![]() |
Ông là chủ của những chuỗi quán cà phê, nhà hàng khá nổi tiếng tại Manila, Philippines. Nhưng khi tôi đến đây, ông “đãi” tôi bằng một lộ trình rất lạ: Ngày đầu tiên, ông kiên quyết không đưa tôi đến những nơi cây nhà lá vườn, mà đi một vòng rộng đến nhiều khu ẩm thực, hàng quán khác, mỗi nơi thử một vài món và đề nghị tôi quan sát kỹ mọi thứ. Sau “city tour” khá công phu này, chúng tôi mới trở lại các điểm kinh doanh của ông.
![]() |
Nơi đây, hầu hết nhân viên phục vụ không quen biết ông. Thế nên khi bước vào, chúng tôi được đón tiếp như mọi khách hàng khác. Sự “xa lạ” không phải do ông quá bận bịu, không thường xuyên, lui tới, mà ngược lại, ông bảo ông đến khá thường nữa là khác. Nhưng mỗi lần đến, ông chỉ đến như một khách hàng.
Mọi công việc, nhận xét, đánh giá, yêu cầu, ông chỉ làm việc với người quản lý cao nhất ở mỗi điểm. Không chỉ đạo tắt ngang, không ra quyền mình là người chủ, tôn trọng trật tự quyền hạn rõ ràng. Việc lớn nhất ông làm là quan sát kỹ hàng quán của mình và của người khác để biết mình là ai, ở đâu trên thị trường cạnh tranh.
Ông thừa nhận thẳng thắn: “Nhiều người đang làm tốt hơn chúng tôi. Có rất nhiều thứ chúng tôi cần phải cải thiện và thay đổi”. Trong các điểm kinh doanh của ông, không thấy có câu, chữ nào tuyên bố mình là ngon nhất, chuyên nghiệp nhất hay là số một cả...
Tôi nhớ đến chuyện ở Manila vì vừa gặp một câu chuyện trái ngược ở Sài Gòn. Trong một quán cà phê mới mở, những vị khách đầu tiên ngay từ phút đầu tiên đã được “phủ đầu” bằng “bài diễn văn” liên tu bất tận về thế nào là kinh doanh cà phê, quá trình học hỏi đông tây kim cổ để kết tụ được “mô hình vượt trội” này, về những hạn chế cố hữu của các điểm kinh doanh khác, về tầm nhìn “hoành tráng” để hướng tới “một Starbuck của Việt Nam”...
Sau đó, các ông chủ trẻ lại tiếp tục tung hứng để nói về “đỉnh cao” của quán mình và không quên đẩy người khác xuống vực, kể cả những thương hiệu ít nhiều cũng có thâm niên và tên tuổi trên thị trường. Khách mời ngồi im ru lắng nghe, không có ai hỏi đi đáp lại. Thi thoảng họ nhìn nhau chưng hửng bởi những “cao trào ngợi ca” tầm vóc chính mình của “diễn giả”.
Khách quan mà nói, quán cà phê này cũng có một vài cái mới, cái hay. Nếu không bị “dội” bởi giọng điệu của các ông chủ, nhiều khách hàng vẫn có thể thêm nó vào danh sách điểm lựa chọn của mình. Những ai rời khỏi buổi chiêu đãi khai trương đó đều có cảm giác chủ quan mà bảo rằng “rồi nó sẽ chẳng đi đến đâu”, mà dữ liệu thực tế cho thấy mô hình kinh doanh ấy khó mà đi đến đâu thật.
Chỉ có một vài ưu điểm nhất định, nó chưa phải là đỉnh cao nhưng đã bị đặt lên đỉnh cao. Chỉ còn non trẻ nhưng đã tuyên bố mình là số một... Đó là rào cản dày nhất ngăn người ta tiếp nhận với thực tế và cầu tiến. Một khi đã ở “đỉnh cao”, thì luôn có cảm giác mình “đơn độc” và không còn tìm thấy đỉnh mới để cao thêm.
Trong cộng đồng kinh doanh Việt Nam, đây không phải là trường hợp hiếm hoi. Thậm chí, nếu không sợ mất lòng thì phải nói rằng đây là một “căn bệnh tinh thần” không nhẹ. Cuộc chạy đua tuyên ngôn, chạy đua “ước mơ lớn”, “tầm nhìn rộng” vẫn đang tiếp diễn
rầm rộ trong khi trên thực tế, trong khi để đạt được tầm ảnh hưởng của một thương hiệu địa phương đã là đích đến vất vả, chứ chưa nói đến tầm vóc của thương hiệu toàn cầu.