Săn nghê

NGUYỄN ĐÌNH| 02/11/2012 06:08

Hình dáng có nét giống sư tử, nét giống kỳ lân, có phần lại giống chó, linh vật ấy được gọi là con nghê - một biểu tượng văn hóa thuần Việt phổ biến ở miền Bắc, thường thấy trang trí nơi gian thờ đình chùa cổ.

Săn nghê

Trong số linh vật gắn liền với đời sống văn hóa Việt, người ta quen với hình ảnh chim hạc, xuất hiện nhiều trên trống đồng của nền văn hóa Đông Sơn, nghê lại ít được biết đến, mặc dù sự xuất hiện của nghê được xác định cụ thể nhất qua các hiện vật gốm có niên đại từ thời nhà Lý, đến các triều đại kế cận như Trần, hậu Lê vẫn thấy xuất hiện nghê trong loại hình trang trí chủ yếu ở các đền chùa và đồ từ khí (gốm sứ). Qua nhiều triều đại, lãnh địa của nghê chỉ khu trú chủ yếu ở miền Bắc, do vậy, với người miền Nam, linh vật nghê vẫn là một con vật xa lạ.

Đọc E-paper

Nghê đời nhà Lê

Ý nghĩa của loài nghê

Nhiều nghiên cứu cho rằng, nghê xuất thân chính là từ hình tượng cẩu (chó). Tục thờ chó ở Việt Nam xuất hiện từ rất lâu, theo quan niệm rằng ở đời thường, chó để giữ nhà, còn với đời sống tâm linh, chó trở thành linh vật chống lại tà ma, quỷ dữ.

Những dấu hiệu khiến chó trở thành vật linh còn gắn với tích chuyện Lý Công Uẩn. Khi ông sinh ra, trên lưng con chó trắng ở chùa Cổ Pháp - nơi vị trụ trì Lý Khánh Văn nhận ông làm con nuôi và đặt tên ông là Lý Công Uẩn - xuất hiện chữ "thiên tử" màu đen, ứng với năm Giáp Tuất (974), điềm báo sau này ông sẽ làm vua.

Từ khi chó đá được thờ cúng, và trở thành vật linh, hình tượng chó dần thay đổi với những chi tiết điêu khắc cách điệu trên khuôn mặt, tạo nên sự oai nghiêm hơn, và người ta gọi đó là nghê, một linh vật thuần Việt, không thể lẫn lộn với các linh vật ngoại lai khác.

Nậm rượu nghê đời Mạc

Từ tích chuyện Lý Công Uẩn, trùng với thời điểm nền văn hóa thuần Việt được phục hồi sau ngàn năm Bắc thuộc, và dựa vào những hiện vật gốm sứ cổ có hình tượng nghê xuất hiện trên thị trường cổ ngoạn, hình tượng nghê thấy sớm nhất là thời Lý (thế kỷ XI) với cốt thai gốm xốp, tráng men nâu, qua đến đời Trần, nghê mang nhiều hình dáng sống động hơn.

Sách Nghệ thuật Huế xuất bản năm 1941 khi miêu tả về nghê, có đoạn: "Nghê có hình thức đứng cong lưng, gồng người, có lông, có móng, mồm nhe nanh, hướng chồm về phía trước, từ thế mạnh mẽ, oai vệ...".

Riêng nghê gỗ chủ yếu xuất hiện ở các đình chùa, và mỗi hình tượng nghê lại biểu trưng một ý nghĩa khác biệt, gắn liền với những đức tính của nhà Phật, chẳng hạn như nghê đầu rồng biểu trưng cho sự ngay thẳng, chính trực; nghê mang đuôi rồng biểu trưng sự dũng mãnh, quyền uy; nghê mang điềm lành, điềm may mắn có đuôi cong theo dáng ngọc Như Ý (một trong Bát Bửu, tám thứ quý giá và ý nghĩa trong pháp khí của nhà Phật); nghê mang thân cẩu biểu trưng cho lòng trung thành; nghê đầu có Phật ốc, mang chữ "vạn" của nhà Phật, biểu trưng cho sự tôn nghiêm, linh thiêng.

Có lẽ, hiếm có linh vật nào trên thế giới lại có nhiều hình dáng, nhiều biểu trưng độc đáo như nghê đến thế.

Dáng nghê đời nhà Lê

Sưu tầm nghê

Nghê xuất hiện nhiều nhất ở đình chùa, ở các phần trang trí đầu nóc bờ đao, đã bị thời gian bào mòn, khi trùng tu, thay mới, rất dễ bị thay thế bằng rồng, cá hóa long, hay lân, phụng - những con vật trong tứ linh vốn dĩ đang ngày càng trở nên phổ biến.

Còn nghê trong nội thất, bài trí ở trang thờ, nghê đội giá sớ, nghê đội bình phong, qua thời gian bị mối mọt ăn, dần bị thay thế bằng những chất liệu mới hoặc linh thú khác.

Những con nghê bị bỏ đi ấy là tâm điểm của một người sưu tầm cổ ngoạn - chị Nguyễn Thị Tú Anh, một trong những phụ nữ hiếm hoi ở Việt Nam có niềm đam mê cổ vật, và là người đang sở hữu bộ sưu tập nghê độc đáo.

Ngôi nhà xinh xắn nằm lẩn khuất trong một con hẻm yên tĩnh ở Phú Nhuận được chị dành hẳn một không gian bài trí đậm phong cách Bắc bộ với tượng thờ, liễn đối sơn son thếp vàng, và nổi bật là bộ sưu tập nghê đủ loại, có niên đại từ thời Lý, Trần, Lê, đến Nguyễn với đủ hình dáng, kích thước, chất liệu gỗ, đá, đồng, gốm..., trong đó có hơn 50 con nghê gỗ sơn son thếp vàng - một nét đặc trưng và quen thuộc của dòng đồ tế ở đồng bằng Bắc bộ.

Nét tinh xảo của nậm rượu hình nghê đời Lê

Chị Tú Anh kể lại mối duyên với đàn nghê độc đáo của mình rằng: "Có lần đến một ngôi chùa ở Hưng Yên, nhà chùa đang sửa sang lại, trong đống đồ linh tinh chuẩn bị đem đốt, tôi thấy có ba con nghê đã sứt tai, nhưng đường nét điêu khắc trông rất tinh tế và sống động, thấy tiếc nên xin mua. Bộ sưu tập nghê của tôi bắt đầu hình thành từ đó”.

Cái vất vả để vun đắp cho bộ sưu tập của Tú Anh là thị trường nghê ở miền Nam có được đều đến từ phía Bắc, do vậy, những chuyến ra Hà Nội thường được chị kết hợp để săn lùng nghê.

Nghê gốm, nghê đồng, nghê đá được dân sưu tầm săn đuổi nhiều, riêng với nghê gỗ, hầu như chỉ có đình chùa mới có, chỉ khi cũ nát, cần thay mới người ta mới bỏ đi, do vậy chị phải chờ đợi, có duyên thì vài tháng, có khi vài năm mới sở hữu được một con nghê.

Tiền mua nghê gỗ được chị cho biết là không nhiều, nếu so với những con nghê gốm cùng loại, nhưng tốn thời gian săn lùng, tốn công phục chế, ít ai theo đuổi được. Bởi thế, nhiều năm qua, giới săn lùng nghê gỗ gần như chỉ thấy có mình chị Tú Anh độc chiếm.

Hình tượng nghê khác nhau phần đầu bao hàm những ý nghĩa khác nhau gắn với các đức tính nhà Phật

Nghê được làm từ bốn chất liệu phổ biến nhất là gỗ, đá, đồng và gốm. Trong bốn dòng nghê này, nghê gỗ tương đối khó xác định niên đại, bởi sau khi chạm nét, sơn son thếp vàng, qua thời gian hiếm có hiện vật nào còn nguyên vẹn, nét chạm trổ và sơn thếp cũng bị hao mòn, thậm chí nhiều lần được chắp vá, thếp bồi lên các lớp sơn cũ.

Nghê đá có số lượng ít nhất, các nét chạm hình tượng nghê trên đá cũng không tinh xảo như trên chất liệu gỗ hay gốm, chính do tính mỹ thuật kém và khả năng làm giả cao nên ít được dân sưu tầm ưa chuộng.

Nghê gốm tuy dáng hình không phong phú và đa dạng như nghê gỗ, nhưng mỗi hiện vật là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo.

Nghê có niên đại từ thời Lý, Trần, muộn hơn, từ thời Lê..., đều là những tuyệt tác trong chế tác, khẳng định tài nghệ của các thợ gốm Việt thời cực thịnh. Thị trường cổ ngoạn thỉnh thoảng lại xuất hiện khi một con, khi một cặp nghê và luôn trở thành tiêu điểm của giới sưu tầm khắp cả nước.

Nghê gốm ngoài góc độ trang trí, còn có nhiều công năng sử dụng, loại để trưng bày, loại là bầu rượu, loại là đỉnh xông trầm...

Tất cả đều được chế tác theo phương pháp làm gốm thủ công, tùy đời, tùy niên đại mà có màu men, cốt thai gốm, cách tạo dáng khác biệt, là một nguồn hiện vật quý của giới văn hóa, khảo cổ học, lịch sử, nghiên cứu và sưu tầm.

Ở thị trường cổ ngoạn miền Nam, nghê gốm xuất hiện rải rác ở các cửa tiệm trên đường Lê Công Kiều, tất cả đều có xuất xứ từ phía Bắc, chủ yếu là dòng đồ đào (khai quật dưới đất, một danh từ để phân biệt với đồ vớt từ biển và đồ bờ - đồ không bị vùi lấp trong đất).

Do những nét độc đáo của hình tượng nghê, cộng với sự khan hiếm trên thị trường, giá của nghê bao giờ cũng khiến những tay chơi cổ ngoạn mới vào nghề phải chùn tay. Còn với những người yêu nghê, gặp nghê như gặp được quý vật, chưa sở hữu được là mất ăn mất ngủ, bởi lẽ linh vật này rồi mai đây sẽ chỉ còn trong quá vãng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Săn nghê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO