Ông Phan Đình Tuệ - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh: "Chúng tôi tự hào là người con quê hương Bác"

Lữ Ý Nhi| 14/05/2021 09:00

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cũng nhân kỷ niệm lần thứ 131 ngày sinh của Bác, 80 năm ngày Bác về nước lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, chúng tôi có buổi trò chuyện với ông Phan Đình Tuệ - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP.HCM, được nghe những đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp (DN) xứ Nghệ cho sự phát triển kinh tế TP.HCM và cả nước, cũng như niềm tự hào của họ khi được sinh ra trên quê hương Bác.

thumbnail-2-1365-1620631180.jpg

Lời tòa soạn: Nhân kỷ niệm lần thứ 131 ngày sinh của Bác, 80 năm ngày Bác về nước lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, Doanh nhân Sài Gòn thực hiện tuyến bài về những nhân vật, câu chuyện có đóng góp thiết thực để xây dựng quê hương, thành phố mang tên Bác ngày một giàu đẹp.

* Theo tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gần 17 năm qua, Hội đã có những hành động cụ thể nào đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước, thưa ông?

"Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ..."

Câu ca tự ngàn xưa ấy gợi cho chúng ta về một miền quê non xanh nước biếc, mang phong vị riêng đầy ấn tượng của miền đất Nghệ Tĩnh "địa linh nhân kiệt" của nước Việt Nam giàu đẹp. Nơi đây là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, của cố Tổng bí thư Đảng đầu tiên Trần Phú, cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong, cố Tổng bí thư Hà Huy Tập; của nhà chí sĩ Cách mạng Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng... và nhiều danh nhân khác.

TP.HCM là một trong những thành phố năng động và phát triển kinh tế nhất Việt Nam, là chốn "đất lành chim đậu", phù hợp với tính cách con người Nghệ Tĩnh luôn chăm chỉ, cần cù, năng động và sáng tạo...

Với đặc tính riêng của người dân xứ Nghệ, dù đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM hay bất cứ nơi đâu, trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người con xứ Nghệ vẫn hướng về quê hương. Một điệu hò ví dặm, một khúc hát dân ca Nghệ Tĩnh cũng đủ để những người con xa quê xích lại gần nhau.

Chính vì thế, Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh đã ra đời để kết nối, làm nhịp cầu cho các doanh nhân, DN đồng hương, liên kết, có những việc làm cụ thể, thiết thực để xây dựng quê hương, thành phố mang tên Bác ngày một giàu đẹp.

Trong gần 17 năm qua, Hội cũng đã phối hợp với tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến và kêu gọi đầu tư về quê hương.

Tính đến nay đã có hàng chục dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh của hàng chục DN, nhà đầu tư của TP.HCM với tổng vốn đăng ký hàng nghìn tỷ đồng. Các dự án đầu tư đang phát huy hiệu quả như dự án công viên trung tâm thành phố Vinh; dự án của Công ty Thành Thái Thịnh đầu tư xây dựng khu dân cư - cao ốc văn phòng tại thành phố Vinh; dự án của Công ty Eurowindow đầu tư trung tâm thương mại - văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp tại Vinh; dự án khu dân cư, khách sạn và sân golf của Tập đoàn Vabis tại Xuân Thành...

* Cụ thể, các dự án đầu tư này đã mang lại sự thay đổi như thế nào cho Nghệ An và Hà Tĩnh, thưa ông?

- Theo đánh giá của lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, các dự án đầu tư của DN TP.HCM vào Nghệ An và Hà Tĩnh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, giải quyết việc làm và tạo điều kiện để người lao động tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp, phù hợp xu hướng hội nhập thế giới. Qua đó, các DN của TP.HCM đã tạo việc làm cho hơn hàng vạn lao động người Nghệ An, Hà Tĩnh, đóng góp vào ngân sách tỉnh hàng nghìn tỷ đồng. Không chỉ thay đổi diện mạo cho Nghệ An và Hà Tĩnh, mà còn để lại cho tỉnh nhiều giá trị nhân văn, tình cảm... thông qua số tiền và hiện vật mà các DN đã ủng hộ, tài trợ an sinh xã hội lên đến hàng chục tỷ đồng như hỗ trợ bão lũ, khám chữa bệnh miễn phí, xây dựng các công trình trường học, trạm y tế tại các vùng đặc biệt khó khăn.

* Điều đáng tự hào là tinh thần đoàn kết, hợp tác của các hội viên trong Hội rất cao, làm thế nào Hội truyền cảm hứng cũng như phát huy tinh thần đoàn kết của các hội viên như thế?

- Để làm được điều này thì chính các hội viên là người "hiện thực hóa" tôn chỉ, mục đích của Hội. Thực tế, nhiều hội viên đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, kết nối hội hợp tác kinh doanh, sử dụng sản phẩm của nhau trong các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, vật tư nguyên liệu sản xuất, thương mại, dịch vụ du lịch và tư vấn pháp luật...

Nhiều doanh nhân, DN, hội viên đã được bình chọn đạt "Cúp vàng doanh nhân xứ Nghệ” và danh hiệu "Doanh nhân, doanh nghiệp TP.HCM tiêu biểu", nhận nhiều bằng khen của lãnh đạo TP.HCM và hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh... Đây là điều rất đáng tự hào cho đội ngũ doanh nhân xứ Nghệ.

Text-1-5034-1620631180.jpg

Để truyền cảm hứng cho hội viên tham gia Hội, theo tôi, ngoài tôn chỉ mục đích rõ ràng, ban chấp hành năng động, tâm huyết vừa có tâm, vừa có tầm luôn vì lợi ích chung của hội viên thì việc chủ động xây dựng nhiều chương trình hoạt động gắn liền với hội viên, một cách thiết thực, hữu ích, nhất là phát huy được nhiều hơn giá trị và xây dựng được niềm tự hào cho các hội viên là cách truyền cảm hứng, động lực để các hội viên tham gia hoạt động Hội nhiều hơn.

* Ông vừa nói đến giá trị. Ngoài giá trị đóng góp về kinh tế, còn giá trị nào khác mà Hội đã và đang làm để tạo thêm động lực cũng như xây dựng niềm tự hào cho hội viên, thưa ông?

- Là người Việt Nam, ai cũng tự hào về Bác và với những người được sinh ra và lớn lên trên quê hương của Bác, từ tuổi thơ, trong truyền thống gia đình đã được nghe kể những câu chuyện về Bác nên tình cảm, niềm tự hào càng thấm đậm hơn. Dù đi đâu, làm ăn ở đâu bản thân tôi và những người dân xứ Nghệ cũng mang niềm tự hào về Bác, tự hào là người con quê hương Bác. Để hun đúc thêm tinh thần, niềm tự hào ấy, chúng tôi thường xuyên có các buổi tuyên truyền, chia sẻ câu chuyện về những tấm gương, đạo đức của Bác cho con em doanh nhân. Đồng thời cũng là cách để anh em nhắc nhớ nhau giữ gìn đạo đức, những đức tính truyền thống của quê hương xứ Nghệ.

Cũng cần phải kể thêm một giá trị khác mà Hội đã làm được, đó là thành lập nhiều câu lạc bộ như Câu lạc bộ Ví dặm, tập hợp các nghệ nhân, có năng khiếu, đam mê trong lĩnh vực ca hát, nhất là hát ví dặm để gìn giữ bản sắc văn hóa của địa phương, vốn được UNESCO xếp vào di sản phi vật thể của thế giới.

Ngoài ra, Hội cũng đóng góp rất lớn cho các hoạt động xã hội như năm ngoái đã đóng góp 1,5 tỷ đồng bà con lũ lụt ở Nghệ An - Hà Tĩnh. Đầu năm 2021, do Covid-19 cũng đã huy động hơn 500 triệu đóng góp cho ngư dân miền Trung từ Nghệ An vào đến Khánh Hòa. Và một đóng góp khác cũng rất lớn, đó là một số DN đã tạo công ăn việc làm, ưu tiên cho học sinh, sinh viên xứ Nghệ vào TP.HCM làm việc, hay như đóng góp của các doanh nhân cho chính bà con ruột thịt, người thân của họ tại quê nhà để giúp con em đi học, mua nhà, mua xe máy, làm từng mét đường cho người dân đi lại...

* Ông cho rằng, đặc tính chung của người xứ Nghệ là kiên trì, chịu khó và luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống, bản thân ông đã thể hiện tinh thần này thế nào?

- Miền Trung là vùng đất khó khăn, nhiều khắc nghiệt nên trong cuộc sống bình thường, người dân luôn phải nỗ lực gấp nhiều lần để vượt lên khó khăn và bản thân tôi cũng không ngoại lệ.

Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp lớp 12, tôi cũng phải rời quê Nghệ An vào Tây Nguyên đi cuốc cỏ cà phê để có tiền ôn thi đại học.

Thi đậu vào Đại học Ngân hàng và ra trường, tôi lại trở về Tây Nguyên bắt đầu ở vị trí nhân viên ngân hàng, sau đó làm nhân viên kế toán. Từng bước kiên trì và nỗ lực vượt khó, vươn lên, từ vị trí nhân viên tôi được làm Phó giám đốc Công ty Cà phê Việt Đức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lúc đó.

Lại tiếp tục đi học kinh doanh ngoại thương, năm 2004, tôi về làm Giám đốc Chi nhánh Tổng công ty cà phê Việt Nam tại TP.HCM và năm 2007, cơ duyên lại dẫn tôi trở lại ngành ngân hàng và gắn bó đến hiện nay.

* Nhiều bạn trẻ sau khi học tại thành phố không muốn về các tỉnh, trong khi ông lại ngược dòng về Tây Nguyên tìm việc làm, có thể xem trường hợp của ông là một điển hình cho các bạn trẻ?

- Không phủ nhận là hiện nay, cơ hội việc làm tại thành phố rất lớn và xu hướng các bạn trẻ học xong ở lại tìm việc làm ở thành phố cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, thời điểm tôi ra trường và quyết định trở về Tây Nguyên cũng là một quyết định khá khó khăn. Vì khi đó, trong tư duy của nhiều người thì Tây Nguyên vẫn là vùng đất xa xăm, chưa nhiều điều kiện sống tốt cũng như cơ hội việc làm. Song do chưa có bằng cấp, nghề nghiệp, lại mang tâm lý "dân tỉnh" nên khi ra trường, tôi không mấy tự tin để xin việc ở thành phố. Nghĩ Tây Nguyên gắn bó với mình nhiều năm nên quyết định vậy!

Vì thế, nếu được chia sẻ kinh nghiệm bản thân, tôi sẽ nói với các bạn trẻ: "Hãy tự tin, mạnh dạn. Khi mình quyết tâm vươn lên và nỗ lực hết mình với công việc thì ở bất cứ nơi đâu, điều kiện nào, cánh cửa cũng sẽ mở".

thumbnail-3-8756-1620631180.jpg

Hiện nay, xu hướng cũng đang thay đổi. Thực tế, ở nhiều địa phương, cơ hội cho người trẻ rất nhiều, chính quyền địa phương các tỉnh cũng quan tâm đến các bạn trẻ khởi nghiệp, trân trọng và mong muốn các bạn trẻ trở về. Hơn nữa, ở các địa phương cũng có điều kiện phát triển như viễn thông, giao thông, công nghệ đều đang tốt, khoảng cách và điều kiện cuộc sống ở thành phố và nông thôn đang rút ngắn dần nên cơ hội cho các bạn trẻ về quê hương làm việc rất tốt.

Nhiều câu chuyện thực tế cho thấy, đã có rất nhiều bạn trẻ "bỏ phố” về quê về làm trang trại chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch, trồng rau, trái cây theo công nghệ mới, VietGAP... rất thành công. Như mới đây về Nghệ An, tôi đã đến thăm một bạn trẻ trồng chanh xuất khẩu và mô hình này đang được nhân rộng khá tốt.

* Hơn nửa đời người, có thể xem là khá nhiều trải nghiệm về cuộc sống, nghề nghiệp, ông có trăn trở nào có thể chia sẻ?

- Trong vai trò là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh, suy nghĩ nhiều nhất của tôi lúc này là làm thế nào để những hoạt động của Hội có thể gắn kết, giúp hội viên phát triển kinh tế nhiều hơn nữa, cũng như có kế hoạch hành động cụ thể hơn để giúp cho hội viên thay đổi cấu trúc, phù hợp xu thế số hóa, nâng cao năng lực quản trị. Bởi với xu thế phát triển của công nghệ, không nâng cao quản trị theo xu hướng mới sẽ tụt hậu.

Ngoài một số doanh nhân trẻ có tư duy đổi mới, thay đổi theo xu hướng công nghệ thì cũng còn rất nhiều DN "có tuổi đời lớn hơn" thì chưa thật sẵn sàng. Vì vậy, thời gian qua, mặc dù Hội cũng triển khai một số hội thảo, mời các diễn giả, chuyên gia các nước đến chia sẻ, nhận định tình hình kinh tế thế giới và trong nước để truyền đi thông điệp và xu hướng cho các DN, doanh nhân thay đổi tư duy, nhân rộng các nhân tố tích cực để lan tỏa thông điệp nhưng vẫn chưa đủ và vẫn cần có nhiều chương trình mới hơn, hiệu quả hơn nữa.

Bên cạnh đó, phải có mô hình hợp tác, liên kết làm ăn thực sự hiệu quả. Thời gian qua cũng có nhiều mô hình hợp tác nhưng chưa nhiều hiệu quả.

Một mong muốn nữa là hiện nay số lượng DN, doanh nhân tại TP.HCM và các tỉnh có quê hương xứ Nghệ rất lớn, lên đến hàng chục nghìn DN nhưng chúng tôi mới tập hợp được gần 500 nên thời gian tới, tôi cũng trăn trở làm sao phát triển được nhiều hội viên doanh nhân, DN xứ Nghệ ở các tỉnh lân cận tham gia Hội.

* Trong vai trò là phó tổng giám đốc ngân hàng, ông có trăn trở gì?

- Trong hơn một năm khi Covid-19 xảy ra, cộng đồng DN và người dân gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có ngân hàng. Song Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã có quyết sách hỗ trợ cho DN và ngân hàng hiệu quả. Cụ thể, Sacombank đã có nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng và vào cuộc rất sớm để cơ cấu lại nợ cho khách hàng, đồng thời có nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất từ 0,5-2%, giảm khung lãi suất cho vay... Ngoài ra, giảm rất nhiều loại phí cho khách hàng, đặc biệt đưa ra các giải pháp công nghệ để khách hàng giao dịch online vừa tiết kiệm lại an toàn.

Text-2-3406-1620631180.jpg

Sắp tới, trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát, DN sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, đòi hỏi nguồn vốn tín dụng ngân hàng cao. Để đáp ứng cho DN, Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ, xem xét chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp để ngân hàng có điều kiện tốt hơn hỗ trợ cho DN. Với các DN nhỏ, mới thành lập thì nguồn vốn chính là bệ đỡ quan trọng cho họ hoạt động nhưng họ lại rất khó tiếp cận nguồn vay của ngân hàng do chưa đạt một số tiêu chí cho vay của ngân hàng. Vì vậy, cần có cơ chế tổng thể của Nhà nước và các cơ quan bộ, ngành cũng như chính sách vĩ mô riêng để hỗ trợ cho DN nhỏ.

Thực tế, đội ngũ doanh nhân trẻ có nhiệt huyết, đam mê kinh doanh nhưng kinh nghiệm chưa nhiều và thiếu vốn. Sắp tới, tôi cũng sẽ thành lập thêm một số CLB trong đó có CLB Doanh nhân trẻ để nắm bắt khát vọng, ý tưởng của họ để có nhiều hoạt động phù hợp với quy mô và mong muốn của họ, cũng như hỗ trợ kinh nghiệm, vốn cho họ hoạt động.

* Trước thềm bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND TP.HCM khóa X, kỳ vọng của ông vào các đại biểu thế nào?

- Tôi kỳ vọng vào đội ngũ ứng cử đại biểu là các bạn trẻ, mong các đại biểu khi giữ trọng trách của mình phải liêm chính, phải sạch, phải tận tâm cống hiến, phải là người "dũng cảm", không sợ cái đúng, nghĩa là "biết đúng mà không làm". Một khi nhân viên tín nhiệm bỏ phiếu bầu mà các đại biểu không có tư duy đổi mới, không tận tụy cống hiến, luôn đặt mình trong giới hạn an toàn cho bản thân và gia đình thì đóng góp được gì cho đất nước.

* Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Phan Đình Tuệ - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh: "Chúng tôi tự hào là người con quê hương Bác"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO