Nông nghiệp bền vững nhìn từ hợp tác Việt - Úc

HOÀNG DUY| 22/04/2018 06:32

Ngày 11/4/2018 đánh dấu 25 năm hợp tác nghiên cứu nông nghiệp giữa Việt Nam và Úc.

Nông nghiệp bền vững nhìn từ hợp tác Việt - Úc

Nuôi hàu quy mô lớn ở Quảng Ninh. Nguồn: Đại sứ quán Úc tại Việt Nam

Dấu ấn lớn nhất trong hợp tác này là sự điều phối của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) với nhiều dự án đưa sản phẩm của nông dân ra thị trường và góp phần hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.

Bà Nguyễn Thị Luyến là một trong những nông dân đầu tiên tham gia chương trình trồng rau do ACIAR tài trợ tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Hợp tác xã rau an toàn do bà làm chủ nhiệm hiện nay có gần 40 thành viên. Cùng với 3 hợp tác xã khác ở huyện Mộc Châu và Vân Hồ (Sơn La), họ có 87 nông dân dưới sự trợ giúp của ACIAR, đang cung cấp rau an toàn cho các cửa hàng và siêu thị tại Hà Nội.

Liên kết thị trường, tăng thu nhập cho nông dân

Nhưng để có được cộng đồng như vậy, chương trình ACIAR ngay từ đầu đã lấy liên kết thị trường để tăng thu nhập cho nông dân là mục tiêu lâu dài. Từ 2008 đến nay, ACIAR đã thực hiện 4 dự án trồng rau ở Lào Cai và Sơn La thành những nơi cung cấp rau trái vụ và an toàn cho du khách, đưa xuống Hà Nội và các địa phương khác. ACIAR ước tính mỗi hécta rau an toàn, nông dân thu trung bình 150 triệu đồng/năm, gấp hơn 7 lần mức thu từ lúa và ngô trên cùng diện tích.

Hiện có khoảng 200 hộ tham gia trồng rau theo chương trình của ACIAR, khả năng nhân rộng các mô hình để tạo ra ngành nghề mới là rất lớn, đồng thời mang lại nhiều lợi ích trong chuỗi giá trị. Người dân trồng rau ở Mộc Châu và Vân Hồ hiện có đủ điều kiện sử dụng nhãn hiệu "Rau an toàn Mộc Châu" như một phần kết quả rau trái vụ.

Link bài viết

ACIAR cho biết, hợp phần nghiên cứu kinh tế nông nghiệp của ACIAR trong 10 năm qua thực hiện 32 dự án có trị giá khoảng 10,8 triệu đô la Úc. ACIAR không chỉ tập trung vào mảng trồng trọt mà cả lâm nghiệp, thủy sản, và chăn nuôi, thúc đẩy sự liên kết của nông dân trong các tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp tư nhân tại các địa phương để phát triển thị trường, cải tiến chuỗi giá trị, áp dụng hệ thống canh tác bền vững, cung cấp sản phẩm an toàn, tăng thu nhập cho nông dân.

ACIAR cho biết sắp tới sẽ bổ trợ vào hợp phần này về nghiên cứu chính sách, vận tải, hậu cần, tài chính.

Năm 2007, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 (RIA1) của Việt Nam quan tâm đến các loài có giá trị cao như hàu và nghêu nên đã tiếp cận kiến thức chuyên môn của Úc. ACIAR đã tạo cơ hội cho các kỹ thuật viên từ trại sản xuất giống RIA1 đến Viện Thủy sản Port Stephens ở New South Wales để học hỏi kỹ thuật nuôi cấy tảo, cho hàu sinh sản và ương giống hàu. Song song đó, ACIAR cũng tài trợ nâng cấp các trại ương giống hàu của Việt Nam và phát triển hệ thống nuôi với công nghệ đơn giản để nông dân dễ dàng tiếp cận.

Đến nay nuôi hàu trở thành một ngành sản xuất mới. Ứơc tính khoảng 70% số hàu tại Việt Nam do các nông hộ nhỏ nuôi ở các khu vực ven biển, đặc biệt là Hải Phòng và Quảng Ninh. Các công ty thương mại lớn cũng nắm bắt cơ hội, và các cơ sở tư nhân chuyên sản xuất giống nuôi hàu thương phẩm đã ra đời. Ngành này đã tạo ra khoảng 3.000 việc làm cho cả người nuôi hàu lẫn khâu chế biến và thị trường. Năm 2007, ngành nuôi hàu chưa có nhưng hiện nay đã khá phổ biến với sản lượng hằng năm khoảng 15.000 tấn.

Sự phát triển của ngành nuôi và chế biến hàu ở Việt Nam được xem là thành công lớn cho cả Việt Nam lẫn Úc. ACIAR cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao chất lượng loài hàu ở Việt Nam song song với các chương trình giám sát nguồn nước để hướng đến một ngành công nghiệp phát triển và đảm bảo về an toàn thực phẩm và môi trường. 

Tiền đề cho nông nghiệp bền vững

Những chương trình nông nghiệp thành công nói trên là một phần trong trong suốt 25 năm hoạt động với nguồn tài trợ 100 triệu đô la Úc (khoảng 1.700 tỷ đồng) của Chính phủ Úc dành cho 170 dự án nghiên cứu ở Việt Nam. Đóng góp đáng kể trong đó là nâng cao năng lực cho nhiều cán bộ nghiên cứu của Việt Nam để họ trở thành đội ngũ nòng cốt làm nên thành công trong các chương trình hợp tác nghiên cứu.

Các chương trình ACIAR thực hiện đều nhằm giải quyết các vấn đề trong nông nghiệp theo mục tiêu giúp các nước đang phát triển giảm nghèo và phát triển bền vững. ACIAR đã công bố chiến lược hợp tác nghiên cứu với Việt Nam giai đoạn 2017 - 2027 với trọng tâm ưu tiên cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đánh giá của ACIAR, Tây Bắc Việt Nam là vùng đa dạng về văn hóa, độc đáo về tự nhiên và có nhiều tiềm năng nông nghiệp, có thể kết nối với một số thị trường nông sản lớn nhất và phát triển nhanh nhất khu vực. Tuy nhiên, tình trạng đói nghèo, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng ở vùng này rất cao, trong khi cảnh quan tự nhiên và tiềm năng nông nghiệp chưa được khai thác lại bị đe dọa bởi đất và nước đang suy thoái trên diện rộng. Trong 10 năm gần đây, nhiều hoạt động của ACIAR đã tập trung cho Tây Bắc và sẽ tiếp tục trong giai đoạn tới.

Theo đánh giá của TS. Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tác động tích cực của việc hợp tác có thể thấy rõ trong các nghiên cứu và phát triển, như trồng keo và bạch đàn, mở rộng ngành nuôi hàu ven biển, phát triển thị trường rau và trái cây vùng Tây Bắc. ACIAR đã góp phần tăng cường năng lực nghiên cứu cho Việt Nam, mang lại các tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần giảm nghèo và cải thiện thu nhập của nông dân. 

GS. Andrew Campbell - Tổng giám đốc Điều hành ACIAR - chia sẻ, Úc có bề dày kinh nghiệm trong nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp. ACIAR đã chia sẻ với các đối tác Việt Nam từ kinh nghiệm sản xuất và marketing sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi, kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm cho đến biện pháp tiết kiệm nước, quản lý rừng trồng hay nuôi trồng thủy sản. "Chúng tôi tin rằng việc tiếp tục thúc đẩy trao đổi trong nghiên cứu nông nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn cho cả Úc lẫn Việt Nam",  ông nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nông nghiệp bền vững nhìn từ hợp tác Việt - Úc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO