![]() |
LTS: Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. DNSG xin lược ghi lại báo cáo này.
Đọc E-paper
Nhiệm kỳ 2011 - 2016 kế thừa những thành quả to lớn và kinh nghiệm của 25 năm đổi mới, tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt trên 5,9%/năm, trong đó năm 2015 đạt 6,68%, cao nhất kể từ năm 2008 (năm 2008 là 5,66%); tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015 (chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 5 - 7%), thấp nhất kể từ năm 2001 (năm 2001 là 0,8%).
Trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015, chi thường xuyên chiếm khoảng 64 - 65% (giai đoạn 2006 - 2010 chiếm 55,2%), chủ yếu là tăng chi cho an sinh xã hội và cải cách tiền lương, chi đầu tư phát triển khoảng 23,6% (giai đoạn 2006 - 2010 là 28,2%). Tỷ lệ dư nợ công trên GDP đến cuối năm 2015 là 62,2%, dư nợ chính phủ là 50,3%, nợ nước ngoài là 43,1% (theo nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2015, nợ công không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 50% và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP).
Trong báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, những thành tựu, kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực có phần đóng góp và trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn chưa phù hợp. Một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời. Sự phối hợp chính sách và chỉ đạo điều hành trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế chưa thật đồng bộ, có mặt hiệu quả chưa cao.
Việc bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước có mặt còn hạn chế, chậm khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và những bất hợp lý trong cơ cấu chi ngân sách, quản lý một số khoản chi chưa chặt chẽ, vẫn còn nhiều lãng phí. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý, sử dụng vốn vay ở một số dự án còn kém hiệu quả, khắc phục còn chậm. Thiếu nguồn lực và cơ chế chính sách hiệu quả để xử lý nhanh hơn nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng.
>>Tái cơ cấu để giải quyết nợ xấu
Việc phát triển thị trường trong nước, khai thác thị trường ngoài nước, nhất là những thị trường đã có hiệp định thương mại tự do, đấu tranh với những rào cản thương mại quốc tế hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý thị trường, giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn nhiều hạn chế.
Chậm sửa đổi, bổ sung và thiếu những cơ chế chính sách đủ mạnh để huy động, sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư ngoài nhà nước. Tăng trưởng kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng. Năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh còn thấp, cải thiện còn chậm. Năm 2015 tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008 nhưng bình quân cả nhiệm kỳ vẫn chưa đạt kế hoạch.
Việc thực hiện các đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển nhanh nguồn nhân lực gắn với phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nhiều mặt còn hạn chế. Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm và chưa đồng bộ.
Tái cơ cấu đầu tư công, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ và thị trường nhiều mặt hiệu quả chưa cao. Thiếu cơ chế chính sách phát huy mạnh tác động lan tỏa của các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế và tạo sự liên kết hiệu quả giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng. Công tác xây dựng và quản lý thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế.
Những hạn chế, yếu kém trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Và chủ quan là do nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN vẫn chưa đủ rõ và còn khác nhau nên việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu và còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc thể chế hóa, tổ chức thực thi pháp luật, cơ chế chính sách, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện. Phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành kinh tế xã hội có mặt chưa phù hợp, hiệu lực hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tổ chức bộ máy và phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức nhiều mặt còn hạn chế, nhất là năng lực xây dựng và thực thi thể chế pháp luật, cơ chế chính sách.
Phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ phát huy những thành tựu và kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế yếu kém, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, khai thác tối đa cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức để đưa đất nước phát triển nhanh trên mọi lĩnh vực.
>>Kỳ họp cuối Quốc hội khóa XIII: Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng