Nhân dịp Tết đến Xuân về, Doanh Nhân Sài Gòn đã có buổi trò chuyện với ông Trần Việt Anh - Tổng giám đốc SCC để nghe ông chia sẻ thêm về những buồn vui, gắn bó với các hoạt động thiện nguyện ở SCC.
* Làm thiện nguyện hăng say và lâu bền hàng chục năm qua, chắc hẳn SCC và bản thân ông phải có lý do gì đó đặc biệt?
- Tôi đi nhiều và thấy dân mình còn nghèo nhiều lắm, tôi nghĩ việc giúp đỡ, chia sẻ cho nhau là một việc rất tự nhiên. Mình có thì mình chia sẻ lại cho người nghèo, kém may mắn hơn mình. Đó cũng là một trách nhiệm. Bản thân tôi đã rất xúc động khi trông thấy các em nhỏ miền núi mỗi ngày đầu trần đội nắng đội mưa đi học trên những con đường đất đá cằn cỗi. Trẻ con ở những vùng sâu, vùng xa, ngay từ khi sinh ra đã thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa. Ngay cả con đường đến trường cũng trở nên gập ghềnh đầy rẫy hiểm nguy. Lúc đó tôi nghĩ, mình làm một cái cầu nhỏ là có thể rút ngắn cả một đoạn đường dài, giúp học trò vùng sâu vùng xa dễ dàng hơn khi đến lớp. Người dân vùng ấy cũng đi lại thuận tiện. Chỉ một cái cầu nhỏ mà có thể tháo gỡ được nhiều khó khăn cho cả vùng. Tôi thích các cách làm thiện nguyện thực chất như thế.
Ông Trần Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty SCC, Chủ nhiệm CLB thiện nguyện Ấm Tình Yêu Thương |
* Ngoài các dự án xây cầu, SCC còn triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ, cứu trợ đồng bào nghèo như xây nhà tình nghĩa cho nạn nhân chất độc da cam, cấp học bổng cho học sinh nghèo... và sắp tới là xây các thư viện sách ở những vùng hẻo lánh... Có vẻ như năm 2020, SCC làm thiện nguyện nhiều hơn bao giờ hết?
- Dịch Covid-19 bất ngờ xảy đến đã làm thay đổi nhiều thói quen, suy nghĩ. Cùng đó, khoảng thời gian giãn cách xã hội, tự cách ly ở nhà cũng là dịp để chúng ta nhìn lại chính mình, nhìn lại các giá trị cuộc sống. Chúng ta buộc phải sống chậm lại, trăn trở nhiều hơn. Chúng ta thấy rằng con người thật ra rất nhỏ bé và trong thế giới này, mỗi người cần sống trách nhiệm hơn, giữa người với người, với môi trường và với xã hội. Có thể nói, năm 2020 có quá nhiều biến động, sự kiện xảy đến nên dù không dự tính trước, nhưng tình hình kinh doanh có giảm 50% thì việc thiện nguyện của SCC vẫn đảm bảo 100%.
* SCC đã lập Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện Ấm Tình Yêu Thương được hơn 1 năm. Sự ra đời của CLB này đã làm thay đổi thế nào đến chất lượng thiện nguyện ở SCC?
- Thông qua CLB Ấm Tình Yêu Thương, SCC có thể triển khai chiến lược thiện nguyện bài bản, dài hơi hơn, gia tăng ngân sách và kêu gọi được nhiều sự tham gia của nhân viên công ty lẫn đối tác, khách hàng bên ngoài. Đến nay, sau hơn 18 tháng chính thức ra đời, CLB đã có các chương trình thiện nguyện hoạt động vì cộng đồng với ngân sách lên tới hơn 6 tỷ đồng. Và tất cả nhân viên thuộc mọi phòng ban, công ty thành viên ở SCC đều luân phiên, cùng tham gia trực tiếp vào các chương trình thiện nguyện mà CLB đề ra. SCC cũng phân công rõ trách nhiệm của từng phòng ban đối với hoạt động của CLB. Ví dụ, bộ phận tài chính phụ trách vấn đề ngân quỹ, đảm bảo nguồn ủng hộ cố định, còn marketing lên ý tưởng, kết hợp, liên hệ khảo sát, lo tổ chức và truyền thông, kêu gọi.
Lễ khánh thành công trình dân sinh "Cống Tân Hiệp" tại xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên vào ngày 12/1/2021 |
* Làm từ thiện thực chất đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian. Vì sao SCC không chọn cách đơn giản hơn?
- Nếu làm thiện nguyện theo hướng thăm hỏi, tặng quà, chi tiền giúp đỡ thì đúng là đơn giản hơn thật. Tuy nhiên, chúng tôi muốn thấy các hoạt động phải đạt hiệu quả nên thường chúng tôi phải luôn trăn trở các ý tưởng, theo sát các chương trình, giám sát các hoạt động để đảm bảo chất lượng. Đối với cá nhân, chúng tôi muốn trao “cần câu” thay vì trao “con cá”, muốn thấy sự thay đổi, tiến bộ nơi người khác. Chúng tôi muốn thấy họ tự đứng được trên đôi chân chính mình.
* Trong quá trình làm thiện nguyện, có những gian truân và cả niềm vui sướng mà chỉ những người trực tiếp tham gia mới cảm nhận hết. Ông có thể chia sẻ thêm những câu chuyện bên lề của mình không?
- Vì những vùng đất SCC ghé đến thường rất hẻo lánh, thiếu đường, thiếu điện... nên việc chúng tôi lội bộ vất vả, đi trên những cung đường đồi dốc, sình lầy, hay phải trầm mình trong cái lạnh thấu xương, ăn ngủ tạm bợ trong những điều kiện thiếu thốn là rất thường xuyên. Nhưng càng trải nghiệm nhiều, sự thấu cảm càng gia tăng và tâm hồn càng thêm rộng mở. Điều làm chúng tôi hạnh phúc là thấy được tình cảm ấm nồng của người dân những nơi mình đi qua. Họ cảm kích và trân quý mình đến mức, dù nhà nghèo và chỉ có duy nhất một món ngon, lẽ ra cất dành cho dịp lễ Tết, người ta cũng đem ra mời mình.
* Từ quan sát các hoạt động thiện nguyện, CSR của doanh nghiệp, mới thấy làm từ thiện cũng lắm thị phi, có thể ảnh hưởng xấu đến kinh doanh của doanh nghiệp. SCC làm thế nào để vượt qua và không bị tác động?
- Việc lập kế hoạch rõ ràng ngay từ đầu đã giúp SCC tránh được các rủi ro. Chúng tôi xem trọng các tiêu chí khi xem xét, quyết định. Chúng tôi không tự làm một mình mà đều kết hợp với các bên, từ chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân để triển khai. Đặc biệt, mọi hoạt động thiện nguyện của SCC đều rõ ràng mục đích, minh bạch thông tin, số liệu. Chúng tôi cũng luôn để ý cách làm sao cho khéo léo, tránh phản cảm và ưu tiên những hoạt động thiện nguyện thực chất, giúp đỡ lâu dài.
* Người ta vẫn nói “cho đi là còn mãi”. Hôm nay cho yêu thương thì ngày mai ắt sẽ gặt được yêu thương. Anh cảm nhận sao về điều này?
- Tôi đã nhận được rất nhiều từ việc cho đi. Càng cho đi, càng nhận về nhiều. Đó là niềm vui sướng thấy mình đã chung tay tháo gỡ khó khăn cho người khác, đã làm được việc tốt, có ý nghĩa. Đó là niềm cảm động khi bắt gặp những tình cảm lớn lao, chân chất của bà con miền quê nghèo. Từ đồng cảm khó khăn của người khác, tôi thấy mình thật may mắn và tôi càng trân trọng những gì mình đang có. Tôi hy vọng mô hình từ thiện của SCC sẽ ngày càng phát triển, tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự chung tay của nhiều người, để khắp đất nước mình, đâu đâu cũng là ruột thịt, yêu thương giúp đỡ nhau.
* Xin chân thành cảm ơn ông về buổi trò chuyện và chúc SCC một năm mới an khang, thịnh vượng!
Các chương trình thiện nguyện nổi bật ở SCC: Trong năm 2020, CLB Ấm Tình Yêu Thương đã thực hiện được 29 chương trình thiện nguyện trên 16 tỉnh, thành trên cả nước với ngân sách khoảng 6 tỷ đồng như: tài trợ 200 triệu đồng đến UBTƯMTTQVN cho công tác phòng chống dịch; tặng 101 bồn chứa nước loại 1.500 lít/bồn cho xã bị hạn mặn tại tỉnh Cà Mau; tặng vải kháng khuẩn may 2.500 khẩu trang cho tỉnh Cà Mau; phát 1 tấn gạo cho người nghèo; xây 2 căn nhà tình nghĩa cho nạn nhân chất độc da cam thuộc 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Trị, hỗ trợ phí sinh hoạt hằng tháng cho 3 hộ gia đình nạn nhân. “Hành Trình Yêu Thương” - cứu trợ 13 xã thuộc 3 tỉnh “rốn lũ” Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình với tổng số tiền quyên góp là 590.332.000 đồng. Khánh thành công trình “Cống Tân Hiệp” với chi phí xây dựng hơn 2 tỷ đồng cho học sinh miền núi và bà con nghèo xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Nhận bằng tri ân Tấm lòng vàng do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Hội trao tặng. |