trình thực tập và phát triển tài năng tại công ty.
Bosch là một trong những tập đoàn đặc biệt chú trọng vào nền giáo dục để nuôi dưỡng lực lượng lao động tương lai. Kể từ khi thành lập, Bosch Việt Nam đã hợp tác với nhiều đối tác địa phương và các trường đại học nhằm giúp đáp ứng và thúc đẩy nhu cầu học tập của thế hệ trẻ. Từ các cơ hội thực tập quanh năm đến đào tạo nghề theo tiêu chuẩn Đức (chương trình TGA), Bosch luôn nỗ lực trong việc cá nhân hóa trải nghiệm học tập thay vì triển khai một chương trình học rập khuôn. Bosch cũng tích cực tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới, chẳng hạn như CODERACE CHALLENGE 2022 và Greenovator Hackathon 2021, như một nền tảng bổ sung để thế hệ trẻ Việt Nam thể hiện các kỹ năng mềm đồng thời chuyển đổi kiến thức lý thuyết thành thực hành.