Nhớ Kontum

THIÊN THANH| 07/03/2013 08:09

Mỗi lần nghe ai đó kêu lên: "Ôi, sao nhớ Kontum quá! Làm sao để đi lên đó đây?", tôi lại thấy mình ngợp trong cái màu phố nắng nhẹ với cà phê Eva thơm nức. Và lại lanh lẹ làm hướng dẫn viên du lịch từ xa, bảo ghé Eva ngay đi. Ở đó có gì? Ngập ngừng giây lát, không có gì, chỉ có cà phê.

Nhớ Kontum

Mỗi lần nghe ai đó kêu lên: "Ôi, sao nhớ Kontum quá! Làm sao để đi lên đó đây?", tôi lại thấy mình ngợp trong cái màu phố nắng nhẹ với cà phê Eva thơm nức. Và lại lanh lẹ làm hướng dẫn viên du lịch từ xa, bảo ghé Eva ngay đi. Ở đó có gì? Ngập ngừng giây lát, không có gì, chỉ có cà phê.

Đọc E-paper

Nhà thờ gỗ Kontum

Cà phê thì phải Buôn Mê chứ. Thương lắm thì ghi nhận thêm cà phê Phú Yên, bởi nghe đâu người Phú Yên vẫn nhận mình là những người tạo ra cách pha chế nguyên liệu cà phê Việt bây giờ. Người Phú Yên phiêu dạt lên những đồn điền cà phê của người Pháp, không thỏa mãn với cái gu châu Âu, đã tạo ra một nền tảng cà phê uống vào ngầy ngật, ngọt thơm từng giọt đặc sánh bây giờ.

Thế nhưng, chẳng thấy ở đâu mà cái mùi cà phê lại hòa hợp thế với phố núi hoang sơ, cái không gian lành lạnh buổi sớm với tháp chuông nhà thờ gỗ gióng giả buông từng giọt thánh thót lên trời cao.

Xuân này bỗng bắt gặp ở Kontum nhiều tao nhân mặc khách. Khởi đầu là hai đạo diễn được giới trẻ hâm mộ là Phan Đăng Di và Nguyễn Hoàng Điệp ngồi dựa cột nhà thờ, nhìn mông lung đám trẻ con người Gia Rai đeo khăn quàng đỏ đến học Kinh Thánh. Ồ ạt theo sau là một đoàn các họa sĩ Bắc Hà, đầu xanh, đầu bạc đều đóng đô ở Kontum đúng tuần lễ.

Làm gì ở đây? Không làm gì hết, sáng sớm ra cà phê Eva ngắm mấy cái tượng nhà mồ mòn nhẵn, xế trưa đến ngồi đồng ở hiên nhà thờ gỗ. Chiều ra sông Dăkbla ngó con gái Gia Rai tắm, ngó cái nóc nhà rông cao nhất Tây Nguyên sừng sững bên kia sông. Hết. Vậy mà không muốn về.

Chẳng ở đâu giữ được văn hóa bản địa bằng thành phố nhỏ ấy. Nó cắm làng bản giữa phố. Trâu, bò, heo đi dạo dưới nhà sàn giữa phố. Những cái tưởng như chẳng ăn nhập gì với nhau: khăn quàng đỏ, bài hát ca ngợi thánh Phêrô, màu da nâu và làn môi cong của em bé gái đứng bên hiên nhà thờ kia làm cho Kontum đẹp và hiền hậu vô cùng.

Cái mới nào đến Kontum cũng ở lại được, tôn giáo chẳng hạn, trên tranh kính nhà thờ chẳng ai thấy lạ lùng gì khi những vị Thánh râu dài, mắt sâu ban phước cho con chiên mũi tẹt, da nâu bản địa. Chúa ở lại đây được. Cồng chiêng và những điệu múa cổ giao lưu với thần linh cũng còn lại nhiều nhất ở Kontum.

Chỉ có cà phê là không thay đổi. Cứ đậm đắng và thơm lừng. Ở đây không có những ly cà phê kem hương vị sôcôla kỳ dị với nắp đậy hình vòm thời thượng để cho giới trẻ mua và mang đi. Cà phê thơm và ngồi thật lâu với nó, đó là Kontum. Cái cung cách vừa khoáng đạt, vừa bảo thủ ấy ở phố núi níu kéo biết bao người.

Và mùa này, bỗng nhiên Kontum đón những người khách đến vì họ tin Kontum có thể truyền cho họ sự hưng phấn mới mẻ cần thiết của mùa Xuân, cứ như những lúc cơ thể ốm đau cần truyền đạm vậy.

Kontum có một thứ đạm cho tâm hồn, cứ như nó là khoảnh đô thị cuối cùng còn giữ được sức mạnh của bản năng chưa thuần hóa, lại cõng thêm những thứ tinh túy nhất mà người phương Tây từng phải dựa vào làm sức mạnh tinh thần. Bản năng và tôn giáo đang giữ cho Kontum đẹp tuyệt trần trong một thế giới quá nhiều xoay vần, giá trị thật giả lẫn lộn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhớ Kontum
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO