Phim truyền hình Việt: Cần đầu tư cho quảng bá

NHƯ THỦY| 29/06/2017 06:28

Hiệu quả do 2 phim "Sống chung với mẹ chồng" và "Người phán xử" đem lại cho thấy, nếu có sự đột phá trong cách thức quảng bá và tiếp thị, phim truyền hình Việt sẽ giành lại được khán giả.

Phim truyền hình Việt: Cần đầu tư cho quảng bá

Trong 3 tháng phát sóng, Sống chung với mẹ chồng (20h45 trên VTV1) và Người phán xử (21h30 trên VTV3) đã tạo được sự gắn kết cao với người xem, nhất là giới trẻ - đối tượng vốn xem tivi không còn là hình thức giải trí chính.

Ở 2 bộ phim này, vai trò của "content marketing" (tiếp thị nội dung) thời truyền thông mạng đã được phát huy. Ngoài "teaser" (đoạn phim quảng cáo lôi kéo sự chú ý của khán giả) các tập phim, bài phỏng vấn diễn viên, các bài viết dự đoán diễn biến mỗi tập xuất hiện với tần suất dày đặc ở các diễn đàn, các fanpage nổi tiếng, rồi những đoạn phim hậu trường và câu chuyện bên lề là "vũ khí" đắc lực mà Người phán xửSống chung với mẹ chồng sử dụng để thu hút dư luận.

Chưa kể, những lời thoại đắt giá, mang tính triết lý trong Người phán xử như: "Gia đình là thứ quan trọng nhất, còn những thứ khác có hay không có, không quan trọng", "Hạnh phúc phải có được bằng tài năng và trí thông minh của mình"; hay những tình tiết cho thấy mâu thuẫn giữa nàng dâu và mẹ chồng đã lên đến đỉnh điểm của Sống chung với mẹ chồng đã trở thành "nguyên liệu" cho trào lưu ảnh chế được chia sẻ trên mạng.

Bị "bủa vây" hằng ngày trên mạng truyền thông khiến khán giả ban đầu không quan tâm cũng tò mò muốn xem thử, hay tìm hiểu về phim một cách khá chi tiết. Đặc biệt, khi 2 bộ phim đang "nóng rẫy" trong dư luận, nhà sản xuất VFC đã làm hẳn một clip Người phán xử xét xử mẹ chồng thu hút gần 10 nghìn lượt xem, hơn 2.000 lượt chia sẻ và rất nhiều bình luận chỉ trong chưa đầy một ngày. 2 bộ phim này cũng được quay thêm một tập dựa theo ý kiến khán giả về cái kết của câu chuyện.

Cảnh trong phim Người phán xử

Việc tăng hay giảm số tập phim phát sóng không lạ trên thế giới, nhưng lại là cách làm mới của phim truyền hình Việt, tạo ra tính tương tác với khán giả nhiều hơn. Bởi phần lớn phim Việt Nam làm xong có khi "cất kho" cả năm mới bán trọn gói cho nhà đài để phát sóng.

Có thể nói, sự quan tâm của khán giả dành cho 2 bộ phim trên được xem là tín hiệu vui cho phim truyền hình Việt. Vì trong khoảng 3 năm trở lại đây, một số cụm từ như "đang tuột dốc không phanh", "thoái trào" hay "đi vào đường cùng" (trích lời của đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng - Phó giám đốc Hãng phim TFS - Đài Truyền hình TP.HCM tại Telefilm 2017) đã được dùng để nói về phim truyền hình Việt.

Số lượng nhà sản xuất giảm xuống rất nhiều, sản lượng phim sản xuất cũng giảm còn phân nửa, thậm chí nhiều đơn vị còn chuyển sang làm trò chơi truyền hình là chính.

Qua đó có thể thấy bức tranh ảm đạm về phim truyền hình Việt, dù trước đó thể loại này từng rất phát triển và đạt đỉnh cao trong khoảng thời gian từ 2007 - 2010.

Cùng với chất lượng phim giảm sút, lại phải chịu sự cạnh tranh từ phim nước ngoài, phim chiếu trực tuyến hay trò chơi truyền hình, việc quảng bá và tiếp thị cũng không được chú trọng. Do gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn sản xuất thông qua việc đổi quảng cáo nên nhà sản xuất không muốn bỏ thêm chi phí quảng bá, khiến nhiều bộ phim lặng lẽ lên sóng rồi kết thúc.

Hơn nữa, giữa "ma trận" thông tin của trò chơi truyền hình với đủ chiêu trò câu kéo khán giả, thì mươi bài viết ngắn, vài cái trailer giới thiệu phim cũng chẳng khác "hòn đá ném ao bèo".

>>"Bội thực" trò chơi truyền hình

Chiến dịch quảng bá bài bản và có đầu tư của Người phán xử Sống chung với mẹ chồng đang giúp phim truyền hình Việt thay đổi chiến lược tiếp thị. Các nhà làm phim khác bắt đầu sử dụng các phương thức khác nhau để quảng bá, và thay đổi cách tiếp cận phù hợp với thị hiếu của khán giả.

Bằng chứng là một loạt phim đang phát sóng như Con gái chị Hằng, Tiệm tóc tình yêu, Gia đình là số 1, Rocker tình yêu, Hồ sơ lửa... đã lập fanpage trên Facebook, cập nhật hay "nhá hàng" diễn biến của từng tập phim và những câu chuyện hậu trường thú vị, dán poster, phát tờ rơi... Dàn diễn viên trong phim cũng xuất hiện ở khắp mọi nơi, như trên sóng truyền hình, tham gia phỏng vấn, giao lưu trực tuyến, tích cực đăng hình ảnh lên các trang mạng xã hội cá nhân và của phim...

Nói như đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) thì khán giả bây giờ, đặc biệt là giới trẻ, không chỉ xem phim rồi để đấy mà họ còn bàn luận và thể hiện sự sáng tạo của mình. Đôi khi chính những sáng tạo đó là gợi ý ngược trở lại cho nhà làm phim, hoặc giúp nhà làm phim biết khán giả đang thích cái gì, ghét cái gì.

Theo một khảo sát cuối năm 2016 của VFC, có đến 51% số khán giả quan tâm trao đổi về nội dung phim, tiếp sau đó là diễn xuất của diễn viên, số phận nhân vật... Như vậy, các nhà sản xuất phim vẫn hoàn toàn có cơ hội kéo khán giả về với mình nếu phim đạt chất lượng, bởi đây là yếu tố quyết định thành công. Tất nhiên, để tránh "áo gấm đi đêm", thiết nghĩ ngoài nội dung và chất lượng thì việc quảng bá cũng rất cần được đầu tư xứng đáng.

>>"Vẽ" lại thị trường truyền hình Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim truyền hình Việt: Cần đầu tư cho quảng bá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO