Nhật ký Đặng Thùy Trâm và những cuộc gặp gỡ

CUNG KỲ| 15/04/2009 08:14

Frederic Whitehurst (còn gọi là Fred, người đã giữ lại cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm) cùng Ted Engelmann (nhà nhiếp ảnh, cựu chiến binh Mỹ tại VN, từng đến VN để thực hiện các dự án về ảnh chiến tranh) vừa trở lại Hà Nội thăm gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Nhật ký Đặng Thùy Trâm và những cuộc gặp gỡ

Frederic Whitehurst (còn gọi là Fred, người đã giữ lại cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm) cùng Ted Engelmann (nhà nhiếp ảnh, cựu chiến binh Mỹ tại VN, từng đến VN để thực hiện các dự án về ảnh chiến tranh) vừa trở lại Hà Nội thăm gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Qua Ted, cửa hiệu sách Bookworm (Yên Thế, Hà Nội) đã mời Fred đến trò chuyện với độc giả nhân dịp bản dịch tiếng Anh Last Night I Dreamed of Peace (Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình) của Andrew Pham được nhiều bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận.

Fred kể về cơ duyên đưa anh đến với hai cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm. Lúc đó, anh là một sĩ quan tình báo Mỹ tham chiến ở Đức Phổ, Quảng Ngãi từ năm 1969-1971. Là người của FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ), anh có nhiệm vụ thu thập các thông tin, tài liệu có giá trị quân sự để phân tích tình hình, truy tìm dấu tích quân Giải phóng, định hướng tập kích hay càn quét... nên tận mắt chứng kiến những mất mát khủng khiếp của cả hai phía VN và Mỹ.

Trong một trận tập kích vào bệnh viện nơi chị Thùy Trâm phụ trách (trước đó, chị Thùy Trâm và các đồng đội đã đưa thương binh đi khỏi), Fred cùng với thông dịch viên Nguyễn Trung Hiếu đang chọn lọc các tài liệu có giá trị quân sự, số còn lại vứt vào lửa để thiêu hủy thì thượng sĩ Nguyễn Trung Hiếu đưa đến cuốn sổ và nói: “Fred, đừng đốt cuốn sổ này. Bản thân trong nó đã có lửa rồi”. Vẻ xúc động của Nguyễn Trung Hiếu khiến Fred quyết dịnh giữ lại cuốn sổ.

Năm 1972, Fred về Mỹ mang theo hai cuốn nhật ký cùng hơn 50 tấm ảnh chụp những người dân Quảng Ngãi trong chiếc máy ảnh Canon bị bắn thủng lấy trên xác một phóng viên Việt Cộng (sau này được xác định là của liệt sĩ, nhà quay phim Nguyễn Văn Giá) và chiếc đục nhỏ bên xác một người thợ mộc già.

Fred xúc động nói: “Tôi đã lưu cuốn nhật ký vào 24 đĩa CD và giới thiệu tại cuộc hội thảo ở Trung tâm Việt Nam (TTVN). Ted ủng hộ tôi đến với cuộc hội thảo này và anh hứa sẽ sang VN tìm giúp địa chỉ gia đình chị Trâm. Mặc dù tin rằng, Ted sang VN có thể tìm ra manh mối nhưng tôi vẫn hồi hộp và không nghĩ số phận cuốn nhật ký lại có kết thúc có hậu như bây giờ.

Fred ký lưu niệm vào bản dịch cuốn nhật ký và giao lưu với độc giả sau buổi trò chuyện

Tôi thật bất ngờ khi chỉ sau 33 ngày Ted sang VN, tôi nhận được điện của Ted nói rằng đã tìm thấy gia đình Thùy Trâm. Khỏi phải nói về niềm vui của chúng tôi lúc đó. Thế rồi chúng tôi cứ thư đi, thư lại. Chưa gặp mẹ và những thành viên trong gia đình mà tôi cảm giác mình như người trong nhà. Có lẽ cuốn nhật ký của Thùy Trâm ở bên cạnh tôi ngần ấy năm khiến tôi có cảm giác đó”.

Tại buổi giao lưu, một độc giả nước ngoài hỏi ông, vì sao ông quyết định đưa cuốn nhật ký đến lưu trữ ở Trung tâm Việt Nam (TTVN) thuộc Đại học Công nghệ Texas mà không phải là bảo tàng nổi tiếng hay một nơi nào khác? Ông có được lợi ích kinh tế từ việc này không?

Fred giải thích: “Tôi không có mục đích kinh tế nào cả. TTVN là nơi thu thập các tư liệu từ nhiều nguồn liên quan đến cuộc chiến tranh VN và cung cấp một cách tự do, rộng mở cho những cá nhân, tổ chức có yêu cầu tham khảo. Sau gần 20 năm phát triển, TTVN đã trở thành một trong những địa chỉ nghiên cứu lịch sử và giao lưu danh tiếng trên thế giới. Đó là lý do tôi tin tưởng gửi gắm cuốn nhật ký của chị Thùy Trâm”.

Bên lề cuộc gặp, nhắc đến chương trình Sưu tầm kỷ vật kháng chiến phát trên VTV cách đây chưa lâu, tại đó, bố của liệt sĩ Nguyễn Văn Bối cho biết, vì đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm mà gia đình ông tìm được mộ con trai sau gần 40 năm, chị Đặng Kim Trâm - em gái của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - kể:

- “Ngôi mộ vô danh này cách mộ chị Thùy Trâm khoảng vài trăm mét. Mỗi lần đến viếng mộ chị Thùy Trâm, chúng tôi đều thắp hương cho cả ngôi mộ này và có linh cảm người nằm dưới mộ là người chị Thùy Trâm đã nhắc đến trong nhật ký. Không lâu sau khi cuốn nhật ký ra đời, gia đình liệt sĩ đã liên hệ với chúng tôi.

- Chúng tôi gửi thông tin về liệt sĩ đến anh Robert, anh trai của Fred - cũng là cựu binh Mỹ ở VN. Vì công tác lưu trữ tài liệu chiến trường của người Mỹ rất cẩn thận nên qua báo cáo quân sự và các giấy tờ liên quan, xác định được chính xác ngôi mộ đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Bối. Khi bốc mộ, trong một thoáng, thi thể liệt sĩ vẫn còn nguyên vẹn, sau đó mới tan chảy”.

Chị Kim Trâm cho biết thêm, trong kho Lưu trữ quốc gia của Mỹ ở Washington còn có cả phim chụp phong bì thư mẹ chị gửi cho chị Thùy Trâm cùng nhiều sổ tay ghi chép công tác của chị ấy nữa. Lần ba mẹ con chị đến Mỹ để thăm gia đình Fred và gặp ông Nguyễn Trung Hiếu, ai nấy đều xúc động khi xem những dòng chữ thân thương của chị Thùy Trâm. “Rất nhiều những chuyện bất ngờ. Có việc như có linh tính mách bảo”, chị Kim Trâm thốt lên.

Người bác sĩ quân y phụ trách bệnh xá huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi để lại cuốn nhật ký nổi tiếng thể hiện trung thực cuộc chiến đấu gian khổ ác liệt ở chiến trường, được hàng triệu người VN và người nước ngoài khâm phục. Chị đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Phong trào thi đua học tập gương liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm được phát động từ cuối năm 2005 đến nay. Đó cũng là cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa giữa lý tưởng cách mạng của tuổi trẻ VN trong những ngày chống Mỹ và tuổi trẻ xây dựng đất nước hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhật ký Đặng Thùy Trâm và những cuộc gặp gỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO