Tại tọa đàm "Quản trị thời khủng hoảng và vai trò của nữ doanh nhân" do HAWEE cùng tạp chí The Leader tổ chức, nhiều nữ doanh nhân đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu từ thực tế điều hành doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh Covid-19.
Tham dự tọa đàm có bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HAWEE, Chủ tịch HĐQT PNJ, bà Nhan Húc Quân - Tổng Giám đốc (TGĐ) Cty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo, bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó TGĐ Saigon Food, bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó TGĐ tập đoàn Kido, bà Lâm Thúy Ái - Phó TGĐ Cty TNHH SXTM Mebipha, bà Lê Hoàng Diệp Thảo - TGĐ Trung Nguyên International, nhà sáng lập thương hiệu King Coffee…
Kể từ bùng phát đến nay, tốc độ lây lan của Covid-19 vẫn không hề giảm, gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế thế giới. Không chỉ ngành dịch vụ, các ngành hàng xa xỉ như thời trang, nghỉ dưỡng, ngành sản xuất cũng bắt đầu “thấm đòn” vì thiếu nguyên liệu sản xuất, đầu ra gặp khó, quy trình vận hành logistics bế tắc do công tác kiểm soát dịch. Trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất.
“Khi công ty gặp khủng hoảng, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là người chủ doanh nghiệp phải giữ được sự bình tĩnh. Có bình tĩnh mới thấy được đâu là NGUY, đâu là CƠ hội” - bà Cao Thị Ngọc Dung nhấn mạnh.
Nhờ bình tĩnh, PNJ đã đưa ra kế sách để thích ứng với nhu cầu của thị trường là chuyển từ mua sắm truyền thống tại cửa hàng sang mua sắm online, góp phần thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Đồng quan điểm, Phó TGĐ Tập đoàn Kido Nguyễn Thị Hạnh, cho biết: “Việc xác định tập trung vào kênh phân phối nào vô cùng quan trọng”.
Bà Hạnh nhấn mạnh, chính sách của Kido trong thời khủng hoảng là đánh giá lại nguồn nguyên phụ liệu, đồng thời chấp nhận không cho nhân viên đi đến các vùng dịch, tất cả vì sức khỏe và sự an toàn của nhân viên.
“Chúng tôi ưu tiên xài nguyên liệu thay thế ở Việt Nam, nhờ đó góp phần tăng giá trị liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi cũng chuyển những mục tiêu kinh doanh quan trọng sang quý sau”.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề nổi cộm của các doanh nghiệp trong thời khủng hoảng được nhắc đến là tài chính. Bà Dung chia sẻ: “Tôi muốn nhắc các bạn phải quan tâm đến bài toán tài chính trong lúc này, phải tính toán, sử dụng chi phí hợp lý. Kiểm soát lại các khoản vay, không nên để phụ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy tài chính, nên giảm vay vốn để mở rộng kinh doanh. Một khi sức tiêu dùng không có, nền kinh tế sẽ đứng lại và suy thoái. Hãy làm ngay từ lúc này, đừng để nước tới chân mới nhảy”.
“Người ta thường nói, khi xảy ra khủng hoảng, phải thật sự bình tĩnh mới giải quyết được vấn đề. Nhưng theo tôi, nếu chúng ta không có kinh nghiệm trước đó thì thật khó bình tĩnh. Chúng tôi bình tĩnh được là nhờ chúng tôi có nhiều kinh nghiệm ứng phó khủng hoảng trong quá khứ vào năm 2003 và 2018” - Phó TGĐ Saigon Food Lê Thị Thanh Lâm chia sẻ.
Còn theo Phó TGĐ Công ty TNHH SXTM Mebipha Lâm Thúy Ái, Covid-2019 là cơ hội để thể hiện uy tín và đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp. Về đối nội, các doanh nghiệp đều tăng cường các biện pháp bảo vệ an toàn cho người lao động và sản phẩm của công ty.
Chẳng hạn, Saigon Food đưa ra biện pháp phòng ngừa bổ sung đối với người lao động như dán poster truyền thông ở tất cả vị trí công cộng, đồng thời phát tờ rơi cách phòng tránh lây nhiễm đến tận tay cán bộ nhân viên (CBNV) ngay khi xe đưa công nhân từ quê về đến công ty, kiểm tra thân nhiệt CBNV và khách hàng tại cổng ra vào để công ty hỗ trợ chăm sóc y tế khi cần thiết, đề nghị CBNV dù có trong ca sản xuất hay không vẫn rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc bình xịt cồn tay bố trí sẵn tại các khu vực công cộng.
Củng cố tinh thần cho nhân viên cũng là một trong những vấn đề được các nữ doanh nhân đặc biệt quan tâm. Bà Lâm Thúy Ái cho biết, nếu trước đây bà chọn mô hình quản lý từ xa qua thiết bị internet thì tại thời điểm này, bà luôn có mặt đủ 5 ngày trong công ty mỗi tuần để truyền năng lượng, cỗ vũ nhân viên.
“Chúng tôi liên tục tuyên truyền cho nhân viên để họ hiểu về Covid-19 và cách phòng tránh để không quá hoảng sợ. Ngoài cung cấp khẩu trang, nước rửa tay cho nhân viên, chúng tôi còn linh hoạt sắp xếp tráo ca để các anh chị có thể yên tâm đi làm mà vẫn có thể chăm sóc được con cái”.
Trong khi đó, TGĐ Công ty TNHH bao bì giấy nhôm New Toyo Nhan Húc Quân nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất khi doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, dù là chủ quan hay khách quan, thì chủ doanh nghiệp phải quản trị được cảm xúc của bản thân. Trấn an được mình mới có thể trấn an và lo được cho sức khỏe của những người xung quanh”.
Bên cạnh việc trang bị đồ bảo hộ, New Toyo còn cung cấp thêm các bữa ăn miễn phí cho nhân viên như sữa chua, trái cây… để bổ sung chất dinh dưỡng. New Toyo còn mời chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai đến nói chuyện và chia sẻ áp lực với nhân viên. Bà Quân không quên gởi lời cảm ơn đến các chị em trong công ty dù phải chăm lo cho con cái ở nhà nhưng vẫn rất chuyên cần với công việc.
Bình tĩnh đánh giá lại tình hình doanh nghiệp, thay đổi nguồn cung ứng, tăng cường chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho nhân viên… trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng vì Covid-19 là những bài học bổ ích mà buổi tọa đàm mang lại cho các nữ doanh nhân nói riêng và doanh nghiệp Việt nói chung.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo - CEO Trung Nguyên Internationnal, bày tỏ: “Tôi thấy những cuộc ‘truyền lửa’ như thế này rất bổ ích. Đây chính là cơ hội để mọi người chia sẻ, động viên, học hỏi nhau vượt qua đại dịch.