Căng thẳng trận “chung kết ngược” lượt đi giữa hai đội bóng miền Trung |
Nhà đương kim vô địch Hà Nội là đội có hàng công “khủng” nhất lượt đi với 24 lần phá lưới đối phương (hiệu số cao nhất +12), chỉ có hai đội S.Khánh Hòa và HAGL là giữ được nguyên vẹn mành lưới trước đội bóng thủ đô. Kế đến là Than QN 22 bàn, Thanh Hóa 21 bàn, trong khi đội đầu bảng TP.HCM chỉ có 17 bàn thắng.
Hàng thủ vững chắc nhất thuộc về SLNA, chỉ mới phải 9 lần vào lưới nhặt bóng. Ở chiều ngược lại, hàng thủ tệ nhất là đội bét bảng S.Khánh Hòa và thứ ba từ dưới lên Hải Phòng, với 23 lần vào lưới nhặt bóng (hiệu số kém nhất -8). Kế đến là HAGL với 21 bàn thua.
Chiến thắng nhiều nhất là hai đội đầu bảng TP.HCM 8 trận và Hà Nội 7 trận. Đây cũng là hai đội cùng với SLNA có số trận thua ít nhất là 2 trận. Ngược lại thắng ít nhất là hai đội miền Trung gồm Quảng Nam và S.Khánh Hòa. Thất bại nhiều nhất cũng là S.Khánh Hòa với 8 trận. Ngoài ra có đến 5 đội xếp từ thứ 9 đến 13 nhận cùng 6 trận thua. “Vua” hòa lượt đi là hai đội bóng xứ Thanh - Nghệ với cùng 6 trận.
Sau nửa chặng đường, có ba chân sút cùng dẫn đầu cuộc đua danh hiệu Vua phá lưới với 7 bàn thắng là Walsh Chevaughn (HAGL), Oseni (Hà Nội) và De Souza (Viettel); trong khi cùng kỳ năm ngoái người dẫn đầu là Oseni đã có tới 13 pha lập công. Có hai hat-trick của tân binh người Jamaica Lynch (Hải Phòng) và Dyachenko (Than QN).
Đã có 298 thẻ vàng được các trọng tài rút ra, trung bình 3,27 thẻ/trận, giảm so với lượt đi V.League 2018 (314 thẻ, trung bình 3,45 thẻ/trận). Tuy nhiên, số thẻ đỏ lại tăng vọt với 20 lượt cầu thủ phải “đi tắm sớm”, trung bình 0,22 thẻ/trận (lượt đi mùa rồi chỉ có 8 thẻ đỏ, trung bình 0,09 thẻ/trận). Số khán giả đến sân giảm nhẹ với hơn 702.000 người, trung bình 7.700 người/trận (lượt đi năm ngoái hơn 717.000 người, trung bình hơn 7.800 người/trận).