Nỗ lực nâng hạng thị trường

Khánh Phương| 13/09/2020 05:06

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã duy trì đà hồi phục với VN-Index tăng gần 10,5%, trở thành chỉ số tăng mạnh nhất thế giới trong tháng 8. Mới đây, những đề xuất cải cách cho thấy Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán.

bai-2-chung-khoan-2a-5565-1599710127.jpg

Những cải tiến được chờ đợi

Những ngày cuối tháng 8, giới đầu tư xôn xao trước các quy định về giao dịch chứng khoán trong ngày và giao dịch bán khống mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để hoàn chỉnh Dự thảo Thông tư Hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán (sau đây gọi tắt là Dự thảo) thay thế cho Thông tư số 203/2015. Cụ thể về giao dịch trong ngày, nhà đầu tư sẽ được mở một tài khoản giao dịch tại mỗi công ty chứng khoán (CTCK), và có thể giao dịch trong ngày sau khi đã ký hợp đồng với CTCK được cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán. 

Nhà đầu tư có trách nhiệm đặt các lệnh giao dịch, bảo đảm tổng số chứng khoán trên các lệnh bán phải bằng với tổng số chứng khoán cùng mã trên các lệnh mua trong cùng ngày giao dịch, và ngược lại. Trường hợp tổng số chứng khoán của các lệnh bán đã thực hiện nhiều hơn tổng số chứng khoán của các lệnh mua đã thực hiện, hoặc ngược lại thì CTCK có trách nhiệm thanh toán thay cho nhà đầu tư số tiền hoặc chứng khoán thiếu hụt tại ngày thanh toán.

13343243-6177-1599710558.jpg

Về giao dịch bán khống có bảo đảm, theo Dự thảo, nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch bán khống có bảo đảm tại CTCK được cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán, nơi nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch để bán khống có bảo đảm. Tài khoản bán khống có bảo đảm là tài khoản riêng biệt hoặc được hạch toán dưới hình thức tiểu khoản.

Những giải pháp trên được kỳ vọng sẽ kích thích thị trường giao dịch sôi động hơn, tăng thanh khoản và thu hút thêm dòng tiền, cũng như giúp nhà đầu tư có thêm công cụ để phòng ngừa rủi ro và mua bán linh hoạt hơn. 

Dù vậy, việc cho phép giao dịch trong ngày và bán khống cũng có thể mang lại những hệ quả tiêu cực, như tâm lý giao dịch hoảng loạn theo bầy đàn có thể đẩy thị trường chìm sâu ngoài tầm kiểm soát.

Đơn cử như đầu năm nay, khi thế giới đối diện với đại dịch Covid-19, nhà đầu tư trên nhiều thị trường chứng khoán vì quá sợ hãi nên đã bán ra đồng loạt, buộc nhiều cơ quan quản lý phải tạm ngắt mạch thị trường (Circuit Break) hoặc ra quyết định cấm bán khống trong một thời gian nhất định để ổn định tâm lý thị trường. 

Có lẽ vì vậy mà trong Dự thảo lần này, đi cùng với đề xuất giao dịch trong ngày và bán khống, đã bổ sung thêm cơ chế ngắt mạch thị trường chứng khoán. Theo dự thảo, ngắt mạch thị trường là cơ chế tạm dừng giao dịch tự động trong phiên giao dịch khi giá chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán biến động chạm các ngưỡng xác định trên hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch Chứng khoán.

Nỗ lực nâng hạng

Một điểm đáng lưu ý khác trong Dự thảo là đề xuất cho phép người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự mở tài khoản giao dịch, với điều kiện phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Với mục tiêu đại chúng hóa thị trường chứng khoán và nâng tỷ lệ dân số tham gia đầu tư, việc cho phép mở rộng độ tuổi để sớm tham gia thị trường cũng là điều dễ hiểu.

Theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm, mục tiêu đặt ra là số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào cuối năm 2020. Kể từ tháng 3 đến nay, thời điểm thị trường bắt đầu điều chỉnh mạnh vì ảnh hưởng bởi đại dịch, số lượng nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản đã tăng vọt. Tuy nhiên cập nhật đến cuối tháng 7 vừa qua của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, số lượng nhà đầu tư cá nhân trong nước chỉ mới hơn 2,5 triệu tài khoản, xấp xỉ 2,5% dân số. 

Chỉ số VN-Index đang tiếp tục đà leo dốc từ đầu tháng 8

Chỉ số VN-Index đang tiếp tục đà leo dốc từ đầu tháng 8

Điều quan trọng hơn là với những cải cách và đề xuất mới mẻ trên, thị trường trước mắt sẽ có thêm sự hỗ trợ cho đà phục hồi gần đây, khi tiếp tục thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia. Còn trong dài hạn, việc được phép bán khống và giao dịch T+0 cũng sẽ giúp Việt Nam cải thiện các tiêu chí đánh giá theo FTSE và MSCI. Từ đó, Việt Nam có thể được đánh giá nâng hạng sang thị trường mới nổi và thu hút được lượng lớn dòng vốn ngoại.

Ngày 20/7/2020, tại lễ kỷ niệm 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra nhiệm vụ hội nhập thị trường chứng khoán vào thị trường tài chính quốc tế để tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực tốt nhất, phấn đấu sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, phấn đấu đưa thị trường chứng khoán Việt Nam thành điểm đến của các tổ chức tài chính quốc tế.

Những thông tin gần đây cũng cho thấy Quỹ Diamond và Quỹ Finlead đã thu hút được dòng vốn ngoại, trong khi các quỹ ETFs cũng có cơ hội đón dòng tiền mới khi dòng tiền ngoại đảo chiều, trong bối cảnh chính sách bơm tiền đang được thực thi khắp toàn cầu. 

Cụ thể, thị trường đang "dậy sóng" trước thông tin về dòng vốn mới từ một quỹ mới thành lập tại Đài Loan và tập trung đầu tư vào thị trường Việt Nam, đó là CTBC Vietnam Equity Fund. Cho tới nay, quỹ này đã huy động được 5 tỷ đô la Đài Loan (gần 4.000 tỷ đồng). Trước mắt, quỹ này dự tính chi 270 tỷ đồng để mua chứng chỉ quỹ VFMVN Diamond ETF, đánh dấu bước đi đầu tiên tại thị trường Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nỗ lực nâng hạng thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO