Tròn 10 năm ra đời Ngày Doanh nhân Việt Nam. Nhưng để đi tới ngày này, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải mất hàng chục năm để được xã hội thừa nhận và tôn vinh.
Đối với nhiều doanh nhân, thời gian đó là cả cuộc đời khi họ phải đánh đổi với nhiều mồ hôi, tiền bạc… trong nhiều thất bại, trước khi tạo dựng được những công ty lớn, thương hiệu lớn trong nền kinh tế Việt Nam, như Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận, Bánh kẹo Kinh Đô, Gốm sứ Minh Long 1, BIM Group, Mỹ phẩm Sài Gòn, Thành Thành Công... Những người sáng lập và điều hành những doanh nghiệp này đang dần lui về hậu trường, nhường chỗ cho con cái họ quản lý cơ ngơi. Những người con, ngoài tư duy quản trị, chiến lược kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp đã trở về trong vai trò những người kế nghiệp, ngoài trọng trách gìn giữ cơ nghiệp, họ có những tham vọng lớn hơn cha anh của mình là đưa thương hiệu, sản phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới. Chuyên mục Trò chuyện doanh nhân kỳ này xin dành cho những người trẻ nhiệt huyết như thế: anh Lý Huy Sáng - Phó tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long 1, chị Lý Nguyễn Lan Phương - Tổng giám đốc Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn, anh Lâm Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty Nệm Mousse Liên Á.
Sắc màu của F2Anh Lý Huy Sáng - Phó tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long 1
* Năm nay kỷ niệm 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, anh chị nghĩ thế nào về vai trò của doanh nhân trong xã hội?
- Lý Huy Sáng: Đã tròn 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam được xã hội chính thức tôn vinh, nhưng thực tế, vị thế của doanh nhân Việt Nam vẫn không bằng so với các nước, nhiều khi khiến chúng tôi thấy "tủi thân".
Ví dụ ở các hội thảo, diễn đàn cho doanh nhân của các nước trên thế giới, doanh nhân được hỗ trợ từ an ninh, giao thông, tổ chức, nhất là dễ dàng mời các cấp lãnh đạo địa phương, quốc gia đến cùng thảo luận, chia sẻ, trong khi đó ở Việt Nam, sự hỗ trợ như vậy rất hiếm hoi và doanh nhân chưa được xem trọng.
Bên cạnh đó, ở các nước, nhiều chính sách và khung hành lang pháp lý cũng hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, còn Việt Nam thì ngược lại, doanh nghiệp nước ngoài được ưu đãi nhiều hơn trong khi họ mạnh vốn, có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn hẳn doanh nghiệp trong nước.
- Lâm Ngọc Minh: Dù ở thời kỳ nào, một quốc gia muốn phát triển đều phải dựa vào phát triển kinh tế. Trong đó, vai trò của doanh nhân rất quan trọng, vì đằng sau các nhà hoạch định chính sách, đội ngũ doanh nhân chính là những người hiện thực hóa chính sách đó, góp phần đưa nền kinh tế đi lên.
Trước đây, bán một sản phẩm dễ lắm, chỉ cần tập trung vào chất lượng là bán được hàng, nhưng bây giờ thị trường cạnh tranh không chỉ đến từ chất lượng mà còn đến từ yếu tố con người từ đó sẽ xây dựng thương hiệu tốt hơn, quản lý những con người khác làm tốt hơn, do đó, tôi nghĩ mỗi một giai đoạn sẽ cần một năng lực phát triển công ty khác nhau.
- Lý Nguyễn Lan Phương: Ở bất kỳ giai đoạn nào của xã hội, vai trò cơ bản của doanh nhân là đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế và tạo ra giá trị cho xã hội. Kinh tế Việt Nam đang hội nhập với nền kinh tế khu vực và kinh tế thế giới, đây là xu thế tất yếu và là một trong những tiền đề cho sự tăng trưởng.
Doanh nhân trong xã hội hiện nay để thành công cần phải nắm bắt và thông thạo "luật chơi" trong khu vực và thế giới. Một trong những điểm quan trọng trong thời kỳ này là trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng.
Đó không đơn giản là phạm trù đạo đức mà còn phải được nhận thức là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài của cả doanh nghiệp và xã hội.
* Nhiều doanh nhân thế hệ trước thành danh nhờ chớp được các cơ hội làm ăn khi kinh tế đang chuyển mình, luật pháp còn chưa hoàn thiện. Động lực của họ là sinh tồn, thoát nghèo, khả năng của họ là ý chí vượt khó... Trong bối cảnh đó cũng đã tạo nên những tỷ phú đô la, những doanh nghiệp trong danh sách của Forbes... Bức chân dung phác họa những doanh nhân trẻ thế hệ thứ hai sẽ có màu sắc như thế nào?
- Lý Nguyễn Lan Phương: Đối với đội ngũ doanh nhân trẻ, thế hệ như chúng tôi được thừa hưởng nền tảng vững chắc mà cha mẹ đã gầy dựng và phát triển. Chúng tôi có điều kiện để học hỏi từ kinh nghiệm và nhận được chia sẻ từ những thành công của thế hệ trước.
Tuy nhiên, khi thị trường trong nước lẫn khu vực đang ngày càng cạnh tranh hơn, thì các cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp đến và đi với tốc độ cũng nhanh hơn, điều đó có nghĩa rủi ro trong các quyết định kinh doanh cũng cao hơn.
Để tiếp tục phát triển, thế hệ doanh nhân trẻ lúc nào cũng phải tỉnh táo trong mọi quyết định mang tính chiến lược. Lợi thế lớn nhất của doanh nhân trẻ không nằm ở khối lượng tài sản họ được thừa hưởng, mà đó là tầm nhìn, kinh nghiệm, cách thức quản lý tiền bạc của thế hệ đi trước.
Những ai sở hữu kho tài nguyên vô giá này biết kết hợp với những kiến thức bài bản về quản lý, kinh doanh sẽ trở thành những doanh nhân xuất sắc.
- Lâm Ngọc Minh: Nếu như ngày xưa các bậc cha chú muốn làm việc gì cũng phải tự mày mò nghiên cứu rất khó khăn, thì thế hệ doanh nhân trẻ có nhiều thuận lợi hơn khi kinh tế giao thương rộng mở, bùng nổ internet...
Tuy nhiên, hiện tại, các nhà điều hành trẻ cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó có ảnh hưởng lớn từ thị trường do sức mua của người tiêu dùng giảm. Đây là vấn đề những người trẻ phải động não để tìm hướng gỡ khó bằng nhiều cách, như: tìm thêm phân khúc mới, cho ra đời sản phẩm mới cạnh tranh hơn, phát triển thị trường toàn cầu...
Thế hệ trẻ bây giờ làm giàu nhanh, thiên về vấn đề kỹ thuật, tính toán tài chính, marketing rất chính xác và rất chuyên nghiệp. Nếu thế hệ đi trước tìm con đường thoát nghèo, thì những người trẻ hiện nay tìm đường bước ra thị trường bên ngoài.
- Lý Huy Sáng: Đối với lớp doanh nhân trẻ chúng tôi, lợi thế lớn nhất là không phải mất quá nhiều thời gian để trải nghiệm hoặc trả giá đắt cho những bước đi mày mò vì đã có những bài học kinh nghiệm của cha chú để lại.
Và khi được học hành bài bản, chúng tôi sẽ điều hành doanh nghiệp bằng lý luận, kết hợp với những kinh nghiệm của thế hệ trước nên có nhiều sáng kiến đổi mới.
Theo tôi, để công ty lớn mạnh thì việc quản lý là khó nhất, nhưng quản trị một hệ thống đã lớn như Minh Long 1 không phải chỉ cần có kiến thức trong sách vở, ở nhà trường mà đòi hỏi phải có sự đổi mới.
Song, nếu cho chọn lựa, tôi vẫn thích là người khởi nghiệp hơn kế thừa, vì người khởi nghiệp có thể nhấc "quả tạ” tùy theo sức lực và khả năng, còn người kế thừa sẽ phải vác ngay "quả tạ” do người trước để lại.
Bóng lớn và những "quả tạ"Chị Lý Nguyễn Lan Phương - Tổng giám đốc Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn
* Phải chăng cái bóng quá lớn của cha mẹ, với những gia sản lớn và thương hiệu nổi tiếng, chính là áp lực của những người kế thừa?
- Lý Huy Sáng: "Cái bóng" là điều không thể tránh khỏi vì chính cha mẹ tôi là người sáng lập và tạo được vị thế, uy tín cho thương hiệu Minh Long 1 không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Nhưng ở Minh Long 1, quan điểm của chúng tôi là ai làm không quan trọng, vấn đề là công việc mình đề xuất và thực hiện phải mang lại hiệu quả tốt.
Ví dụ, cuộc thi Chiếc thìa vàng do tôi lên ý tưởng và thực hiện, nhưng người phát ngôn truyền thông là bố tôi. Nhưng không có Minh Long 1 thì không có cuộc thi này nên bố tôi xứng đáng là người đại diện phát ngôn cho chương trình và đó cũng là thể hiện sự tôn trọng dành cho ông.
Song, cũng có người cho rằng khi cái bóng của cha mẹ quá lớn sẽ làm giảm đi tính chủ động, sáng tạo trong công việc của thế hệ kế thừa. Đâu đó vẫn có chuyện con cái khi về làm việc trong công ty gia đình vẫn chỉ là người thừa hành và học việc từ cha mẹ.
Công ty gia đình thường không thể tránh khỏi những ràng buộc tình cảm, tôn ti trên dưới, nhưng khi làm việc thì phải đề cao tính hiệu quả, mục đích cuối cùng của công việc chứ không phải ai lớn hơn ai. Một khi một kế hoạch được đưa ra, ai chứng minh được tính khả thi thì sẽ dành quyền thực hiện phương án mình đề xuất.
- Lâm Ngọc Minh: Dù chỉ học đến lớp 9 nhưng cách đây hơn hai mươi năm, ba tôi đã tự mày mò, nghiên cứu và chế tạo thành công máy làm nước đá, nuôi cả gia đình với 6 đứa con còn tuổi ăn tuổi học.
Tôi đã chứng kiến quá trình làm việc của ba, không biết bao nhiêu lần thử nghiệm bất thành mới có được thành công, đây chính là bài học đầu tiên tôi được học từ ba mình. Đến giờ tôi vẫn khuyến khích nhân viên làm gì cũng phải đam mê.
Năm 2000, tôi được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc, thời điểm đó, hầu hết những khách hàng đầu tiên tôi tiếp xúc, đàm phán trực tiếp đều là khách nước ngoài, có lẽ vì còn trẻ nên tôi giải quyết công việc cũng khá vô tư, đôi lúc còn có tính liều, nên bản thân cũng không cảm thấy ngại ngùng hay áp lực gì.
Chỉ có điều, vì tôi là con cả trong gia đình nên gánh nặng của tôi là làm sao để công ty tồn tại và phát triển bền vững. Quan điểm của tôi không tập trung vào công ty TNHH có doanh số lớn nhất mà phải bình tĩnh điều hành doanh nghiệp, làm sao để công ty có được đơn hàng đều đặn để tiếp tục phát triển.
* Tỷ phú nổi tiếng Bill Gates có bài học nuôi dạy con cái: "Để có thu nhập, chúng sẽ phải tự lựa chọn một công việc để làm, giống như bất kỳ người trưởng thành khác". Xuất thân từ những gia đình khá giả, vậy chọn nghiệp kinh doanh có ý nghĩa thế nào với anh, chị?
- Lý Huy Sáng: Cha mẹ tôi đã gắn với nghiệp kinh doanh, vất vả gầy dựng công ty mất hàng chục năm trời. Tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm gìn giữ giá trị và cơ đồ mà cha mẹ đã tạo dựng.
Hằng ngày có bao nhiêu công ty mở ra nhưng cũng có nhiều công ty phải đóng cửa và những công ty phát triển lâu năm, bền vững thì rất hiếm, nên với tôi, đảm nhận trọng trách kế thừa là một sứ mệnh rất lớn.
Cha mẹ tôi đã biến đất thành tinh hoa, rèn luyện một đội ngũ nghệ nhân đủ tài giỏi để làm nên những sản phẩm gốm sứ tinh xảo ngang hàng với những tên tuổi lớn của các quốc gia có ngành gốm sứ bậc nhất thế giới.
Tôi không chỉ tự hào mà còn nghĩ mình phải làm được nhiều điều hữu ích hơn, có trách nhiệm làm cho Minh Long 1 vượt ra khỏi tầm vóc gia đình, vượt ra khỏi biên giới Việt Nam.
- Lý Nguyễn Lan Phương: Nếu nghĩ theo hướng tích cực, đối với đội ngũ doanh nhân trẻ, được gọi là thế hệ F2 như chúng tôi, việc được kế thừa thành quả và thành công của cha mẹ mình không hẳn là áp lực, trái lại đây còn là động lực và cảm hứng cho công việc và quyết tâm tạo ra những thành công lớn hơn nữa trong tương lai.
Giấc mơ và mô hình bước ra thế giớiAnh Lâm Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty Nệm Mousse Liên Á
* Giấc mơ của không ít thanh niên Việt Nam hiện nay là trở thành những ông chủ, bà chủ. Có thể xem đây là giấc mơ chung của thế hệ trẻ và có nên xem đó là đích đến của con đường kinh doanh?
- Lý Huy Sáng: Đúng là hiện nay giới trẻ đang thể hiện "giấc mơ” này rất rõ. Nhiều năm trực tiếp phỏng vấn tuyển dụng tại công ty hay đến tận các trường đại học, tôi thực sự thất vọng với những người trẻ hôm nay. Họ thực dụng, thiếu ý chí và không hề có ý thức kỷ luật.
Công ty bỏ tiền đào tạo lại nghề cho họ một vài năm, đến dịp lễ, Tết, họ sẵn sàng nghỉ mà không cần biết công ty bị thiệt hại như thế nào. Những người khó khăn nhưng không sợ mất việc, những người có chút năng lực thì sẵn sàng "nhảy việc", nhiều khi chỉ vì một chút thu nhập.
Vươn tới cuộc sống tốt đẹp, tương lai tươi sáng cho bản thân là động lực tích cực của tuổi trẻ, nhưng nếu hướng tới cuộc sống đẳng cấp, làm ông chủ để mong chạy đua có cuộc sống thật nhiều tiền, hưởng thụ hơn người mà không biết khả năng của mình ở đâu, thế mạnh của mình là gì thì đó không phải là động lực phấn đấu tích cực.
Khi là doanh nhân, điều quan trọng nhất là khả năng xử lý công việc, điều hành, hoạch định chiến lược hiệu quả. Nhưng nếu mục tiêu của người chủ là phải luôn luôn có xe đẹp, nhà sang, hưởng thụ cuộc sống giàu có để chứng tỏ đẳng cấp thì sẽ lún vào việc chi nhiều hơn thu, và như vậy nguy cơ dẫn đến điều đáng tiếc sẽ rất dễ xảy ra.
- Lý Nguyễn Lan Phương: Tôi nghĩ dù thế nào thì các bạn trẻ cũng phải hướng về những giá trị làm nên ý nghĩa của từ "doanh nhân", đó là phải có ảnh hưởng đến cộng đồng, trách nhiệm với xã hội. Nếu bạn cố gắng vì tiền bạc, danh vọng cho cá nhân thì chưa đủ. Điều quan trọng đối với một doanh nhân là phải đạt tới mức làm cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn, đất nước giàu mạnh và văn minh hơn.
* Ngay cả những tập đoàn lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang gặp phải những vấn đề liên quan tới mô hình kinh tế gia đình. Quan điểm của anh, chị về văn hóa quản trị theo mô hình gia đình?
- Lý Huy Sáng: Mô hình công ty gia đình là mô hình tốt, chưa hề lạc hậu và nó đã được chứng minh qua các tập đoàn lớn trên thế giới. Hiện nay, thống kê ở Mỹ cho thấy công ty gia đình vẫn chiếm 70% và đóng góp rất lớn cho nền kinh tế quốc gia.
Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên xem lại mô hình này, đừng cứ "thời thượng" phải là công ty cổ phần, mà không xem công ty mình phù hợp với mô hình nào. Kinh nghiệm thành công của các tập đoàn gia đình trên thế giới đều cho thấy quản trị công ty tốt là yếu tố quyết định sự trường tồn và phát triển bền vững của các công ty gia đình.
Như vậy, các công ty phải thay đổi tư duy về cách quản trị, quản lý nguồn nhân lực. Có nghĩa là, trong mỗi công ty phải có được một hệ thống cơ cấu tổ chức, cơ chế điều hành với người thực hiện công việc đúng khả năng và làm theo quy định.
Cách quản trị này sẽ tạo nên người giỏi, ai làm cũng được, không cần phải là người trong gia đình. Chỉ cần những người chủ thay đổi tư duy quản trị, thực hiện quản trị công ty một cách khoa học thì thương hiệu công ty sẽ tồn tại, phát triển, cho dù chuyển giao thế hệ.
- Lâm Ngọc Minh: Nếu nói Liên Á là công ty theo mô hình gia đình thì cũng chưa hẳn đúng, vì chúng tôi có các thành viên trong gia đình tham gia điều hành công ty nhưng chỉ chọn vị trí theo năng lực. Đến thời điểm này, tôi tự hào là những quản lý trung gian cấp dưới đều là những người giỏi.
Để cạnh tranh được với các DN nước ngoài, chúng tôi không chỉ cạnh tranh về nhân công lao động, mà cạnh tranh ở quy trình tinh giản, giảm chi phí theo hướng hiện đại hóa. May mắn là chúng tôi có được những đội ngũ kỹ thuật giỏi, nên thời gian qua đã cắt giảm chi phí sản xuất nhưng chất lượng vẫn đảm bảo rất tốt.
Với dây chuyền này, chúng tôi tự tin sẽ phát triển được không chỉ ở thị trường Việt Nam, mà còn ở thị trường thế giới. Không phải doanh nhân nào cũng nghĩ tới việc bắt buộc phải chuyển giao cơ nghiệp cho người nhà.
Cũng không phải mô hình quản trị gia đình là bất biến, mà phải linh hoạt theo thị trường. Nhiều chủ doanh nghiệp khi thấy gánh nặng tuổi tác sẽ rút lui vào hậu trường và sẽ thuê những người giỏi về điều hành công ty.
* Chuyển giao "quyền lực" có để lại một khoảng trống phía sau không, thưa anh, chị?
- Lý Huy Sáng: Nhiều người cho rằng, điểm mạnh nhất của công ty gia đình là quan hệ hợp tác giữa các thành viên chủ chốt. Tuy nhiên, chính điểm mạnh ấy lại là điểm yếu quyết định sự phát triển của doanh nghiệp "gia đình trị”. Khi chuyển giao giữa các thế hệ, những người thừa kế phải chia sẻ quyền sở hữu công ty trên tinh thần quan hệ "đối tác".
Họ phải cùng nhau quyết định cách thức quản trị và điều hành công ty như tài sản chung. Và đến lúc này, các vấn đề quản trị công ty nảy sinh. Đại đa số các công ty gia đình sẽ thất bại trong việc giải quyết vấn đề quản trị này.
Với môi trường cạnh tranh khốc liệt, Minh Long 1 bắt buộc phải có tư duy quản trị hiện đại và những thay đổi về quy trình sản xuất. Đến thời điểm này, công đoạn nào của nhà máy cũng có những robot gắp từng sản phẩm chuyển đến các băng chuyền.
Song, kỹ thuật hiện đại mình có thể mua được dễ dàng, nhưng để cho người nông dân - thợ gốm - những người mang tâm lý làm việc theo thói quen cũ, thích sao làm vậy có tác phong công nghiệp, làm việc trách nhiệm trong một dây chuyền khép kín, kỹ thuật cao là cực kỳ khó khăn. Và đó là thách thức lớn nhất với tôi.
Tôi đã nghiên cứu và viết phần mềm quản trị của Minh Long 1, đầu tư vào công nghệ thông tin gần cả triệu USD. Nhờ vậy mà hệ thống luôn chạy tốt, chất lượng sản phẩm trên dây chuyền, năng suất luôn bảo đảm.
- Lý Nguyễn Lan Phương: Có thể quá trình chuyển giao diễn ra quá tự nhiên nên gần như tôi không nhận ra điều đó. Vì tiêu chí của Hội đồng quản trị Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn luôn đặt yếu tố làm việc nhóm lên hàng đầu.
Chúng tôi có cả một quá trình làm việc từ tự thiết lập kế hoạch, lên dự án đến chứng minh, phản biện để làm sao thuyết phục hội đồng quản trị đồng ý với kế hoạch của mình. Sau đó, nhiệm vụ của mình là thúc đẩy dự án hoàn thành. Đối với cá nhân tôi, đó là nỗ lực không ngừng để bắt nhịp với quá trình phát triển của doanh nghiệp và thị trường.
- Lâm Ngọc Minh: Gia đình tôi có sáu anh em thì năm người đang làm việc tại Liên Á. Tuy nhiên, các em của tôi đều được phân công công việc theo thế mạnh của từng người.
Hiện nay, một người đang quản lý toàn bộ công tác sản xuất của Công ty, một người phụ trách phần thu mua, một người phụ trách phòng thiết kế, phát triển sản phẩm, một người quản lý nhà máy sản xuất nệm PU.
Tất cả chúng tôi không ai nắm giữ vị trí phụ trách tài chính của Công ty, vị trí này đang do một nhân sự đến từ một công ty đa quốc gia, vị trí kinh doanh quốc tế, kinh doanh nội địa, marketing... cũng đều do người ngoài đảm nhiệm, khi làm, anh em sẽ lãnh lương theo vị trí đó.
Mong muốn của ba tôi là Liên Á không chỉ tồn tại vài chục năm, mà phát triển được 100 năm và hơn nữa. Để làm được điều này đòi hỏi chúng tôi phải xây dựng đội ngũ kế thừa không chỉ là những người trong gia đình mà cả những người giỏi có tâm huyết với Công ty.
Minh Long 1 tuyển dụng và đào tạo nhân sự ra sao?
>TGĐ Liên Á: Ngồi một chỗ không thể thành toàn cầu
>Minh Long 1 tuyển dụng và đào tạo nhân sự ra sao?
>Cuộc chuyển giao ở Minh Long 1