3 thế kỷ tái sinh của xe hơi điện

MẪN NHI (theo BI)| 03/03/2016 06:45

Xe hơi điện xuất hiện lần đầu vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Sau nhiều lần thịnh hành, sụt giảm và tái sinh, xe hơi điện vẫn chứng minh được sức mạnh của mình.

3 thế kỷ tái sinh của xe hơi điện

Xe hơi điện xuất hiện lần đầu vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Đến nay, sau nhiều lần thịnh hành, sụt giảm và tái sinh, xe hơi điện vẫn chứng minh sức mạnh. Bài viết điểm lại chặng đường phát triển của xe hơi điện do Business Insider thực hiện.

Đọc E-paper

Ngôi sao khi vừa xuất hiện

Trong khoảng thời gian từ năm 1899 - 1900, động cơ chạy điện được áp dụng cho các loại xe hơi. 28% trong tổng số 4.192 chiếc xe hơi được sản xuất tại Mỹ năm 1900 là xe hơi điện. Xe hơi điện có doanh thu lớn hơn tổng doanh thu của cả xe hơi chạy bằng xăng và bằng hơi nước cộng lại trong năm đó.

Mẫu quảng cáo xe điện vào năm 1912. Nguồn: Wikimedia Commons

Mặc dù những chiếc xe hơi điện mã lực không cao nhưng có những điểm nổi trội hơn so với hai loại xe hơi còn lại: không gây ra tiếng ồn, mùi xăng và độ rung khi xe di chuyển cũng ít hơn.

Xe hơi dùng xăng vào thời điểm đó cần người lái phải dùng tay quay trục khởi động động cơ. Xe hơi dùng động cơ hơi nước lại cần thời gian để làm nóng than và thay than liên tục trong quá trình di chuyển. Xe hơi điện đã giải quyết được cả hai điểm bất tiện này.

Thomas Edison và chiếc xe điện năm 1914. Nguồn: Getty Images

Henry Ford - người đầu tiên khai tử xe hơi điện

Thị trường xe hơi điện bắt đầu tận hưởng các thành công vào những năm 1920. Số lượng xe hơi điện trên thị trường đạt điểm cao nhất vào năm 1912. Tuy nhiên, vào thời gian này, sự xuất hiện của dây chuyền sản xuất xe hơi hàng loạt của Henry Ford đã làm cho xe hơi sử dụng động cơ đốt trong rẻ hơn rất nhiều so với xe hơi điện. Giá một chiếc xe hơi do Henry Ford bán ra chỉ bằng một nửa giá xe hơi điện thời điểm đó.

Không chỉ vậy, những chiếc xe hơi mới này còn được lắp một thiết bị khởi động bằng điện, giúp người dùng điều khiển dễ dàng hơn. Điều này dẫn đến sự sụt giảm nhanh chóng của thị trường xe hơi điện.

Hồi sinh lần 1

Đến những năm 1960 - 1970, xe hơi điện bắt đầu được quan tâm trở lại do những lo ngại về ô nhiễm môi trường. Năm 1970, Đạo luật Làm sạch không khí (Clean Air Act) của Mỹ được thông qua, trong đó yêu cầu kiểm soát chất lượng không khí và đề ra thời hạn buộc các hãng xe phải chuyển đổi phương thức sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định.

Đồng thời, các lệnh cấm vận dầu của OPEC vào năm 1973 đẩy giá xăng dầu tăng vọt cũng làm dấy lên mối quan tâm trong lựa chọn năng lượng thay thế cho xăng dầu.

Đến năm 1976, quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật về nghiên cứu, phát triển các động cơ sử dụng năng lượng điện hoặc hybrid. Trong đó nêu rõ, Bộ Năng lượng Mỹ chịu trách nhiệm nghiên cứu và phát triển các công nghệ hỗ trợ cho động cơ điện sử dụng trong sản xuất xe hơi.

Trong suốt những năm 1970, có hai công ty nổi lên như người dẫn dắt công cuộc tái sản xuất xe hơi điện.

Một là Sebring-Vanguard với hơn 2.000 xe hơi điện CitiCars phân phối trên thị trường. Mẫu xe này đạt tốc độ cao nhất là 70km/h, tốc độ thông thường đạt 61km/h. Xe có thể di chuyển trong khoảng cách từ 80 - 96km cho mỗi lần sạc. CitiCar vẫn là mẫu xe hơi điện phổ biến tại Mỹ cho đến khi Hãng Tesla xuất hiện.

Công ty sản xuất xe hơi điện nổi bật thứ hai là Elcar Corporation. Mẫu xe Elcar đạt tốc độ tối đa 72km/h, di chuyển được tối đa 96km sau mỗi lần sạc.

Chiếc CitiCars năm 1974 được sản xuất bởi Công ty Sebring-Vanguard. Nguồn: AP
Một trong những mẫu xe điện đầu tiên của Elcar. Ảnh: Alden Jewell/Flickr

Xe hơi điện không chỉ trở thành hiện tượng tại Mỹ. Các nhà sản xuất xe hơi trên thế giới bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào công nghệ này. BMW đã cho ra mắt mẫu xe hơi điện đầu tiên 1602 E, và trình làng tại Thế vận hội mùa Hè năm 1972. Mười hai tấm pin điện cung cấp cho động cơ 42 mã lực của 1602 E.

Mẫu xe này đạt tốc độ tối đa 99km/h, di chuyển được quãng đường gần 60km sau mỗi lần sạc. Mặc dù được sử dụng trong suốt thời gian Thế vận hội 1972, nhưng 1602 E không được đưa vào sản xuất rộng rãi sau đó.

Chiếc BMW 1602 E. Nguồn: BMW

Trong thập niên 1970, có nhiều xe hơi điện ra mắt nhưng không được mua nhiều. Sự giới hạn về quãng đường, tốc độ cũng như kiểu dáng đã làm cho xe hơi điện không được chấp nhận rộng rãi. Vì vậy, trào lưu này cũng sớm chấm dứt vào những năm 1980.

Chiếc xe điện RT1 vào những năm 1970. Nguồn: Flickr
Chiếc xe điện Esb "Sundancers" năm 1973. Ảnh: Frank Lodge/ Wikimedia Commons

Hồi sinh lần 2

Tuy nhiên, đến năm 1990, ô nhiễm không khí lại tiếp tục buộc các nhà sản xuất phải tái sinh xe hơi điện. Đạo luật Làm sạch không khí (sửa đổi năm 1990) và Luật Chính sách năng lượng năm 1992 của Mỹ đã giúp thúc đẩy đầu tư một lần nữa vào thị trường xe điện. Chính quyền bang California đã ra quyết định buộc các hãng xe hơi muốn bán vào tiểu bang này phải đạt mức phát thải khí ô nhiễm bằng 0.

Giai đoạn này, mẫu xe điện General Motors EV 1 được thị trường ưa chuộng nhất. Bắt đầu từ năm 1996, Hãng GM đã sản xuất 1.117 chiếc EV 1. Tuy nhiên, mẫu xe hơi điện này chỉ được sử dụng ở bang California, Arizona, và Georgia.

EV 1 có thể đạt tốc độ tối đa 160km/h, tăng tốc từ 0 đến 100km/h trong 7 giây. Tuy tạo được hiệu ứng tích cực cho người dùng, song EV 1 không mang về nhiều lợi nhuận nên GM đã thu hồi toàn bộ xe EV 1 đã phát hành và cho tiêu hủy, chỉ giữ lại 40 mẫu duy nhất để tặng cho các bảo tàng, viện nghiên cứu xe hơi.

Mẫu xe điện General Motors EV 1. Ảnh: Rick Rowen/Creative Commons

Lực đẩy tiếp theo cho các mẫu xe hơi tiết kiệm nhiên liệu đến từ Toyota Prius. Chiếc Prius được sản xuất đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1997, sau đó nó đã trở nên phổ biến trên thế giới vào năm 2000.

Prius là một trong những xe hybrid chạy điện đầu tiên được sản xuất hàng loạt và đã nhanh chóng trở thành hình mẫu phát triển cho các xe hơi điện của thế kỷ XX. Trong năm đầu tiên ra mắt toàn cầu, Toyota đã bán được 50.000 chiếc Prius. Đến tháng 7/2015, Toyota đã bán được hơn 8 triệu xe hybrid.

Năm 2006, tin tức về xe hơi điện có khả năng di chuyển đến 321km cho mỗi lần sạc từ Tesla đã dấy lên nhiều hy vọng cho xe hơi điện. Đến năm 2011, Tesla đã cho ra mắt mẫu Roadster đầu tiên, có thể di chuyển đến 386km/lần sạc, song giá thành lại rất cao.

Chiếc Tesla Roadster của Testa Motors trưng bày tại Paris Auto Show 2008. Ảnh: Remy de la Mauviniere/AP

Năm 2010, Nissan bắt đầu cung cấp mẫu xe Leaf chạy điện tại thị trường Mỹ. Nissan Leaf có phạm vi di chuyển khoảng hơn 150km/lần sạc và mức giá hợp lý hơn so với mẫu Roadster của Tesla. Tính đến nay, Nissan đã bán được hơn 200.000 chiếc Leaf trên thế giới, trong đó thị trường Mỹ chiếm 88.000 chiếc.

Nissan Leaf. Nguồn: Nissan

Tesla đang có kế hoạch ra mắt mẫu xe hơi điện được sản xuất hàng loạt đầu tiên mang tên Model 3 vào năm 2017. Đáp lại, các hãng sản xuất ô tô truyền thống như General Motors và Volkswagen đang tăng cường đầu tư vào cuộc chạy đua này. Theo Business Insider, trong vài năm tới, thị trường sẽ xuất hiện nhiều mẫu xe hơi điện đến từ các thương hiệu này.

Chiếc Tesla Model 3 đang trong giai đoạn sản xuất. Ảnh: Benjamin Zhang/Business Insider

Cụ thể, General Motors đang hướng tới mẫu Chevy Bolt, dự kiến đi vào sản xuất vào cuối năm 2016. Chiếc xe sẽ di chuyển được khoảng 321km/lần sạc. Đây sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Model 3 của Tesla.

Chevy Bolt của General Motors. Nguồn: General Motors
Faraday Future. Nguồn: Faraday Future

Bên cạnh đó, một startup trong lĩnh vực sản xuất xe hơi điện vừa xuất hiện tên là Faraday Future cho biết đang có kế hoạch sản xuất xe điện chạy đường trường. Hiện mẫu xe này vẫn trong vòng bí mật, nhưng Công ty Faraday Future cho biết xe sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2020.

Theo Nick Sampson - người đứng đầu mảng nghiên cứu và phát triển của Faraday Future, pin xe của Hãng sẽ lớn hơn Tesla. Điều này đồng nghĩa với việc chiếc xe hơi đầu tiên của Faraday Future có thể di chuyển ít nhất 400km/lần sạc.

>Ngành xe hơi Trung Quốc: Cú hích từ xe điện?

>7 điểm nổi bật của dòng xe điện tự lái Tesla Model D

>Những dòng xe Hybrid bán chạy nhất thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
3 thế kỷ tái sinh của xe hơi điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO