Nước Pháp trong làn sóng biểu tình

KHẢ HÂN| 19/12/2018 07:00

Đã tròn một tháng kể từ ngày làn sóng biểu tình tại Pháp diễn ra, khi phong trào "Áo vàng" bắt đầu tổ chức các cuộc biểu tình vào thứ 7 hằng tuần từ ngày 17/11 nhằm yêu cầu Chính phủ Pháp hủy bỏ chính sách tăng thuế nhiên liệu và cải thiện đời sống của người dân.

Nước Pháp trong làn sóng biểu tình

Vì sao nổ ra phong trào "Áo vàng"?

Mọi việc bắt đầu từ một nhóm nhỏ tài xế Pháp ở thủ đô Paris tuần hành nhằm phản đối việc tăng giá gas và dầu diesel. Được biết, tính từ đầu năm 2018, giá dầu diesel tại Pháp đã tăng khoảng 23%, trong khi giá gas tăng khoảng 15% và dự kiến sẽ chưa dừng lại, khi giá của các mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng từ đầu năm 2019.

Trong khi đó, Chính phủ Pháp vẫn tăng thuế xăng dầu, khiến giá nhiên liệu tại nước này liên tiếp leo thang, đời sống người dân trở nên khó khăn trước chi phí sinh hoạt đắt đỏ, đặc biệt khi chính phủ cải cách thuế thì gánh nặng lại rơi vào tầng lớp trung lưu và tầng lớp lao động ở khu vực nông thôn và bán thành thị.

Đánh giá về diễn biến ấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích thỏa thuận bảo vệ biến đổi khí hậu - một trong những lý do để Pháp thực hiện thuế bảo vệ môi trường, là nguồn cơn dẫn tới các cuộc biểu tình. Và ông ngầm khẳng định việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là quyết định đúng, khi người dân những nước phát triển không thể cứ mãi trả chi phí bảo vệ môi trường thông qua các chính sách tăng thuế, cho những nước thuộc "thế giới thứ ba", vốn luôn lợi dụng các chính sách bảo vệ môi trường để hưởng lợi khi được áp dụng những quy định dễ dãi hơn hoặc thậm chí không tuân thủ.

Link bài viết

Cuộc biểu tình dưới tên gọi phong trào "Áo vàng" (gilê vàng) đã lan rộng tại các thành phố ở Pháp, với áo khoác vàng được chọn làm biểu tượng vì theo quy định của pháp luật Pháp từ năm 2008, tài xế phải mặc áo khoác để dễ nhìn thấy khi lái xe. 

Mục tiêu của những người biểu tình là kêu gọi chấm dứt những thay đổi như kể trên và Tổng thống Emmanuel Macron phải từ chức.

Chính phủ đã nhượng bộ?

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong 50 năm qua tại Pháp, và hệ quả là nhiều cuộc đụng độ đã leo thang thành bạo lực, khi người tham gia châm lửa đốt phá, ném gạch đá, phá hoại tài sản, còn lực lượng thực thi pháp luật sử dụng hơi cay, vòi rồng khiến hàng trăm người bị thương ở cả 2 bên, trong khi một số lượng lớn người tham gia biểu tình bị bắt giữ.

Nhưng mọi thứ vẫn chưa dừng lại ở đó, phong trào "Áo vàng" còn thoát ra khỏi biên giới nước Pháp, lan sang các quốc gia lân cận như Italia, Bỉ và Hà Lan.

Trước áp lực từ phong trào phản đối, ngày 10/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải tuyên bố tăng lương cho tầng lớp lao động nghèo và giảm thuế cho người về hưu - một động thái nhượng bộ tiếp theo nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình đang đe dọa quyền lãnh đạo của ông.

Quan trọng hơn, mục tiêu của người biểu tình không chỉ dừng lại ở việc phản đối tăng thuế như ban đầu, mà giờ đây đặt ra những đòi hỏi về cải cách thể chế và mong muốn có nền dân chủ tốt hơn. Rõ ràng phong trào "Áo vàng" dường như đã được chính trị hóa với sự tham gia tích cực của các đảng đối lập và đối thủ chính trị của ông Macron.

Tuy nhiên, ông Macron khẳng định sẽ giữ vững kế hoạch cải cách và từ chối đưa thuế tài sản trở lại như yêu sách của người biểu tình.Cụ thể, ông Macron cam kết những người lao động hưởng lương tối thiểu sẽ được tăng thêm 100 euro mỗi tháng từ năm 2019, nhưng chủ sử dụng lao động sẽ không phải chịu phần chi phí tăng thêm. Tiền làm thêm giờ cũng như những khoản tiền thưởng cuối năm cho người lao động sẽ không phải chịu thuế hoặc phí. Người hưởng lương hưu với mức lương dưới 2.000 euro/tháng sẽ được xóa thuế an sinh xã hội. 

Khủng hoảng tại Pháp đã nổ ra giữa lúc các đảng theo chủ nghĩa dân túy ở châu Âu đang nổi lên mạnh mẽ, theo đuổi các phong trào ly khai và chủ nghĩa bảo hộ cực đoan. Với nhượng bộ mới đây của Tổng thống Pháp, giới quan sát cho rằng bước lùi này của nhà lãnh đạo Pháp được xem như khoảnh khắc "đáng hổ thẹn" của những người phản đối phong trào dân túy - một phong trào đã nổi lên ở nhiều quốc gia trên thế giới gần đây, mà nhờ đó ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ.

Nhưng sẽ chưa sớm chấm dứt

Bất chấp những giải pháp từ cứng rắn tới nhượng bộ của chính quyền Pháp, giới phân tích cho rằng làn sóng biểu tình tại Pháp sẽ chưa dừng lại, khi mà người biểu tình tiếp tục đưa ra những yêu sách mới, trong khi các cam kết từ Tổng thống Macron chưa thỏa mãn mục tiêu của họ.

Quan trọng hơn, mục tiêu của người biểu tình không chỉ dừng lại ở việc phản đối tăng thuế như ban đầu, mà giờ đây đặt ra những đòi hỏi về cải cách thể chế và mong muốn có nền dân chủ tốt hơn. Rõ ràng phong trào "Áo vàng" dường như đã được chính trị hóa với sự tham gia tích cực của các đảng đối lập và đối thủ chính trị của ông Macron.

Hôm 15/12 đã có khoảng 66.000 người tiếp tục đổ xuống đường trên toàn nước Pháp, đánh dấu tuần thứ 5 liên tiếp phong trào "Áo vàng" tiếp tục được duy trì. Số người tham gia tuy có giảm một nửa so với tuần trước đó, nhưng nguyên nhân được giải thích là do ảnh hưởng trời mưa lạnh cũng như do vụ xả súng ở chợ Giáng sinh tại Strasbourg, chứ còn tinh thần, khí thế, mục tiêu, kế hoạch lâu dài cho phong trào của lực lượng người biểu tình vẫn sẽ chưa tắt như mong muốn của Chính phủ Pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nước Pháp trong làn sóng biểu tình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO