Những thương vụ lớn nhất thập niên 2010

Đăng Nguyên| 03/01/2020 06:00

Trong mười năm qua, thị trường tác phẩm mỹ thuật đã đạt tới những cột mốc mới về giá tranh, với những thương vụ đình đám nhất, có khi ngoài sức tưởng tượng, như khi một ông hoàng Ả Rập Saudi đã mua tác phẩm của Leonardo da Vinci với cái giá không tưởng 450 triệu USD.

Trong phiên đấu giá đêm 15/11/2017 tại nhà Christie’s ở New York (Mỹ), bức Salvator Mundi (Chúa Cứu thế) thể hiện chân dung Chúa Jesus đã phá mọi kỷ lục về giá tác phẩm mỹ thuật từ trước đến nay, bất chấp những nghi hoặc về tác giả, tác phẩm. Sự kiện này minh họa hình ảnh hầu như xuyên suốt của thị trường tác phẩm mỹ thuật thập niên 2010, nơi sự chú ý tập trung vào một số tỷ phú đến từ Mỹ, Anh, châu Âu, Nga, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và vài quốc gia nữa, những người sẵn sàng vung khoản tiền khổng lồ để sở hữu các kiệt tác của những danh họa hàng đầu. Họ đã mua 10 bức tranh có giá cao nhất trong lịch sử  mà “khiêm tốn” cũng trên 160 triệu USD. Ngay cả tranh của các họa sĩ “không hàn lâm” nhưng được công chúng bình dân biết đến nhiều, chẳng hạn họa sĩ chỉ vẽ tranh đường phố KAWS, cũng đạt được mức giá triệu đô tại các sàn đấu giá uy tín nhất.

4.jpg

Bảo tàng Louvre Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) do kiến trúc sư Jean Nouvel thiết kế, được xây dựng trên mặt biển, là bảo tàng mỹ thuật lớn nhất ở Trung Đông, nơi đang trưng bày bức Salvator Mundi

Ngày 4/5/2010, bức Khỏa thân, lá xanh và tượng của Picasso, thể hiện người tình Marie-Thérèse Walter của ông đang ngủ, được bán 106,5 triệu USD tại nhà Christie’s chỉ sau 8 phút trả giá, trở thành bức tranh cao nhất thời điểm đó. Cho đến nay, người ta chưa biết được đích xác người đã mua tranh dù có những đồn đoán rằng đó là tỷ phú Nga Roman Abramovich. Nhưng vài năm sau, cái đỉnh giá cao đó đã bị vượt qua. Ngày 2/5/2012, bức Tiếng thét của danh họa Na Uy Edvard Munch được bán với giá gần 120 triệu USD tại nhà Sotheby’s New York, người mua là doanh nhân tỷ phú người Mỹ Leon Black, cũng là nhà sưu tập lớn, chủ tịch hội đồng quản trị Bảo tàng MoMa danh giá ở New York. Ngày 12/11/2013, tại nhà Christie’s New York, bức Ba nghiên cứu về Lucian Freud của họa sĩ người Anh Francis Bacon được nữ tỷ phú người Mỹ Elaine Wynn mua với giá 142,4 triệu USD.

1.jpg

Salvator Mundi trước khi đưa ra đấu giá

Đặc biệt, một doanh nhân đến từ Trung Quốc đã gây kinh ngạc khi chốt giá cao ngất hai bức tranh khỏa thân của danh họa Ý Amedeo Modigliani. Ngày 9/11/2015, tỷ phú Lưu Ích Khiêm (Liu Yiqian) đã mua bức Khỏa thân (nằm dựa gối) với giá 170,4 triệu USD để trưng bày tại một trong hai bảo tàng của riêng ông tại Thượng Hải (Trung Quốc). Sau đó, ngày 15/5/2108, Lưu và vợ ông đã mua bức Khỏa thân (nằm nghiêng), tranh khỏa thân lớn nhất của Modigliani với giá 157,2 triệu USD, cũng để trưng bày tại bảo tàng ở Thượng Hải. Một tác phẩm vẽ khỏa thân khác của Modigliani, bức Khỏa thân nằm trên gối xanh, được chuyển nhượng không qua thị trường, từ tỷ phú Mỹ Steven A. Cohen đến tỷ phú Nga Dmitry Rybolovlev vào năm 2012 với giá được tiết lộ là 118 triệu USD. Picasso cũng không chịu thua kém tác giả người Ý cùng thời với mình. Bức Các cô nàng ở Alger (bản O) của ông được bán tại nhà Christie’s New York ngày 11/5/2015 với giá 179,4 triệu USD, cũng là giá tranh cao nhất của Picasso trong thập niên 2010. Ngày 8/5/2018, bức Thiếu nữ với giỏ hoa của ông được bán với giá 115 triệu USD cũng tại nhà Christie’s New York.

2.jpg

Hoán vị của Willem de Kooning được định giá 300 triệu USD

Trong danh sách tác giả có tranh giá cao nhất thập niên 2010 không thiếu danh họa người Áo Gustav Klimt. Bức Chân dung Adele Bloch-Bauer II ông vẽ năm 1912 được ngôi sao truyền hình Mỹ Oprah Winfrey mua tại nhà Christie’s New York năm 2006 với giá 88 triệu USD, mười năm sau thông qua nhà buôn tranh nổi tiếng Larry Gagosian, bà đã bán bức tranh cho một tỷ phú Trung Quốc giấu tên với giá 150 triệu USD. Trong số các tác phẩm hội họa được bán giá “khủng” nhưng không qua sàn đấu giá phải kể đến bức Số 17A của họa sĩ Mỹ Jackson Pollock. Năm 2015, nó được tỷ phú Mỹ Kenneth C. Griffin mua từ Quỹ David Geffen với giá 200 triệu USD. Tháng 9/2015, cũng qua giao dịch như trên, bức Hoán vị của Willem de Kooning được định giá lên đến 300 triệu USD. Có giá 306 triệu USD là bức Bao giờ em lấy anh của họa sĩ Pháp Paul Gauguin với người mua là một hoàng thân xứ Qatar.

3.jpg

Những người đánh bài của Paul Cézanne, nay thuộc sở hữu của hoàng gia xứ Qatar

Thập niên 2010 cũng ghi dấu hoàng gia Qatar, một trong những nhân vật thống trị thị trường mua bán tác phẩm mỹ thuật toàn cầu. Với mong muốn trở thành trung tâm nghệ thuật của thế giới, các ông hoàng bà chúa xứ dầu mỏ vùng Vịnh đã vung tiền mua tranh, tượng. Đầu năm 2019, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Qatar do kiến trúc sư lừng danh Jean Nouvel thiết kế đã khánh thành với kinh phí xây dựng 434 triệu USD. Còn công nương Sheikha al-Mayassa bint Hamad bin Khalifa al-Thani, chủ tịch hội đồng quản trị hệ thống bảo tàng tại Qatar (QMA) được cho là có ngân sách lên đến 1 tỷ USD để tha hồ mua sắm. Ngoài bức Bao giờ em lấy anh của Gauguin, chính QMA đã mua bức Những người đánh bài của Paul Cézanne với giá 250 triệu USD vào năm 2011.

5.jpg

Chân dung Adele Bloch-Bauer II của Gustav Klimt

Cũng không thể bỏ qua vị trí của Hồng Kông như một trung tâm hàng đầu của thị trường tác phẩm mỹ thuật thế giới trong thập niên vừa qua. Với các sàn đấu giá của Christie’s và Sotheby’s tại lãnh thổ này, cùng với Hội chợ nghệ thuật Art Basel được tổ chức hằng năm, nơi có các giao dịch mua bán tranh rất quan trọng, Hồng Kông thu hút các đại gia siêu giàu đến từ Trung Quốc để trở thành trung tâm đấu giá lớn thứ hai toàn cầu, chỉ sau New York, bất chấp tình trạng bất ổn do biểu tình liên miên trong năm 2019. Phải kể đến thương vụ trị giá đến 3,7 tỷ USD, khi ông trùm ngành viễn thông liên lạc Patrick Drahi, người Pháp gốc Do Thái, mua lại nhà đấu giá Sotheby’s vào năm 2019, điều đó cũng có nghĩa hai nhà đấu giá lớn nhất thế giới nay đều có chủ nhân người Pháp: tỷ phú François Pinault là ông chủ của nhà Christie’s và là người hiến tặng 113 triệu USD để xây dựng lại giáo đường Notre Dame sau vụ hỏa hoạn năm qua. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những thương vụ lớn nhất thập niên 2010
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO