Ngày 12/7/1995, Việt Nam và Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Hơn 25 năm qua, quan hệ hai nước đã có nhiều bước phát triển, trở thành đối tác toàn diện, đáng tin cậy.
Về mặt kinh tế, từ khi Hiệp định Thương mại Song phương Việt - Mỹ (BTA) có hiệu lực hồi 10/12/2001, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam tăng vượt bậc. Mỹ và Việt Nam đã ký kết một hiệp định khung về thương mại và đầu tư, cũng như các hiệp định về dệt may, vận tải hàng không, hải quan và hàng hải. Theo cổng thông tin của Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Mỹ xuất sang Việt Nam máy móc, máy tính, đồ điện tử, sợi/vải, nông sản và các loại xe, trong khi nhập từ Việt Nam đồ may mặc, giày dép, nội thất, nông hải sản và thiết bị điện.
Từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến năm 2000, kim ngạch thương mại Việt- Mỹ chỉ tăng từ 450 triệu USD lên 1,09 tỷ USD; nhưng từ khi có BTA đến nay đã gia tăng bình quân 20%/năm. Sau 25 năm, kim ngạch thương mại Việt -Mỹ tăng từ 451 triệu USD lên hơn 90 tỷ USD.
Theo cổng thông tin Chính Phủ, năm 2020 là năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ vượt qua mốc 90 tỷ USD (đạt 90,8 tỷ USD) và cùng hướng tới con số 100 tỷ USD vào năm 2021.
Tính chung trong giai đoạn 5 năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 230%, còn xuất khẩu từ Mỹ vào Việt Nam tăng trưởng hơn 175%. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.
Hãy cùngDoanh nhân Sài Gòn điểm lại một số cột mốc nổi bật trong quan hệ kinh tế, thương mại Việt - Mỹ nhân sự kiện Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Devi Harris sang thăm Việt Nam:
Tháng 12/1992, Tổng thống George H. W. Bush cho phép các công ty Mỹ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và ký kết hợp đồng sau khi lệnh cấm vận thương mại được bãi bỏ. Công ty Tư vấn đầu tư và thương mại Việt Nam - Mỹ (VATICO) là công ty Mỹ đầu tiên mở văn phòng đại diện tại Việt Nam ngày 25/4/1993.
Tháng 2/1993, Chính phủ Clinton mở đường cho việc nối lại các khoản vay quốc tế, gồm vốn vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton - người đã thực hiện bước đi lịch sử là dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam, mở đường cho các thương hiệu lớn của Mỹ đổ về Việt Nam tìm kiếm cơ hội. |
Ngày 3/3/1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam, khép lại một chương khó khăn trong lịch sử quan hệ song phương và đặt nền móng cho việc hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau đó
Ngày 11/7/1995, Tổng thống Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.
Ngày 6/8/1995, Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher thăm Hà Nội và chính thức mở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại đây. Việt Nam cũng mở Đại sự quán tại Washington D.C.
Tháng 8/1997, Chính phủ Mỹ thông qua quy chế đặc biệt cho phép Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ Việt Nam, cải thiện hoạt động thương mại thông qua chương trình hỗ trợ kỹ thuật về luật thương mại và chính sách thương mại.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ sáng 12/7/1995. |
Ngày 11/3/1998, Tổng Thống Clinton ban hành quy chế tạm miễn áp dụng Đạo luật Sửa đổi bổ sung Jackson – Vanik đối với Việt Nam, mở đường cho hoạt động của nhiều công ty và tổ chức của Hoa Kỳ tại Việt Nam như Cơ quan Hỗ trợ đầu tư tư nhân hải ngoại, Ngân hàng Ex-Im Bank, Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, và Cơ quan Quản lý Hàng hải Hoa Kỳ.
Hai tuần sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá và Đại Sứ Pete Peterson hoàn tất việc ký kết Hiệp định Song Phương OPIC.
Ngày 25/7/1999, Đại diện Thương mại Mỹ Richard Fisher và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đạt thỏa thuận trên nguyên tắc về Hiệp định Thương mại Song phương tại Hà Nội. Đến ngày 9/12/1999, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu (Ex-Im Bank) và Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam cũng hoàn tất các thỏa thuận khung, mở đường cho ngân hàng Ex-Im hoạt động tại Việt Nam.
Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan tiếp Đại diện Thương mại Mỹ Charlene Barshefsky tại Hà Nội tháng 11/2000 để bàn về Hiệp định song phương. |
Ngày 13/7/2000, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan và Đại diện Thương mại Mỹ Barshefsky ký Hiệp định Thương mại Song phương tại văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.
Tổng thống Bill Clinton sau đó đã công bố Hiệp định này tại buổi lễ ở Vườn Hồng, Nhà Trắng.
Hiệp định có hiệu lực từ năm 2001, cho phép tất cả hàng hoá xuất từ Việt Nam sang Mỹ được hưởng mức thuế quan tối huệ quốc, còn gọi là quan hệ thương mại bình thường (NTR) vô điều kiện. Nguyên tắc cơ bản là khi hai bên dành cho nước thứ ba quy chế gì tốt nhất thì cũng phải dành cho bên kia như vậy.
Ngày 16-20/11/2000, Tổng Thống William J. Clinton sang thăm Việt Nam, cùng đi có Bộ trưởng Thương mại Norman Mineta, Đại Diện Thương mại Charlene Barshefsky, Thượng Nghị sĩ John Kerry (D-MA), Nghị sỹ Earl Blumenauer (D-OR), Vic Snyder (D-Ark), Mike Thompson (D-CA) và nữ dân biểu Loretta Sanchez (D-CA). Các đoàn doanh nghiệp và lãnh đạo Hội Cựu chiến binh Mỹ cũng tham gia trong đoàn. Sau năm 1975, đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ đương nhiệm sang thăm Việt Nam.
Ngày 10/12/2001, Hiệp định Thương mại Song phương Việt - Mỹ chính thức có hiệu lực sau khi Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Zoellick trao đổi thư chấp thuận tại thủ đô Washington, D.C. của Mỹ.
Ngày 17/7/2003, Hiệp định Dệt may Việt - Mỹ được Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển và Đại sứ Hoa Kỳ Raymond Burghardt ký kết ở Hà Nội.
Tháng 6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải công du Mỹ, gặp Tổng thống George W. Bush, đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo Việt Nam thăm Nhà Trắng sau chiến tranh. Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu: "Sự kiện này cho thấy quan hệ Việt - Mỹ thực sự bước vào giai đoạn phát triển mới".
Ngày 1/4/2008, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Mỹ (VUSBC), thuộc Hội Việt – Mỹ, chính thức ra mắt với hơn 50 doanh nghiệp hội viên.
Ngày 25/7/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Barack Obama trong chuyến công du Mỹ, xác lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Chủ tịch Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng năm 2013, khi hai bên tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước |
Ngày 7/7/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ, gặp Tổng thống Obama tại Nhà Trắng, đánh dấu bước phát triển đột phá trong quan hệ hai nước, thể hiện sự tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Hai lãnh đạo ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt - Mỹ.
Tháng 5/2016, Tổng thống Obama thăm Việt Nam ngày 23 - 25/5, tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, bảo đảm Việt Nam được tiếp cận với vũ khí cần thiết để tự vệ.
Tháng 11/2017, Tổng thống Trump thăm Việt Nam và dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng. Ông nói rằng "Việt Nam đã trở thành một điều kỳ diệu của thế giới" và nhấn mạnh Việt - Mỹ gắn kết vì "mục đích chung, lợi ích chung". Trước đó, hồi tháng 5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Mỹ.
Tháng 2/2019, Tổng thống Trump trở lại Hà Nội để dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Tổng thống Mỹ gửi lời cảm ơn Việt Nam, cảm thấy ấn tượng vì trong thời gian ngắn, Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.
Ông Trump là vị Tổng thống Mỹ đến Việt Nam 2 lần trong thời gian đương nhiệm, tháng 11/2017 và tháng 2/2019 |