Góc nhìn

Phát huy tinh thần yêu nước của tù nhân Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt

Lan Ngọc 27/07/2023 09:30

Tinh thần yêu nước của các tù nhân cách mạng trong độ tuổi thiếu niên tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt cần được thế hệ trẻ hôm nay trân trọng, tiếp nối và phát huy sáng tạo để góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

vengon5.jpg

Nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy khát vọng vươn lên phát triển bản thân, thực hiện tốt nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, qua đó góp phần xây dựng và phát triển đất nước cho cán bộ, viên chức, người lao động và con em, trong đợt sinh hoạt chính trị cấp chi bộ tháng 7/2023, Chi bộ Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã lựa chọn chuyến đi Đà Lạt để thăm di tích cách mạng cấp quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.

Có thể nói, chuyến đi này đã đọng lại trong lòng mọi người những ấn tượng cảm động, bởi nơi đây là chứng tích không chỉ như một bản án sống tố cáo sự dã man, tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc và chế độ ngụy quyền Sài Gòn, mà còn có giá trị sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam nói chung, nhất là với thế hệ trẻ.

Những người làm công tác bảo tồn di tích lịch sử nơi đây cho biết, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt chỉ tồn tại trong khoảng hai năm (từ 1971-1973), do chế độ ngụy quyền Sài Gòn xây dựng dưới cái mác “Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt”, nhưng thực chất đó là một nhà tù để chúng thực hiện âm mưu “tẩy não” các tù nhân thiếu nhi yêu nước về lý tưởng cách mạng.

Hơn 600 tù nhân dưới 17 tuổi tự nguyện tham gia cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) và tỉnh Lâm Đồng, đã bị kẻ thù giam cầm nơi đây. Lời kể lại của các nhân chứng sống, các hình ảnh, tư liệu lưu trữ tại nhà lao cho thấy, những tù nhân thiếu nhi bị giam cầm đã thể hiện một tinh thần yêu nước mạnh mẽ, đấu tranh kiên cường, bất khuất, không khoan nhượng, sẵn sàng hy sinh cả xương máu để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

vengon7.jpg

Danh nghĩa là một trung tâm giáo huấn, nhưng kẻ thù lại áp dụng chế độ quản lý của nhà tù, chúng bắt buộc mọi tù nhân thiếu niên yêu nước phải chào cờ và hát quốc ca của chúng, đồng thời tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu Đảng, Bác Hồ, nói xấu miền Bắc xã hội chủ nghĩa… hòng làm lung lạc ý chí cách mạng của những người cộng sản trẻ tuổi.

Ban đầu thì chúng thực hiện âm mưu dụ dỗ, mua chuộc, cho các tù nhân ăn ngon, mặc đẹp để lôi kéo đi theo chúng. Khi không đạt được mục đích, chúng điên cuồng đàn áp, tra tấn các tù nhân dã man, tàn bạo cả về thể xác lẫn tinh thần bằng các hình thức roi sắt, roi điện, gông trong xà lim, tắm sương đêm lạnh, giam trong hầm đá… nhốt chung nhiều người trong điều kiện không gian chật hẹp, ăn ở vệ sinh khó khăn, bẩn thỉu, thậm chí miếng cơm ăn, ngụm nước uống lẫn cả phân, nước tiểu các tù nhân vẫn phải ăn, phải uống để tồn tại.

Tuy nhiên, kẻ thù đã sai lầm vì đánh giá thấp tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng của những tù nhân nhỏ tuổi, dù trong bối cảnh hà khắc, các tù nhân thiếu nhi vẫn chịu đựng và tìm ra được các biện pháp để đấu tranh chống lại việc chào cờ và hát quốc ca của địch, thậm chí trừng trị lại cả cai ngục, có người gan dạ tự mổ bụng để phản đối chế độ nhà tù, đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống lại sự đàn áp, tổ chức vượt ngục, nổi dậy để khống chế, làm chủ và kiểm soát được nhà tù buộc chúng phải chấp nhận các yêu sách.

Chiến tranh đã lùi xa, những mất mát, đau thương trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước vẫn còn đó. Hàng triệu người Việt Nam yêu nước đã quên mình, hy sinh, hàng triệu gia đình đã mất đi người chồng, người vợ, người con, người cha, người mẹ, người anh… cho đất nước trường tồn và phát triển ngày nay.

Những cựu tù thiếu niên bị giam cầm ở Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt ngày ấy đến nay có người đã mất, có người vẫn còn là những nhân chứng sống; những người còn sống có người là cán bộ cao cấp đã về hưu, có người vẫn sống cuộc sống đời thường, thậm chí còn gặp khó khăn, nhưng tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng và sự cống hiến của họ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc thì Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ mãi mãi ghi nhận, biết ơn.

venguon8.jpg

Dù trong chế độ lao tù hà khắc với những trận đòn tra tấn dã man, sự đọa đày cả về thể xác lẫn tinh thần, trong tay không có công cụ, vũ khí, nhưng các tù nhân yêu nước bị giam cầm ở Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt vẫn đưa ra được các biện pháp đấu tranh để chiến thắng kẻ thù có lực lượng hùng hậu, được trang bị công cụ, vũ khí để đàn áp, đã phá tan được âm mưu thâm độc của kẻ thù. Sức mạnh đó có được, chỉ có thể nói là xuất phát từ lòng yêu nước mạnh mẽ, từ khát vọng cháy bỏng và lý tưởng cách mạng cao cả giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Tinh thần yêu nước của các tù nhân Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt năm xưa, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay cần phải ý thức cao không chỉ là sự ghi nhận, biết ơn, cách tri ân tốt nhất với họ chính là tiếp nối, phát huy một cách sáng tạo lòng yêu nước trong bối cảnh mới, trong thời đại mới để góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam của chúng ta giàu mạnh, hùng cường.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết về “Đất nước” giản dị và sâu sắc, ẩn chứa những tình cảm thiêng liêng với đất nước không chỉ riêng trong cảm xúc, tâm hồn nhà thơ, mà đó cũng là chính là tình cảm, là trách nhiệm với đất nước cần phải có trong nhận thức, trong suy nghĩ, trong tâm hồn, trong hành động của mỗi người Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay nói riêng: “...Em ơi em!/ Đất nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó và san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên đất nước muôn đời”.

Thời chiến, khi phải đương đầu với kẻ thù, thế hệ trẻ đi trước đã thể hiện lòng yêu nước, trách nhiệm với đất nước bằng cách tự nguyện tham gia cách mạng, cầm súng đứng lên đánh giặc, giữ vững lý tưởng cách mạng, kiên cường trong đấu tranh dẫu phải hy sinh để giành được chiến thắng cho dân tộc.

vengon4.jpg

Trong thời đại kim tiền, hội nhập với thế giới ngày nay, yêu nước, thể hiện trách nhiệm với đất nước không còn giống như thời chiến. Đặc biệt, các thế hệ trẻ sau chiến tranh đã được lớn lên, phát triển trong hòa bình, được nuôi dưỡng, giáo dục, đào tạo trong những môi trường thuận lợi, yêu nước, thể hiện trách nhiệm với đất nước, không còn phải cầm súng để chiến đấu, nên ngoài việc ghi nhớ công ơn các thế hệ đi trước, cần phải có khát vọng, lý tưởng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, văn minh, thể hiện qua những hành động và việc làm cụ thể, thiết thực, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, không ngừng sáng tạo, rèn luyện, trau dồi đạo đức, kiến thức, kỹ năng lao động, làm việc để vươn lên và cống hiến.

Yêu nước đối với giới trẻ ngày nay là cần phải tham gia cống hiến sức lực, trí tuệ góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đất nước, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại, nỗ lực khởi nghiệp, lập nghiệp, tận dụng hiệu quả những cơ hội của cách mạng 4.0 và tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng mang lại.

Có thể đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì đất nước cần, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia các hoạt động xã hội để sẻ chia vì cộng đồng. Chủ động tiếp nhận những tinh hoa về tri thức, văn hóa của nhân loại, trân trọng, chú trọng giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa, truyền thống quý báu của dân tộc. Yêu nước, thể hiện trách nhiệm với đất nước của mỗi người cũng có thể thể hiện thông qua những hành động, việc làm cụ thể một cách có hiệu quả, có trách nhiệm dù đó là việc làm nhỏ nhất, chẳng hạn như việc thực hiện tốt các chính sách, pháp luật, có ý thức bảo vệ môi trường, dũng cảm chống lại cái xấu, cái ác, biểu dương và thúc đẩy phát huy những cái đẹp, cái hay, cái chân, thiện, mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát huy tinh thần yêu nước của tù nhân Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO