Ngành ô tô Việt Nam: Bao giờ mới lớn?

HỒNG NGA| 18/12/2013 03:54

Việt Nam mất gần 20 năm để xây dựng ngành công nghiệp ô tô nhưng đến nay vẫn đang loay hoay với việc chọn dòng xe chiến lược, phát triển công nghệ phụ trợ, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN)...

Ngành ô tô Việt Nam: Bao giờ mới lớn?

Việt Nam mất gần 20 năm để xây dựng ngành công nghiệp ô tô nhưng đến nay vẫn đang loay hoay với việc chọn dòng xe chiến lược, phát triển công nghệ phụ trợ, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN)... trong khi thời hạn "thị trường chung ASEAN" đã cận kề. Liệu chiến lược ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có thành hiện thực, thị trường ô tô bao giờ có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực?

Đọc E-paper

Ngành ô tô Việt Nam đã mất cơ hội?

Quá nhỏ

Nếu chọn sự xuất hiện của liên doanh Toyota Việt Nam làm cột mốc cho việc xây dựng chiến lược công nghiệp ô tô thì đến nay, đã tròn 18 năm. Vậy 18 năm qua, ngành ô tô Việt Nam đã làm được những gì? Chúng ta có 18 liên doanh và 38 DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với công suất 460.000 xe/năm. Nhưng trên thực tế, mỗi năm, toàn ngành chỉ có thể sản xuất và tiêu thụ khoảng 100.000 xe, mới khai thác 25% công suất. Thậm chí, có những thời điểm, số lượng xe tiêu thụ giảm còn khoảng 80.000 chiếc.

Nếu so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia..., ngành ô tô Việt Nam còn quá nhỏ. Mỗi năm, Thái Lan sản xuất khoảng 2,5 triệu ô tô, trong đó, lượng ô tô cho xuất khẩu đạt hơn 1 triệu chiếc. Indonesia, nước từng bị đánh giá là ít cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài so với Việt Nam, nhưng nay đã vươn lên sản xuất và bán ra khoảng 1,1 triệu xe mỗi năm. Cụ thể, trong năm 2012, Thái Lan tiêu thụ 1,436 triệu ô tô mới, Indonesia đạt mức 1,161 triệu xe, Malaysia cũng bán ra trên 600.000 xe mới...

Không chỉ thị trường ô tô Việt Nam quá nhỏ so với các nước trong khu vực mà lượng sản xuất của các hãng tại Việt Nam cũng chênh lệch rất nhiều so với chính thương hiệu của họ tại các nước. Toyota Việt Nam là thương hiệu dẫn đầu thị trường trong nước với hơn 1/3 thị phần nhưng so với Toyota Indonesia, Toyota Thái Lan thì số lượng còn rất khiêm tốn. Lượng xe của Toyota Việt Nam sản xuất và kinh doanh cả năm chỉ bằng hơn phân nửa số lượng xe bán ra mỗi tháng của thương hiệu này tại hai nước trên.

Cụ thể, trong năm 2012, Toyota Việt Nam bán ra thị trường 23.000 xe ô tô các loại thì tại Thái Lan, bình quân mỗi tháng đã có 35.000 - 40.000 xe Toyota được bán ra. Con số này ở Indonesia là 35.000 - 37.000 chiếc. Như vậy, mỗi năm, lượng xe Toyota sản xuất tại Thái Lan và Indonesia đã gấp gần 20 lần tại Việt Nam.

Về công nghệ phụ trợ, theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam có khoảng 210 DN tham gia sản xuất các loại linh kiện, phù tùng ô tô nhưng sản phẩm chủ yếu là các linh kiện đơn giản, có giá trị thấp. Nếu so về số lượng thì tổng số DN phụ trợ Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Indonesia, 1/8 Malaysia và 1/50 Thái Lan.

Mất cơ hội

Theo các chuyên gia, công nghiệp ô tô là ngành sản xuất quan trọng, có thể đóng góp tới 30% nguồn thu hằng năm cho ngân sách nhà nước, tạo ra cả chục triệu việc làm và lôi kéo nhiều ngành sản xuất phát triển, nhưng gần 20 năm qua, mọi kế hoạch cho ngành ô tô gần như bất thành.

Nếu như trước đây, các hãng ô tô thế giới đánh giá Việt Nam là điểm đến lý tưởng của khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan thì nay, điều này đã trở thành... giấc mơ. Nhiều năm nay, Toyota Việt Nam đứng đầu thị trường và vẫn đang tìm mọi cách để gia tăng thị phần này nhưng không tăng vốn đầu tư.

Ford Việt Nam từng đặt mục tiêu mở rộng, nâng công suất nhà máy nhưng đã dừng kế hoạch này. Honda Việt Nam chưa khai thác hết dây chuyền của nhà máy sản xuất ô tô 60 triệu USD tại Vĩnh Phúc nên chưa có kế hoạch gì cho việc đầu tư thêm.

> Những “điểm chết” của ngành công nghiệp ô tô
> Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang lùi xa?
> Công nghiệp ô tô Việt Nam: 2018 rất gần
> Công nghiệp ô tô: Bao giờ hết khó?
> Công nghiệp ô tô: “Ngộp thở” vì thuế!
> Có thể cứu ngành công nghiệp ô tô?

Trong khi đó, tại Indonesia, hàng loạt dự án đầu tư từ các hãng đã được triển khai. Chỉ trong năm 2012, đã có ít nhất 3 dự án đầu tư nâng cấp sản xuất ô tô tại Indonesia. Trong đó, dự án Nhà máy Renault-Nissan của Nissan tăng công suất từ 100.000 xe lên 250.000 xe. Honda xây nhà máy mới tại Jakata với vốn đầu tư khoảng 337 triệu USD (công suất 180.000 xe/năm) mặc dù hãng này đã có một nhà máy sản xuất với công xuất 60.000 xe/năm.

Trong làn sóng đầu tư đó, Toyota cũng khẳng định sẽ đầu tư 2,7 tỷ USD trong vòng 4 năm... Hiện Indonesia đã thay thế Việt Nam trong chiến lược đầu tư, phát triển sản xuất của các hãng ở khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan.

Các DN cho rằng, sỡ dĩ ngành ô tô Indonesia thu hút đầu tư mạnh mẽ vì ngay từ đầu, nước này đã xác định ô tô là ngành công nghiệp mũi nhọn, không chỉ phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu và tiến tới trở thành trung tâm sản xuất và thị trường ô tô hàng đầu ASEAN. Để hiện thực hóa điều này, Chính phủ Indonesia đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa song song với việc thực hiện các chính sách rõ ràng, nhất quán và dài hơi.

Bên cạnh đó, để thu hút đầu tư, Indonesia còn áp dụng nhiều biện pháp ưu đãi thuế cho nhà đầu tư... Ngược lại, Việt Nam dù rất muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô nhưng lại có những chính sách kìm hãm sự phát triển của ngành. Một trong những điều thấy rõ nhất là chính sách không nhất quán và thay đổi thường xuyên đã khiến nhà đầu tư nản.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã mất cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Bởi, hiện nay, ngoài việc dừng các kế hoạch đầu tư, hầu hết các liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam đều lên kế hoạch nhập khẩu song song với lắp ráp. Có liên doanh, tỷ lệ nhập khẩu còn nhiều hơn lắp ráp. Đây là kế hoạch để các DN đón đầu thị trường khi lộ trình hội nhập ASEAN đang đến gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành ô tô Việt Nam: Bao giờ mới lớn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO