Phát triển kinh tế số du lịch: Nhiều thách thức

Lan Ngọc| 31/05/2022 01:00

Muốn bắt kịp xu hướng hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19, phát triển bền vững, chuyển đổi số (CĐS) phát triển du lịch là một đòi hỏi cấp thiết. Tuy nhiên, phát triển kinh tế số du lịch vẫn còn đặt ra nhiều thách thức.

Tại diễn đàn "Luồng xanh cho du lịch cất cánh: Chuyển đổi số động lực phát triển bền vững”, ông Nguyễn Trọng Đường - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (DN) Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, muốn phát triển kinh tế số du lịch, CĐS là một yêu cầu tiên quyết đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của tất cả cơ quan nhà nước, DN và người dân.

CĐS để phát triển kinh tế số nói chung, du lịch nói riêng, cần phải có thể chế số, hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, nhân lực số, năng lực số, kỹ năng số, DN số, thanh toán số, an toàn an ninh mạng. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), CĐS trong ngành du lịch đến nay vẫn mạnh ai nấy làm và chưa có sự thống nhất.

Ông Nguyễn Lê Phúc - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Tổng cục Du lịch đã và đang tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh để tạo sân chơi chung cho các địa phương và DN thông qua xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; thiết lập hệ thống kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; hỗ trợ các địa phương, các điểm đến du lịch ứng dụng công nghệ và CĐS để số hóa các điểm đến du lịch nhằm nâng cao chất lượng quản lý và phục vụ; hỗ trợ các DN du lịch xây dựng sàn thương mại điện tử kết nối cung cấp dịch vụ và khách du lịch... Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho rằng, CĐS còn gặp nhiều khó khăn do đòi hỏi đổi mới về tư duy, nhận thức, sự phối hợp về hành động, kiến thức, năng lực và nguồn lực của nhiều bên mới có thể thành công.

Theo ông Phúc, nguồn dữ liệu sẽ chia sẻ những gì có thể công khai, những gì cần phải có quy trình vẫn phải có vì liên quan đến bảo mật dữ liệu cá nhân. Giả sử một du khách đi du lịch Sa Pa, họ cần biết là ai sẽ hướng dẫn họ... nhưng lại nói số điện thoại, tên của người hướng dẫn là dữ liệu cá nhân không chia sẻ thì toàn bộ dữ liệu đó là vô nghĩa, vấn đề là ở nhận thức và cách làm, nếu cứ cứng nhắc không cởi ra thì dữ liệu không chia sẻ được.

Theo ông Đường, dữ liệu là trọng tâm của CĐS, các cơ quan nhà nước về du lịch cần tăng cường kết nối với nhau, nếu không giải quyết được vấn đề mở dữ liệu thì sẽ rất khó khăn cho phát triển kinh tế số du lịch. Yếu tố quyết định và cũng là bất cập nhất ở đây vẫn chính là con người, khi người ta không muốn làm thì sẽ có rất nhiều lý do để viện dẫn. 

Đại diện Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình, ông Bùi Văn Mạnh cho biết: “Tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động CĐS. Tuy nhiên, triển khai gặp nhiều khó khăn vì CĐS không phải ai cũng hiểu.

Ninh Bình hiện có khoảng 800 cơ sở lưu trú du lịch, hầu hết chủ các cơ sở là những người già, việc tiếp cận công nghệ thông tin và CĐS với họ rất khó khăn. Bên cạnh đó, phần lớn cơ sở lưu trú vẫn khai thác dữ liệu để kinh doanh qua các nền tảng số của nước ngoài chi phí dịch vụ rất cao, có khi lên đến 15-20% cho một lần booking. Vấn đề đặt ra là các nền tảng công nghệ số du lịch chúng ta làm ra có cạnh tranh được với các nền tảng của nước ngoài hay không.

Ông Mạnh cũng cho rằng, nguồn nhân lực cho CĐS là quan trọng nhất, song rất thiếu, khi CĐS ngành du lịch Ninh Bình vẫn phải phụ thuộc vào tư vấn nên không chủ động, độ rủi ro cao. Đối với các DN, muốn phát triển được hệ sinh thái số du lịch thông minh, cần phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho DN CĐS và tham gia. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển kinh tế số du lịch: Nhiều thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO