Doanh nghiệp FDI đã đăng ký ngành nghề bán buôn và bán lẻ xe ô tô ngoại nhập không hiển nhiên có quyền nhập khẩu và bán ô tô mới.
Để thực hiện quyền nhập khẩu, Doanh nghiệp FDI cần làm thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động thực hiện quyền nhập khẩu xe ô tô mới trong Giấy chứng nhận đầu tư.
Để tiến hành hoạt động bán lẻ ô tô nhập khẩu, Doanh nghiệp FDI phải được cấp phép lập cơ sở bán lẻ. Ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất, tùy vào nhu cầu kinh tế của địa phương như: số lượng các cơ sở bán lẻ, sự ổn định của thị trường, mật độ dân cư… mà doanh nghiệp FDI còn có thể thành lập cơ sở bán lẻ khác theo thủ tục được pháp luật quy định.
Khó khăn trong thủ tục nhập khẩu ô tô
Đối với ô tô mới, nguyên chiếc trên 9 chỗ, làm thủ tục nhập khẩu thông thường.
Đối với ô tô từ 9 chỗ trở xuống, ngoài tiến hành làm thủ tục nhập khẩu như ô tô trên 9 chỗ, nhà đầu tư nước ngoài cần thêm Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền để xác nhận là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó; và Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.
Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là: Hợp đồng đại lý, hợp đồng phân phối ký giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài sở hữu nhãn hiệu hàng hóa đó hoặc giấy ủy quyền, giấy chỉ định do hãng sản xuất, hãng sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu hàng hóa cấp cho thương nhân Việt Nam.
Quy định vừa nêu trên được xem là một sự giới hạn cho hoạt động kinh doanh của những nhà nhập khẩu xe ô tô. Bởi lẽ việc có được hợp đồng đại lý với nhà sản xuất ô tô nước ngoài không dễ dàng. Mỗi nhà sản xuất sẽ có những điều kiện và tiêu chuẩn riêng khắt khe trong việc lựa chọn đại lý, nhà phân phối của mình ở nước ngoài. Hơn nữa, tùy theo từng chính sách của nhà sản xuất mà số lượng đại lý, phân phối ở từng quốc gia sẽ bị giới hạn.
Những thay đổi về thuế suất trong năm 2016
Theo Thông tư 165/2014/TT-BTC (Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN Giai Đoạn 2015 - 2018) thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN giảm từ 50% năm 2015 xuống còn 40% kể từ ngày 1/1/2016; giảm xuống 30% kể từ ngày 1/1/2017.
Tuy nhiên, Nghị định 108/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2016 đã gây hoang mang cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô với việc thay đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 24 chỗ. Theo đó, trường hợp cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 24 chỗ bán hàng cho các cơ sở kinh doanh thương mại thì đối với cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ, giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở nhập khẩu nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu. Giá vốn xe nhập khẩu bao gồm: Giá tính thuế nhập khẩu cộng (+) thuế nhập khẩu (nếu có) cộng (+) thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu nhập khẩu. Trường hợp giá bán của cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Sự thay đổi này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp FDI. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt doanh nghiệp phải đóng sẽ tăng lên, do đó bắt buộc phải tăng giá bán để đảm bảo lợi nhuận.
Nguồn đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực ô tô trở nên kém sôi động khi sự bất ổn về chính sách thuế vẫn chưa dừng lại. Điển hình là Dự thảo thay đổi mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt áp đặt trên từng dòng xe theo dung tích xi-lanh đang được thảo luận. Theo đó, thuế suất tiêu thụ đặc biệt đự định sẽ tăng mạnh ở những xe có dung tích xi-lanh 2 lít trở lên. Mức thuế suất mới bất lợi cho xe nhập khẩu vì xe nhập khẩu thường có dung tích từ 2 lít trở lên. Còn hầu hết các hãng lắp ráp chú trọng vào phân khúc xe nhỏ và vừa với động cơ dưới 2 lít nên mức thuế suất như vậy sẽ có lợi cho xe lắp ráp.
>Tăng thuế nhập khẩu ô tô: Doanh nghiệp cần thời gian thích ứng
>Năm 2016, ô tô nhập khẩu khẩu bước vào "cơn bão" tăng giá
>Doanh số bán ô tô giảm 49% trong tháng 2/2016