Tiền và hậu

HÀ CÚC| 27/08/2009 09:33

Trong suy nghĩ của người VN trước nay, hàng ngoại bao giờ cũng tốt. Còn hàng VN vừa kém chất lượng vừa không đẹp về mẫu mã, không đa dạng chủng loại như hàng ngoại...

Tiền và hậu

Trong suy nghĩ của người VN, không phải bây giờ mà cả trước đây, hàng ngoại bao giờ cũng tốt. Còn hàng VN vừa kém chất lượng vừa không đẹp về mẫu mã, không đa dạng chủng loại như hàng ngoại. Chính vì vậy, cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt như một động viên mạnh mẽ đối với các thương hiệu nội địa trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Cuộc vận động này thực chất vẫn quay lại vấn đề xây dựng các thương hiệu VN để người tiêu dùng tự tin và tự hào khi dùng các sản phẩm “made in Vietnam”. Bởi vì, không thể hô hào người tiêu dùng hy sinh quyền lợi cho lợi ích của những nhãn hiệu nội địa vừa kém chất lượng, vừa xấu mẫu mã. Quyền lợi cao nhất của người tiêu dùng là được mua những sản phẩm tốt nhất, đẹp nhất, dù đó là nội hay ngoại. Vì vậy, nếu chỉ dừng lại ở việc cổ động hay tung tiền cho những chương trình khuyến mãi, thì mọi chương trình đều sẽ thất bại. Các DN cũng tự hiểu rằng đây không phải chương trình “giải cứu” DN, mà qua đó, chính bản thân các DN phải biết tận dụng cơ hội này để ghi dấu ấn đậm nét hơn đối với người tiêu dùng nội địa.

Phải  xây dựng các thương hiệu VN để người tiêu dùng tự tin và tự hào khi dùng các sản phẩm “made in Vietnam”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều năm qua, dù ồn ào hay âm thầm thì cũng đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu. Có lẽ đáng kể nhất là chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia “Giá trị Việt Nam” (Vietnam value). Mặc dù vậy, đã một năm đã qua kể từ ngày 30 thương hiệu Việt vinh dự được gắn nhãn “Vietnam value”, đã có bao nhiêu người Việt có thể nhớ ngay ra các thương hiệu thuộc hàng top 30 danh giá đó? Chương trình thì rầm rộ nhưng cho đến nay cũng chưa có công bố nào về câu hỏi trên.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó tổng giám đốc Nhựa Bình Minh - đại diện cho một “Vietnam value” từng cho biết, từ góc độ doanh nghiệp, sau một năm được gắn mác “thương hiệu quốc gia”, nhận thấy bản thân “thương hiệu” của chương trình vẫn chưa có tiếng vang, chưa đủ lớn để làm “vũ khí sắc bén” cho các DN trong quá trình xây dựng thương hiệu. Thậm chí, cái mác “thương hiệu quốc gia” có thế bị “chìm” giữa một “biển” giải thưởng về thương hiệu: Thương hiệu mạnh, thương hiệu nổi tiếng, thương hiệu xuất sắc, thương hiệu hàng đầu, thương hiệu hội nhập hay thương hiệu uy tín... Giám đốc một công ty may mặc hàng đầu VN cũng đã có lúc than phiền: “Sợ nhất là bị mời chào tham gia giải thưởng nọ, danh hiệu kia. Loạn danh hiệu thế, đến mình còn bão hòa, còn ngán thì làm sao người tiêu dùng tin tưởng và tín nhiệm cái danh đó”.

Danh hiệu thì nhiều nhưng chỉ 25% trong số 6.000 tiêu chuẩn quốc gia của VN hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế. Với điều kiện như vậy để DN VN có đủ năng lực cạnh tranh và làm rạng rỡ thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế quả không dễ dàng. Rõ ràng, nếu không thực chất thì những khẩu hiệu hay những lời hô hào cũng chỉ làm tổn hại thêm đối với DN chứ không đem lại giá trị cộng thêm vào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiền và hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO