Nông nghiệp Việt phải cải tiến từ "gốc" đến "ngọn"

25/05/2015 06:29

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết trong bối cảnh hiện nay, hàng nông sản muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cần phải cải tiến từ khâu giống, thuốc bảo vệ thực vật, các quy trình phân bón từ lúc gieo trồng cho đến lúc thu hoạch.

Nông nghiệp Việt phải cải tiến từ

Là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, nhưng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam lại có giá trị và khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực.

Trong năm 2015, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực, mở ra những cơ hội tốt cho xuất khẩu nhiều mặt hàng nông-lâm-thủy sản của Việt Nam. Vấn đề mấu chốt hiện nay là phải có sự tổ chức lại sản xuất và chế biến cho phù hợp để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản.

Nguy cơ thất thế hàng nông sản

Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2014 đạt hơn 30,8 tỷ USD; 4 tháng đầu năm 2015 đạt 2,61 tỷ USD; trong đó nhiều mặt hàng được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới với sản lượng lớn, chiếm vị thế cao trên thế giới như gạo, điều, càphê, thủy sản…

Tuy nhiên, do hạn chế về năng lực chế biến và xuất khẩu của các doanh nghiệp nên việc ký kết các đơn hàng để xuất khẩu ra nước ngoài còn rất thấp, nhiều khó khăn, các doanh thu từ xuất khẩu còn thấp do các khâu chế biến còn thô sơ và hiện nay hầu hết chưa có thương hiệu, qua nhiều khâu trung gian.

Một thực tế hiện nay là hàng nông sản Việt Nam thường thua kém các nước khác từ 15-50% về giá trị do những chênh lệch về chất lượng, điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng hóa của Việt Nam cạnh tranh kém trên thị trường, đặc biệt là tại các thị trường khó tính.

Dù đứng nhất nhì thế giới về số lượng xuất khẩu, nhưng giá bán nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam thường thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.

Gạo Việt Nam giá bán luôn thấp hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan từ 3-5%, chè đứng thứ 5 về sản lượng nhưng xếp thứ 10 về giá bán, sản lượng cá tra Việt Nam chiếm đến 90% thị phần trên thế giới nhưng giá bán lại thấp hơn 20-30% so với các sản phẩm tương tự.

Một số sản phẩm có giá thành sản xuất cao nhưng sức cạnh tranh kém như đường, muối…

Tại hội nghị Quốc tế ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam năm 2015 được Bộ Công Thương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân là trong quá trình chế biến và bảo quản, nhiều sản phẩm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng hiện vẫn đang còn rất lớn, như lúa gạo hao hụt khoảng 11-13%; rau quả, đánh bắt hải sản khoảng 20-25%, muối hao hụt 15%... làm tăng giá thành sản xuất nguyên liệu và sản phẩm, giảm chất lượng và giá bán sản phẩm.

Mặc dù tại nhiều địa phương đã áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và quy trình chế biến tốt (GMP) để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh nhưng khâu vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ không hợp lý, không đúng cách đã làm cho chất lượng sản phẩm bị giảm sút nhiều.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chỉ riêng trong khối ASEAN, mức độ cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam so với các nước cũng còn rất khác biệt.

Đơn cử như cùng một thời điểm, cùng một chất lượng nhưng trên thị trường thế giới mặt hàng gạo của Việt Nam luôn có giá xuất khẩu thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan khoảng 5%. Do nhiều năm liền từ khâu thu mua, chế biến và thu hoạch có mức độ hao hụt rất lớn, chính điều này đã vô tình làm tăng giá thành sản phẩm, muốn cải tiến được vấn đề này cần phải có điều kiện sản xuất, điều kiện chế biến tốt hơn.

Rất nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang tham gia xuất khẩu gạo và có hướng đầu tư nhà máy sản xuất chế biến nhưng tỷ lệ còn rất thấp, chưa đạt đến 30% yêu cầu về chuẩn như các nước trong khối ASEAN.

Mặt khác, với những đơn hàng quốc tế với giá trị hợp đồng 1 tấn trở lên thì đa phần các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về tài chính dẫn đến khâu thu mua, chế biến và chuẩn bị đơn hàng gặp nhiều khó khăn.

Nâng cấp chuỗi giá trị nông sản

Theo bà Lý Kim Chi, trong bối cảnh hiện nay, hàng nông sản muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cần phải cải tiến từ khâu giống, thuốc bảo vệ thực vật, các quy trình phân bón từ lúc gieo trồng cho đến lúc thu hoạch.

Hiện nay các doanh nghiệp cũng đã đầu tư tập trung cho những chế biến đạt yêu cầu chất lượng để chuẩn bị cho quá trình hội nhập, thay đổi công nghệ.

Theo ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông-lâm-thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), với mục tiêu nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản Việt Nam, Bộ Nông nghiệp đã ban hành Quyết định 1003 về Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch, xác định đến năm 2020 giá trị gia tăng các ngành hàng nông, lâm, thủy sản phải tăng bình quân 20% và giảm tổn thất sau thu hoạch 50% so với tỷ lệ hiện nay.

 Bên cạnh các giải pháp về tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết sản xuất nguyên liệu, chế biến tiêu thụ; chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm; giảm tổn thất trong nông nghiệp…

Ông Đô cho rằng để nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp thì giải pháp quan trọng là tăng cường sử dụng các phế phụ phẩm. Bởi lâu nay các phế phụ phẩm sản xuất ra ít được coi trọng và ít được sử dụng. Đây là điều kiện quan trọng để đa dạng hóa, giảm giá thành sản phẩm chính và nâng cao giá trị gia tăng của các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm.

Chẳng hạn như phế phụ phẩm trong xay xát lúa gạo (cám, trấu) được chế biến thành các sản phẩm có giá trị như: dầu cám, thức ăn chăn nuôi, củi trấu, trấu viên, ván ép; rơm rạ sử dụng trong sản xuất nấm, phân hữu cơ. Hay lượng phế phụ phẩm trong các loại hình chế biến thủy sản là rất lớn như: đông lạnh từ 0,7-8 tấn/tấn thành phẩm, hàng khô từ 0,5-8 tấn/tấn thành phẩm, bột cá 0,2 tấn/tấn thành phẩm…

Do đó cần đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất các phế phẩm có giá trị gia tăng sử dụng trong các ngành thực phẩm và phi thực phẩm như: Colagen, Glucosamin, canxi hoạt tính, bột cá, dầu cá, bột đạm thủy phân…

Theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong cơ chế cạnh tranh trên thị trường, việc có được sản phẩm chất lượng tốt là yêu cầu rất cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì việc nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng cũng như thiết kế bao bì bắt mắt, đồng thời đáp ứng được yêu cầu bảo quản và giữ được chất lượng sản phẩm là hết sức quan trọng.

Trong khi đó, Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ vào thị trường quốc tế, với mỗi thị trường, mỗi nhóm khách hàng do đặc thù văn hóa lại có nhu cầu riêng. Như vậy bên cạnh việc đảm bảo chất lượng của nội tại sản phẩm, các doanh nghiệp đang vươn tới hoàn thiện hơn nữa thông qua việc có các thiết kế sản phẩm cũng như thiết kế bao bì đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Việt Nam đang tích cực đàm phán các hiệp định tự do FTA với nhiều nước và cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 sẽ mở ra cơ hội to lớn cho việc xuất khẩu và hội nhập vào khu vực, đặc biệt là chuỗi cung ứng nông sản.

Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp (Ngân hàng Thế giới) cho rằng, điều quan trọng với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là phải tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, đồng đều, đặc biệt chú trọng đến khâu chế biến, cung cấp các sản phẩm theo yêu cầu thị trường mới và xây dựng năng lực bán hàng theo cách thức lô hàng nhỏ hơn nhưng giá trị và chất lượng cao hơn.

Đồng thời việc gia tăng giá trị xuất khẩu cũng cần tinh chế sản phẩm và lựa chọn các kênh phân phối mới, sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng đa dạng hóa của thị trường so với hiện nay chỉ xuất khẩu thô là chủ yếu.

>Làm sao để tăng xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc?
>Chắt lọc thị trường xuất khẩu nông sản
>Bộ Công Thương tích cực tìm đầu ra cho nông sản Việt
>Nông nghiệp Việt Nam trong thế hội nhập

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nông nghiệp Việt phải cải tiến từ "gốc" đến "ngọn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO