Ông Trần Phú Lữ - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, ngành chế biến lương thực, thực phẩm của thành phố đang phát triển theo chiều sâu, sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước và đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Nhiều sản phẩm sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại hội thảo “Những xu hướng chính thay đổi môi trường kinh doanh và giải pháp phục hồi cho DN ngành lương thực thực phẩm trong bối cảnh mới” ngày 15/12/2021, ông Nguyễn Đặng Hiến - Phó chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết, trước năm 2020 thị trường ngành lương thực, thực phẩm Việt Nam liên tục tăng trưởng và được đánh giá đầy tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng của ngành bình quân 7% trong 5 năm qua (2016-2020), trong đó năm 2016 tăng 8,2%, năm 2017 tăng 6%, năm 2018 tăng 8,2% và năm 2019 tăng 7,9%.
Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành lương thực thực phẩm chỉ tăng trưởng 4,5%. Tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư tiếp tục khiến chỉ số sản xuất ngành này giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngành chỉ bước đầu phục hồi kể từ sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, “mở cửa kinh tế”. Nhờ vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2020 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Hiện các DN trong ngành đang nỗ lực cho kế hoạch sản xuất hàng Tết mặc dù chi phí sản xuất, nguyên liệu đầu vào vẫn không ngửng tăng lên.
Các sản phẩm của doanh nghiệp TP.HCM trưng bày tại triển lãm sản phẩm ngành lương thực, thực phẩm |
Trong nước, xu hướng tiêu dùng đã thay đổi đáng kể theo sự phát triển của công nghệ. Theo TS. Huỳnh Thanh Điền - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, người tiêu dùng ưa chuộng và tăng dùng thực phẩm có nguồn gốc thực vật, hữu cơ có đóng gói bao bì hiện đại, tiện dụng. Đáp ứng nhu cầu này, các DN cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp kiểm soát chất lượng từ xa, kết nối và tăng tương tác với khách hàng cả trong quá trình sản xuất và giao thương.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển bền vững TP.HCM - IRSH cho rằng, vẫn còn nhiều cơ hội cho DN ngành lương thực, thực phẩm phục hồi và tăng trưởng trong thời gian tới. Những cơ hội đó đến từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), từ những hỗ trợ từ Chính phủ và chính sự nỗ lực từ nội tại DN.
Hiện Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của thế giới. Việt Nam cũng xác định việc phát triển ngành lương thực, thực phẩm dựa trên nguyên tắc bền vững, hiện đại và an toàn. Nền tảng phát triển bền vững ngành lương thực, thực phẩm dựa trên các điều kiện khung như chiến lược của nhà nước, tận dụng tối đa cơ hội đến từ các FTA và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như sự phát triển của các DN.
“Tuyển chọn và xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng phù hợp thời đại kinh tế số, song song với việc định hình lại cách đánh giá hiệu quả tài chính dự án đổi mới, lựa chọn chiến lược kinh doanh phù hợp là chìa khóa giúp DN thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó, DN cần xây dựng hệ thống quản lý rủi ro thông minh, dễ hiểu, dễ tiếp cận để có thể dễ dàng ứng phó với các tình huống phát sinh, tránh bị động”, TS. Huỳnh Thanh Điền nói.
Nhưng để DN lương thực thực phẩm phát triển vững chắc trong tương lai, các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần thể chế hóa bộ khung pháp lý DN trong điều kiện mới, đầu tư phát triển hạ tầng hiện đại bền vững, còn DN phải đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghệ thông minh, xây dựng DN theo tiêu chuẩn mỗi DN là một “tế bào kinh tế” thông minh, hiệu quả song song với việc thiết lập chuỗi sản xuất kinh doanh lương thực, thực phẩm bền vững.