![]() |
Không biên độ, giờ giấc, không cần đủ tiền hay chứng khoán trong tài khoản, cũng chẳng cần ký quỹ hay chứng minh “nhân thân”…, dân buôn bán OTC trên các chợ vẫn đường hoàng giao dịch vài chục tỷ đồng/ngày…
Sau khi chợ OTC tại Công ty Chứng khoán Đông Dương (DDS) biến mất do những mâu thuẫn giữa “chủ chợ” và người buôn bán, thì sàn OTC tại Công ty Chứng khoán VN Direct đang là nơi hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư (NĐT) OTC. Nếu ít tham gia chợ OTC thì người mới rất dễ “choáng” khi nghe lời rao mua bán không khác gì quang cảnh trên các sàn nước ngoài.
Hiện nay, cổ phiếu OTC được mua bán nhiều nhất vẫn là cổ phiếu của Ngân hàng Quân đội (MB) và những lời rao “bán 224” hay “mua 226” tại các chợ OTC chính là lời chào mua, bán cổ phiếu MB. Phần lớn các chợ bán cổ phiếu MB theo lô, ít nhất là 1.000 cổ phiếu/lô và thường là 10.000 cổ phiếu/lô.
![]() |
Tuy nhiên, chẳng mấy ai mua bán kiểu “tiền trao cháo múc”, mà thường là mua bán khống như trên các sàn giao dịch vàng. Trước đây, người ta chỉ “nhìn mặt đặt mua bán” bằng uy tín, tin nhau là chính, nhưng do đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo nên hiện nay phải đặt cọc hay ký quỹ 10%/tổng giá trị mua bán rồi cuối ngày tất toán, ai bỏ giao dịch thì chịu mất tiền cọc. Ngay sau khi hai bên “gật đầu ưng thuận”, người mua/bán sẽ tiếp tục tìm người để bán/mua lại ngay nhằm hưởng chênh lệch, tiếp tục “đi chợ”.
Ai mạo hiểm và muốn kiếm lời nhiều hơn thì sẵn sàng “đánh lên” hay “đánh xuống” như bên sàn vàng, chưa kể có người còn chơi “đánh ngang”. Đối với kỹ thuật “đánh lên”, người mua có quyền quyết định thời điểm giao dịch tối đa trong 30 ngày, tức là có thể yêu cầu người bán thực hiện chuyển nhượng cổ phiếu hoặc thanh toán tiền chênh lệch (trường hợp mua bán khống) vào bất kỳ thời điểm nào trong thời gian này. Trong thời hạn 30 ngày, nếu giá cổ phiếu tăng lên, người mua có quyền yêu cầu người bán thực hiện chuyển nhượng cổ phiếu hoặc thanh toán chênh lệch.
Trong trường hợp giá cổ phiếu không tăng như kỳ vọng mà giảm dưới mức giá giao dịch, người mua có thể chờ đến ngày kết thúc giao dịch để thực hiện giao dịch. Ngược lại, đối với “đánh xuống”, người bán có quyền ấn định thời điểm thực hiện giao dịch trong vòng 30 ngày. Còn đối với “kèo ngang” - mua bán trong ngày hay qua đêm, giao dịch được tất toán trong ngày hoặc qua đêm tùy theo thỏa thuận. Nhưng để “quay vòng” nhanh, dân chơi OTC cũng có thể áp dụng chiến thuật “đánh lên” hay “đánh xuống” ngay trong ngày, tương tự kỹ thuật trong kinh doanh vàng trên sàn.
Theo các công ty chứng khoán đang có sàn OTC hoạt động, sau khi sàn UPCoM ra đời và UBCKNN hạn chế các sàn OTC tại công ty chứng khoán thì họ cũng không còn “thiết tha” với chợ OTC nữa (như trường hợp của DDS - NV). Tuy nhiên, do nhu cầu của NĐT và khoản phí đem lại không nhỏ, nên các sàn này vẫn giao dịch sôi động. Dù rủi ro khá lớn nhưng do lợi nhuận cao, mua bán dễ dàng và ít bị bó buộc về luật lệ nên dân chơi OTC chuộng mua bán ở chợ hơn ở UPCoM.
Bà Trương Nữ Thu Lan, Trưởng phòng Môi giới FPTS cho biết, dù “mở” nhưng hàng mua bán trên các chợ OTC chủ yếu là của các ngân hàng lớn như MB, Eximbank, Đông Á..., hay của các công ty bất động sản, còn nhiều loại hàng khác không lọt vô được hoặc rất ít giao dịch. Tuy nhiên, dù đã “thanh lọc” nhiều nhưng chơi OTC theo kiểu như trên vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc.
Nhiều NĐT vay tiền tại công ty chứng khoán bán khống cổ phiếu và không mua vào được khi giá lên để cắt lỗ đã thiệt hại không nhỏ và UBCKNN đang “phân xử”. Tuy nhiên, do không có luật lệ và thiếu sự giám sát những trường hợp tương tự nên không cơ quan nào dám đảm bảo sẽ không tái diễn sự việc trên.
Bên cạnh đó, hình thức mua bán khống vẫn chưa được pháp luật công nhận và khi xảy ra sự cố, NĐT không thể nhờ cơ quan chức năng can thiệp mà tự giải quyết hậu quả. Nếu chịu bỏ thời gian quan sát và tìm hiểu tại các chợ OTC thì không khó để nhận thấy những trò “tung hứng” của một nhóm “đại gia” nhằm thao túng chợ và người non kinh nghiệm rất dễ sập bẫy”.