Thời sự

Phấn đấu cán cân thương mại duy trì xuất siêu 15 tỷ USD vào năm 2025

Nhật Hưng 14/08/2024 - 12:16

Năm 2025, Bộ Công Thương phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.

Mục tiêu xuất nhập khẩu năm 2024 từng bước hoàn thành

Theo Báo cáo số 5795/BCT-KHTC ngày 7/8/2024 của Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6% và chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả dầu thô) đạt 136,69 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,6%.

Xuất nhập khẩu tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực - Tạp chí Tài chính

Hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực, với sự kết hợp khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống và mở rộng sang các thị trường mới như châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu và Tây Á.

Nhờ đó, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường và đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đều có sự phục hồi mạnh mẽ, trong đó, một số thị trường đạt mức tăng trưởng hai con số.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 65,74 tỷ USD, tăng 22,3%, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 112,71 tỷ USD, tăng 14,1%.

Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm cho thấy dấu hiệu tích cực, khi 88,8% tổng kim ngạch nhập khẩu là các nhóm hàng cần thiết cho sản xuất trong nước, bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu.

Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức cao, đạt 11,63 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,35 tỷ USD, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả dầu thô) xuất siêu 23,98 tỷ USD. “Năm 2024, ngành Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa khoảng 6% và duy trì thặng dư thương mại. Tính đến thời điểm hiện tại, xuất khẩu đã tăng 14,9% so với cùng kỳ, cán cân thương mại thặng dư 11,8 tỷ USD, đây là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024,” báo cáo nêu rõ.

Mục tiêu năm 2025

Năm 2025, toàn ngành Công Thương phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2024. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu, dự kiến khoảng 15 tỷ USD.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các đột phá chiến lược, tái cơ cấu các ngành lĩnh vực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Bộ cũng sẽ tập trung cải cách thể chế, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất và kinh doanh, đồng thời quyết liệt triển khai các dự án quan trọng và công trình trọng điểm.

Song song đó, việc đàm phán, nâng cấp và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới sẽ được tiến hành có chọn lọc, nhằm tận dụng tối đa các ưu đãi từ các FTA đã ký kết để mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác và nguồn hàng, giảm thiểu sự phụ thuộc vào một số thị trường cụ thể.

Bộ cũng sẽ triển khai các biện pháp phòng ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các ngành sản xuất trong nước cũng như của doanh nghiệp và người dân. Phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa và thương hiệu Việt, thúc đẩy thương mại điện tử và tích hợp chặt chẽ với các hình thức thương mại khác.

Ngoài ra, việc cung cấp thông tin kịp thời cho các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp về diễn biến thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục được duy trì, giúp các doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất và tìm kiếm đơn hàng phù hợp. Các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài sẽ được tổ chức thường xuyên, cùng với việc cập nhật liên tục thông tin về tình hình thị trường và các quy định, tiêu chuẩn mới từ nước ngoài để đưa ra khuyến nghị cho địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), và triển khai đa dạng các hình thức xúc tiến, cả trực tiếp lẫn trực tuyến, để tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA đã thực thi.

Cuối cùng, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục được đổi mới, với trọng tâm là thúc đẩy chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động này và nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phấn đấu cán cân thương mại duy trì xuất siêu 15 tỷ USD vào năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO