Tỷ phú Ray Dalio bị thu hút bởi tài chính từ năm 12 tuổi và đó cũng là thời điểm ông mua tấm cổ phiếu đầu tiên trong đời. Chỉ một thời gian ngắn sau khi tốt nghiệp trường đại học Kinh doanh Harvard, Ray Dalio đã thành lập Bridgewater Associates từ căn hộ 2 phòng ngủ ở New York, phát triển thành quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, quản lý khoảng 160 tỷ USD hiện nay.
Vị tỷ phú 68 tuổi từng nói trong cuốn sách về cuộc sống và công việc của mình, có 2 thói quen xấu dường như ai cũng mắc phải, gây cản trở trong quá trình phát triển sự nghiệp.
1. Luôn lắng nghe theo bản ngã
Tin rằng bản thân luôn đúng là thói quen rất xấu của nhiều người. Họ bảo thủ tin vào quyết định của mình mà không bao giờ chịu lắng nghe ý kiến đóng góp và phản hồi của những người khác. Bởi vì, họ muốn bản thân mình đúng quan trọng hơn việc tìm ra điều gì mới là đúng đắn và chính xác nhất.
"Con người chúng ta đặc biệt không thích nhìn vào những sai lầm và điểm yếu của bản thân", tỷ phú Ray Dalio cho rằng khi quan điểm chúng ta đưa ra bị phản bác, phản ứng tự nhiên của phần đông là phòng thủ và tỏ ra giận dữ với những người có quan điểm đối lập. Điều đó không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn đúng mà chỉ dẫn đến việc sẽ đưa ra quyết định kém hơn, học hỏi ít hơn và thể hiện sự thiếu hụt tiềm năng.
Để tránh điều này, chủ tịch quỹ đầu tư Bridgewater Associates đưa ra lời khuyên nên lắng nghe những lời chỉ trích thay vì phủ nhận và bỏ qua. Những phản hồi hữu ích giúp chúng ta nhìn nhận sự việc một cách toàn diện, đa chiều để đưa ra quyết định cuối cùng đúng đắn nhất. Đây cũng là quy tắc mà tỷ phú Ray Dalio luôn thực hiện trong hàng chục năm qua. Trước đây, Ray Dalio cũng từng bị chính nhân viên của mình đánh giá thấp và gửi thư phản hồi tiêu cực về biểu hiện của ông trong cuộc họp.
Trong bức thư, người nhân viên đó đã thẳng thắn góp ý và đánh giá ông chủ của mình chỉ xứng đáng nhận được điểm D. Lý do chính là vì Ray Dalio đã không chuẩn bị một chút gì về cuộc họp khiến những nhân viên có mặt cảm thấy vô cùng thất vọng. Họ thẳng thắn yêu cầu tỷ phú phải dành thời gian chuẩn bị chu đáo hơn cho những buổi họp sau.
Link bài viết
"Dù có tài giỏi đến đâu nhưng việc quá tự tin vào bản thân mà không chuẩn bị chu đáo cho một sự kiện quan trọng cũng thể hiện việc bạn là người làm việc thiếu tổ chức. Bạn chỉ lắng nghe theo bản ngã của mình mà quên đi sự có mặt của những yếu tố quan trọng khác", Ray Dalio cho biết ông đã thay đổi bản thân và cảm ơn người nhân viên vì ý kiến đóng góp đó. Ông cũng tin rằng không ai là hoàn hảo toàn diện và ông cần những phản hồi như thế để tự hoàn thiện bản thân.
2. Không nhận ra điểm mù của bản thân
Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn về nguyên tắc thành công, tỷ phú Ray Dalio cho rằng một trong những rào cản lớn khiến nhiều người không thể thành công nổi dù cố gắng đến mấy chính là việc họ không nhận ra điểm mù của bản thân. Họ tin rằng bản thân luôn thông suốt và nhìn thấy được mọi thứ. Tâm lý đó là hoàn toàn sai lầm!
"Một thực tế đơn giản là không ai có thể nhìn thấy bức tranh hoàn chỉnh về thực tại", ông Ray Dalio giải thích vì mỗi người có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, do đó kết quả tốt nhất sẽ được tạo ra khi có một loạt các quan điểm khác nhau.
"Bởi vì những người giỏi sẽ nhìn thấy bức tranh theo cách vĩ mô hơn, nhưng lại có người khác nhìn bức tranh một cách chi tiết hơn", tỷ phú Ray Dalio nói thêm: "Một vài người trong số họ sẽ là những nhà tư tưởng tuyến tính, một số khác thì sáng tạo nhưng không đáng tin cậy, những người khác đáng tin cậy nhưng không có sự sáng tạo. Vì vậy, một sự kết hợp đa diện sẽ cho thấy bức tranh ở khía cạnh toàn diện nhất".
"Thông qua việc nhìn nhận những ý kiến đóng góp và phản hồi, xác suất đưa ra quyết định thông minh và giải pháp sáng tạo cho vấn đề thực sự được cải thiện. Những quan điểm bất đồng chính kiến buộc chúng ta phải xem xét lại các tiêu chí, quy trình và tất cả các tùy chọn sẵn có. Điều này sẽ dẫn đến cách tư duy hội tụ, kích thích phát triển những lối tư duy khác nhau và sự đa dạng hóa tư tưởng", tỷ phú Ray Dalio nói thêm.
Nhà tâm lý học Adam Grant cũng đồng tình với nguyên tắc của tỷ phú Ray Dalio rằng việc tiếp thu nhiều ý kiến, bao gồm những ý kiến tiêu cực, trái chiều rất quan trọng. Nó sẽ kích thích khả năng sáng tạo và tư duy của mỗi người.
Bên cạnh đó, tỷ phú Ray Dalio cũng chia sẻ về 3 cuốn sách tâm đắc có tác động lớn nhất trong cuộc đời ông:
"Những bài học về lịch sử" của Will và Ariel Durant
Các nhà sử học Will và Ariel Durant đã dành hàng thập niên để tìm hiểu 11 tập "Câu chuyện về nền văn minh", bao gồm những nhịp thông tin rộng lớn. Sau khi đã đào sâu nghiên cứu, họ thu hẹp các phát hiện, chỉ ra những bài học lịch sử để lại dấu ấn đặc biệt và xuất bản thành một cuốn sách ngắn mang tên "Những bài học về lịch sử". Đó là cuốn sách đầu tiên mà tỷ phú Ray Dalio nhắc đến.
"Những nhà sử học tuyệt vời này chưng cất những câu chuyện ý nghĩa nhất trong 104 trang sách", đối với tỷ phú Ray Dalio các sự kiện, chủ đề và ý tưởng về lịch sức là một trong những chiếc chìa khóa giúp ông mở cánh cửa tri thức thành công.
Link bài viết
"Dòng sông trôi khuất địa đàng" của Richard Dawkins
Một cuốn sách khác Ray Dalio cũng vô cùng tâm đắc là "River Out Of Eden" của tác giả Richard Dawkins (tạm dịch: Dòng sông trôi khuất địa đàng) khám phá về sự tiến hóa. Tác giả Richard Dawkins nghiên cứu sự tiến hóa của các giống loài xuất hiện trên trái đất, chúng đến từ đâu và chúng có thể đi tới đâu. "Chúng ta, loài người chỉ là một trong số 10 triệu loài có mặt trên trái đất", Dalio nói về cuốn sách: "Bộ não của chúng ta được lập trình lớn tuổi hơn loài người 200.000 năm tuổi. Vì vậy, để hiểu được quy luật tự nhiên, tất cả chúng ta đều phải rèn luyện khả năng chịu đựng. Đó là lý do vì sao tôi muốn giới thiệu cuốn sách này".
"Người anh hùng với hàng ngàn khuôn mặt" của Joseph Campbell
Được xuất bản vào năm 1949, tác giả Joseph Campbell đã tìm hiểu về thần thoại và tâm lý học từ các nền văn hóa khác nhau. Họ tạo ra những câu chuyện về anh hùng như thế nào và diễn đạt lại trong cuốn sách mang tên "The Hero with Thousand Faces".
"Đó là cuốn sách giúp chúng ta có cái nhìn định hướng về cuộc sống - nơi con người thật sự phải trải qua những thăng trầm", Ray Dalio nói ông lấy người anh hùng trong cuốn sách làm hình tượng để hoàn thiện bản thân. Họ là những người khác nhau phải làm những nhiệm vụ khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung là luôn coi nhiệm vụ đang gánh vác còn quan trọng hơn bản thân mình.
(Theo TTVN)