Rục rịch "dọn kho"

MINH ĐẠT| 25/08/2012 07:47

Khi nỗ lực của các hãng xe và đại lý không thể đẩy doanh số lên dốc thì họ buộc phải cắt giảm chi phí.

Rục rịch

Khi nỗ lực của các hãng xe và đại lý không thể đẩy doanh số lên dốc thì họ buộc phải cắt giảm chi phí.

Đọc E-paper

Ông Laurent Charpentier, Giám đốc Điều hành của Ford Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam (VAMA), tiết lộ, trong 6 tháng đầu năm, tồn kho của 18 thành viên của VAMA cao hơn 50% lượng cao điểm của doanh số ô tô vào tháng 12 năm ngoái.

Phía Toyota Việt Nam xác nhận, mức tồn kho của họ tại nhà máy ở Vĩnh Phúc đã lên đến 1.775 chiếc và tại các đại lý là 1.308 xe tính tới tháng 6/2012. Riêng trường hợp của Công ty Hyundai - Thành Công, theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Cái Mép (Chi cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nhà nhập khẩu này vẫn còn để hơn 1.000 xe tại cảng Cái Mép, dù họ đã nhập về từ quý I/2012.

Nói về nguyên nhân lượng xe tồn kho tăng trong hai quý đầu 2012, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Giám đốc Truyền thông của Ford Việt Nam, nhìn nhận, cuối năm 2011, do người tiêu dùng có tâm lý “mua chạy” xe trước khi các chính sách về thu lệ phí trước bạ, phí đăng ký và cấp biển xe mới được thực thi vào đầu năm 2012, nên giai đoạn này kinh doanh của các hãng vẫn còn khả quan.

Thông thường, để đưa ra một kế hoạch sản xuất, các công ty phải mất ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm. Dựa trên thị trường cuối năm 2011, nhiều hãng dự đoán sai về mức giảm sút doanh số bán ra trong năm 2012, dẫn đến chưa có những điều chỉnh trong kế hoạch sản xuất trong nửa đầu năm 2012.

Sau khi nhận thấy tình hình kinh doanh khá ảm đạm, các hãng bắt đầu điều chỉnh lại kế hoạch trong nửa sau năm 2012, trong đó có việc cắt giảm tối đa chi phí. Chẳng hạn, Ford Việt Nam đã ngưng một số hợp đồng với các lao động kỹ thuật tạm thời theo tháng, quý để giảm chi phí. Trong khi có những nhà máy đang phải hoạt động 1/3 công suất thiết kế và chấp nhận bán hàng không lợi nhuận.

Theo nhận định của một số nhà lắp ráp và sản xuất ô tô, sự điều chỉnh về kế hoạch sản xuất sẽ giúp lượng tồn kho của các hãng xe giảm xuống, đồng thời, việc điều chỉnh về nhân sự sẽ hỗ trợ phần nào chi phí đầu vào của các hãng lẫn đại lý. Song, điều quan trọng hơn đối với họ trong những tháng cuối năm là làm sao để kích thích bán hàng vì thị trường ô tô đã xuống quá sâu.

Đầu tháng 8, VAMA công bố trong tháng 7/2012, sản lượng bán hàng đạt 7.433 xe, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2011, nhưng lại tăng 13% so với tháng 6/2012. Thông tin ra đời ngay trong mùa mua xe thấp điểm nhất của năm, quý III, khiến thị trường phấn chấn hẳn lên. VAMA nhận định ngắn gọn: “Thị trường ôtô đang có dấu hiệu hồi phục nhẹ sau 3 tháng giảm liên tiếp”.

Cũng cần nói thêm, trước đó không lâu, Bộ Giao thông - Vận tải đã đồng ý lùi thời hạn thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân sau ba năm nữa, phần nào giúp “bình ổn tâm lý khách hàng đang có nhu cầu mua xe”, Tổng giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam, ông Michael Behrens, nhận xét.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay mua ô tô giảm dần theo đà giảm chung của lãi suất cơ bản cùng những hỗ trợ bán hàng của các hãng xe và đại lý đã góp phần làm nên những tín hiệu tốt đầu tiên trong xu hướng hồi phục nhẹ của ngành ô tô Việt Nam.

“Thị trường cơ bản sẽ tốt hơn trong quý III và quý IV”, ông Michael Behrens chia sẻ. Tuy nhiên, theo ông Behrens, phải đợi đến triển lãm ô tô Việt Nam ở Hà Nội vào tháng 9 tới, khi các hãng xe đẩy mạnh chính sách bán hàng, đồng thời giới thiệu các dòng xe mới, hấp dẫn cho thị trường thì mới có thể tin tưởng về sự trỗi dậy của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rục rịch "dọn kho"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO