Lẫn đâu đó, mùi thơm dìu dịu của dấm bỗng được cho đúng lượng và đúng thời điểm, một chút mùi mắm tôm tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn. Bát bún riêu cua hồi sơ khai thích hợp nhất là dành cho những trưa hè oi ả của Hà Nội, bởi vì một bát bún riêu chuẩn vị rất ít chất béo và luôn phải có cái vị chua thanh mát đặc biệt, cái vị đặc trưng ấy khiến cho mỗi khi được húp xì xụp, trôi qua cổ họng và xuống tới dạ dày rồi toát mồ hôi là khiến cho cơ thể như có luồng khí mát từ chân xông lên tới đỉnh đầu.
Cua đồng ngon là những con có màu xám đục, còn đủ chân, càng khỏe luôn chỉa lên, mình mập, mai sáng bóng, ấn vào phần yếm cua không lún, nổi bọt khí. Người nấu đem rửa sạch, giã nhuyễn lọc lấy nước đun cho thịt cua nổi lên, kết dính lại.
Nói về gạch cua đồng thì hàng “xịn” phải có màu vàng sẫm đặc trưng, khi nấu lập tức dậy mùi cua, thậm chí hơi tanh. Chính vì thế, công thức chuẩn làm nên một nồi riêu cua ngon lành thì không thể thiếu “tri kỉ” của gạch cua là dấm bỗng. Dấm bỗng được tạo ra từ quá trình nấu rượu thủ công nên ngoài vị chua còn chút hương rượu cồn giúp át đi mùi tanh của cua. Thứ gia vị đặc trưng của miền Bắc này hòa quyện hoàn hảo với gạch cua để tạo ra món riêu chua chua thơm ngọt tự nhiên mà chỉ nghĩ tới thôi cũng thấy dịch vị tứa ra trong miệng liên hồi.
Bát bún riêu cua xưa rất giản đơn, thấm đẫm sự bình dân trong đó, một bán bún bày ra chan nước dùng chỉ thơm mùi dấm bỗng, trong bát có màu sậm của gạch cua, màu xanh của hành răm, màu đỏ của cà chua, cùng lắm là vài miếng đậu rán điểm chút mắm tôm dậy vị. Đi kèm với đó là đĩa rau sống có xà lách, tía tô, kinh giới... và đặc biệt, không thể thiếu loại rau đặc trưng là rau chuối thái nhỏ. Chỉ thế thôi, nhưng khiến bao người say mê.