Lắp ráp tạm ngừng
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 31/3/2020, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thứ 4 trong ngành sản xuất ô tô Việt Nam là Honda công bố tạm dừng hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô xe máy kể từ ngày 1-15/4/2020. Theo công bố của Honda Việt Nam, việc hoạt động trở lại của ba nhà máy sản xuất xe máy và một nhà máy lắp ráp ô tô của DN này phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và chỉ thị của Chính phủ.
Trước đó, ba DN FDI khác là Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam và Hyundai Thành Công cũng dừng hoạt động sản xuất các nhà máy tại Vĩnh Phúc, Hải Dương và Ninh Bình. Nếu như Ford đóng dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam từ ngày 26/3/2020 thì Toyota và Hyundai Thành Công cũng dừng hoạt động lắp ô tô từ ngày 30/3/2020.
Toyota Việt Nam đã tạm dừng sản xuất và kinh doanh ô tô kể từ ngày 30/3/2020 - Ảnh: T.L |
Chia sẻ về khó khăn đang gặp phải, ông Phạm Văn Dũng - Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam cho biết: “Việc tạm dừng sản xuất sẽ kéo dài trong khoảng vài tuần, tùy thuộc vào tình hình bệnh dịch, lệnh hạn chế của Chính phủ, tình trạng hoạt động của nhà cung ứng, nhu cầu của khách hàng và tình hình tồn kho của đại lý”.
Trong khi đó, cả Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam và Hyundai Thành Công chưa xác định thời gian cho dây chuyền hoạt động trở lại. Các DN này đều "căn cứ vào tình hình dịch bệnh và chỉ thị từ Chính phủ" mà quyết định mở cửa nhà máy trở lại như thế nào.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Ford Việt Nam, không chỉ nhà máy tại Việt Nam tạm thời đóng cửa mà nhiều nhà máy của tập đoàn này cũng tạm dừng hoạt động. Các nhà máy sản xuất xe và động cơ trong khối Các Thị trường Quốc (IMG) của Ford Motor như 4 nhà máy lắp ráp và động cơ Chennai và Sannand ở Ấn Độ, nhà máy tại Thái Lan và hai nhà máy tại Nam Phi đã tạm dừng hoạt động trong tháng 2 và 3/2020. Trước đó, Tập đoàn Ford Motor cũng đã có nhiều động thái khác bao gồm tạm thời dừng sản xuất xe và động cơ tại các nhà máy tại khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và Nam Mỹ.
Ford Việt Nam hy vọng đủ nguồn cung bán hàng trong vài tuần tới - Ảnh: T.L |
Lý giải của các DN ô tô cho rằng, việc tạm dừng sản xuất, kinh doanh theo chỉ thị của Chính phủ và để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, không loại trừ khả năng nguồn cung linh kiện đang thiếu do nhiều nhà máy sản xuất trên thế giới tạm dừng hoạt động. Không chỉ vậy, dịch bệnh cũng làm chậm hoạt động vận chuyển đường biển và các container hàng hóa gặp khó khi về đến Việt Nam.
Những khó khăn này đã được cơ quan quản lý dự báo trước. Chia sẻ với báo giới hồi tháng 2/2020, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, đến cuối quý I/2020, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc thiếu hụt nguồn cung linh phụ kiện phục vụ sản xuất. Bởi các nguyên phụ liệu cao cấp hoặc sản phẩm linh kiện, phụ tùng rất khó có thể tìm nguồn thay thế trong ngắn hạn do đặc thù phân bổ chuỗi sản xuất toàn cầu, cũng như các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng riêng của các công ty đa quốc gia.
Do Việt Nam chưa xây dựng được ngành công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô nên mỗi năm nhập đến 4-5 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô từ nước ngoài, chiếm đến 64% trong số đó được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều này đã tác động không nhỏ đến nguồn cung linh phụ kiện của các nhà máy của Việt Nam, đặc biệt là đối với nhóm ngành ô tô tải. Và hiện có đến 70% số DN đang sản xuất, lắp ráp ô tô tải dựa vào nguồn linh kiện chính từ Trung Quốc.
Có đến 4 "ông lớn" trong ngành ô tô Việt Nam tạm thời đóng cửa nhà máy - Ảnh: T.L |
Nhập khẩu giảm sút
Không chỉ bị ảnh hưởng trong việc lắp ráp, DN ngành ô tô cũng bị giảm sút nguồn cung xe nhập từ các nước. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong hai tháng đầu năm 2020, số lượng xe nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 1/2020, xe nhập khẩu từ các nước về Việt Nam chỉ 6.200 chiếc, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2019. Xe nhập tiếp tục giảm trong tháng 2/2020 khi chỉ còn khoảng 6.000 xe được nhập về Việt Nam, giảm đến 60% so với năm trước.
Hiện nguồn cung xe từ Thái Lan bắt đầu gặp khó khi các nhà máy lớn của nước này lần lượt tuyên bố tạm thời đóng cửa bởi Covid-19. Các “ông lớn” như Totoya, Honda, Ford đều tạm ngưng hoạt động lắp ráp xe tại Thái Lan. Điều đó đồng nghĩa với việc nguồn cung của các dòng xe Toyota Camry, Honda CR-V, Honda HR-V, Honda Civic, Honda Accord, Ford Ranger, Ford Everest… sẽ thiếu hụt trong thời gian tới.
Ngành ô tô Việt Nam đã "thấm đòn" trước Covid-19 - Ảnh: T.L |
Cũng như thế, trong thời gian tới, nguồn xe nhập khẩu từ Mỹ cũng bị ảnh hưởng vì Ford tại Mỹ đã tạm dừng hoạt động. Trong khi đó, Tập đoàn Toyota đã ngừng hoạt động một phần các nhà máy tại miền trung Nhật Bản trước sự bùng phát của dịch bệnh và nhân viên công ty dương tính với Covid-19. Vì vậy, trong thời gian tới, các mẫu xe Ford Explorer cũng như Toyota Land Cruiser, Toyota Land Cruiser Prado và các dòng Lexus có nguy cơ thiếu hụt nguồn hàng.
Ông Phạm Văn Dũng cho biết: “Ford Việt Nam đang duy trì một lượng cung ứng đủ cho hoạt động bán hàng trong vài tuần tới. Chúng tôi hy vọng vẫn có thể đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng trong thời gian này”.
Khó về nguồn cung chưa hết, DN còn gặp khó khi sức mua đã sụt giảm kể từ đầu năm. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng bán hàng của toàn thị trường trong tháng 1/2020 chỉ đạt 15.800 xe, giảm 52% so với tháng 12/2019 và giảm 53% so với thời điểm cùng kỳ năm 2019. Tính cả hai tháng đầu năm 2020, lượng xe du lịch mới được tiêu thụ tại Việt Nam chỉ đạt 34.734 xe, giảm gần 11.000 xe (giảm 23,9%) so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện tại, một số DN đã tạm thời đóng cửa các phòng trưng bày và xưởng dịch vụ của các đại lý và chi nhánh. Trong đó, Toyota Việt Nam đóng cửa 10 phòng trưng bày và xưởng dịch vụ tại Hà Nội kể từ ngày 30/3/2020 cho đến khi có chỉ thị mới của Chính phủ. Các đại lý và chi nhánh đại lý của các DN này chỉ tiếp cận khách hàng bằng điện thoại, Internet và chủ yếu là để giải đáp thắc mắc của khách hàng.