Qua hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, có gần 800.000 doanh nghiệp và hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh (trước năm 1991 có khoảng 5.000 doanh nghiệp). Nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết 09 ngày 9/11/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng.
Vị thế, vai trò và những đóng góp của đội ngũ này đối với đất nước và TP.HCM ngày càng được khẳng định, tôn vinh. Như khẳng định của nguyên Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các đại diện doanh nhân, doanh nghiệp của hiệp hội vừa qua: “Trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân Việt Nam đã góp phần quan trọng vào hình thành cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới, hệ giá trị và lối sống phù hợp với điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
Đánh giá tổng thể, đại đa số doanh nghiệp và hầu hết doanh nhân đều làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo đang nỗ lực vươn mình vượt qua khó khăn, thách thức để đổi mới, phát triển, nâng tầm góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; Những yếu tố đem lại chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và làm nên thương hiệu của doanh nghiệp chính là có trách nhiệm với người lao động, với đối tác, với khách hàng, với người tiêu dùng và với Nhà nước, cộng đồng xã hội. Đóng góp to lớn trên nhiều phương diện cho sự thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có nhiều doanh nhân tỷ phú vươn tầm ra thế giới, đi đầu trong xu hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất, kinh doanh truyền thống sang những lĩnh vực sản xuất, công nghệ cao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), ông Trần Bá Dương (Thaco), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet), ông Trần Đình Long (Hòa Phát Group), ông Trương Gia Bình (FPT)… Họ đã có nhiều cống hiến cho đất nước và truyền cảm hứng cho phong trào khởi nghiệp ở giới trẻ và cộng đồng doanh nhân.
Cùng với đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung, từ thực tiễn trong tiến trình 35 năm đổi mới cho thấy chính doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM đã góp phần quan trọng cho sự phát triển thành phố, góp phần không nhỏ về vai trò đầu tàu kinh tế cả nước của thành phố.
Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua, chính cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thành phố đã có đóng góp tích cực cho hoạt động phòng chống dịch, đảm bảo chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân thành phố. Ngay khi tình hình dịch được cải thiện, các doanh nghiệp đã nhanh chóng trở lại sản xuất kinh doanh. Trong khó khăn chúng ta đã thấy được trách nhiệm, bản lĩnh kiên cường, nỗ lực, vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nhân thành phố.
Tuy vậy, nghiêm túc nhìn nhận vào thực tế thì số lượng và chất lượng đội ngũ doanh nhân vẫn có những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước cũng như hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay, tạo mọi điều kiện để đội ngũ doanh nhân lớn mạnh chính là điều kiện tiên quyết để đưa nền kinh tế đất nước phát triển vững mạnh, như các nghị quyết của Đảng đã liên tục khẳng định.
Muốn đạt được kết quả này, theo tôi trước hết, cần tạo điều kiện thuận lợi; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; khuyến khích tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp kinh doanh để tạo ra nhiều việc làm, nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của xã hội. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi để doanh nhân phát huy tài năng kinh doanh.
Hai là, phát huy tốt hơn nữa vai trò của các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Thông qua các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức kinh tế, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Thông qua các các hiệp hội doanh nghiệp tập hợp ý kiến, nguyện vọng, sáng kiến của doanh nhân từ đó tham mưu cho Ðảng, Nhà nước trong xây dựng, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp, doanh nhân, lợi ích của người lao động, lợi ích cộng đồng và lợi ích quốc gia dân tộc.
Hoạt động của các hiệp hội thiết thực và kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp, doanh nhân có cơ hội giao lưu, học hỏi, tạo nên hệ sinh thái lành mạnh tiến bộ trong cộng đồng doanh nhân. Cần mở rộng mô hình như mô hình Café HUBA của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM thành lập năm 2016, đến nay đã được tổ chức 59 lần, với những chủ đề, nội dung thiết thực, không chỉ gắn kết được cộng đồng doanh nhân, mà là nơi giao lưu, kết nối doanh nghiệp với chính quyền thành phố và các sở ban ngành ngày càng chặt chẽ hơn; theo đó những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp cũng được giải quyết kịp thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Chương trình giúp tăng cường sự hiểu biết, giao lưu giữa các doanh nhân; tạo sự gắn kết, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình điều hành sản xuất, kinh doanh cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh… giúp các doanh nhân mạnh dạn tham gia góp ý các đề án, chính sách có liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố…
Thứ ba là đề cao văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đồng thời hỗ trợ doanh nhân đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng “công nghệ xanh”, đổi mới sản phẩm dịch vụ và tăng cường liên kết doanh nghiệp, chú trọng xây dựng, tôn vinh, quảng bá, khẳng định giá trị hàng hóa và thương hiệu Việt Nam.
Cuối cùng là công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ để bảo đảm quyền lợi đầu tư và giảm thiểu rủi ro kinh doanh cho doanh nhân, doanh nghiệp; đồng thời hạn chế tình trạng tham nhũng, hối lộ, lợi ích nhóm giữa doanh nhân với những người hoạch định chính sách. Xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp, doanh nhân có hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo, gian lận, làm hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường... làm tổn hại sức khỏe, tài sản người tiêu dùng, lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng lớn đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Giải pháp chỉ có hiệu quả khi mỗi doanh nhân có ý thức làm chủ và chủ động trong phát triển trình độ, năng lực. Vì thế, doanh nhân cần đề cao ý thức học tập, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị, pháp luật... đủ lực để theo kịp tri thức khoa học và công nghệ hiện, trau dồi những kỹ năng cần thiết và nâng cao năng lực cạnh tranh trong cơ chế thị trường, hòa nhịp thế giới. Đặc biệt, doanh nhân cần phải xây dựng các chuẩn mực đạo đức và văn hóa kinh doanh với bản sắc của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Có thể nói, cộng đồng doanh nghiệp vừa trải qua thêm một năm đầy khó khăn, chịu nhiều áp lực do dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, không ít doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhưng cũng rất nhiều doanh nghiệp chủ động thích ứng với đại dịch, xoay chuyển tình thế và gặt hái thành công không nhỏ. Trong suốt thời gian đó đã cho thấy rõ một điều: doanh nhân TP.HCM đã phát huy rất tốt truyền thống tốt đẹp đoàn kết, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, không chùn bước trước khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19 gây ra.
Với tâm thế đó, cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng đang bước vào năm mới 2022 với rất nhiều kỳ vọng tốt đẹp. Tôi có niềm tin vững chắc rằng đội ngũ doanh nhân TP.HCM chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thách thức, duy trì ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh của đơn vị, địa phương đồng thời góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đã đề ra.
Với vị trí, vai trò là tổ chức liên kết cộng đồng có tính chất tự nguyện, tự quản của doanh nghiệp, không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm phát huy tính năng động, tính tích cực xã hội của mỗi doanh nghiệp, để thực hiện các mục tiêu, quyền lợi và giá trị chung của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội của thành phố và cả nước, chúng tôi xin hứa sẽ phát huy hơn nữa vai trò của Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM trong việc tư vấn, trợ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện chức năng cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước, thu hút ý kiến của doanh nghiệp đóng góp vào các chủ trương, chính sách quản lý kinh tế, xã hội của thành phố và của cả nước.
(*) Phó chủ tịch thường trực Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM,
Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn