Nếu trái đất nóng lên thêm 2ºC, than đá và những nguồn nhiên liệu hoá thạch khác sẽ là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất |
Đây là kết luận được hãng thông tấn Bloomberg trích dẫn từ báo cáo nghiên cứu của công ty tư vấn nguồn nhân lực và đầu tư Mercer. Nghiên cứu viễn cảnh trái đất tăng thêm 2ºC, 3ºC và 4ºC do hiện tượng nóng lên toàn cầu, Mercer đã đưa ra các dự báo tài chính tương ứng với từng trường hợp cho đến năm 2100.
Nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu không vượt quá 2ºC, than đá và những nguồn nhiên liệu hoá thạch khác sẽ là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất, khi các quốc gia trên thế giới chuyển dần sang sử dụng những nguồn năng lượng thân thiện hơn với môi trường. Nếu nhiệt độ tăng mạnh hơn, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ bao gồm công nghiệp và nông nghiệp.
“Các cá nhân sở hữu tài sản nên cân nhắc đến yếu tố biến đổi khí hậu trong từng một giai đoạn của quá trình đầu tư, từ quan niệm, chiến lược cho tới quyết định phân chia danh mục”, Deb Clarke - giám đốc nghiên cứu đầu tư toàn cầu của Mercer - cho biết.
Đây là cảnh báo mới nhất về những rủi ro tài chính và vật chất có thể xảy ra bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu. Và, trong khi một số chiến lược gia về đầu tư cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ mang đến cơ hội; số khác đã lên tiếng cảnh báo về những thiệt hại vật chất, xã hội cho toàn bộ nền kinh tế mà hiện tượng này gây ra.
Trong một báo cáo công bố hồi đầu năm, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết, sự kiện thời tiết cực đoan là rủi ro nguy hiểm số một trong năm nay. Cùng thời gian đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo, biến đổi khí hậu sẽ gây tổn thất cho nền an ninh Hoa Kỳ, khi mực nước biển dâng làm tăng nguy cơ lũ lụt đối với các căn cứ quân sự trên biển và những cơn hoả hoạn do hạn hán gây nguy hiểm cho cảc căn cứ tại đất liền.
Theo nghiên cứu, nếu trái đất nóng thêm 2ºC, than đá, dầu mỏ, khí đốt và các nguồn nhiên liệu được sử dụng để sản xuất điện năng sẽ chịu tổn thất nghiêm trọng, từ nay cho đến năm 2030. Và, những thiệt hại này có thể sẽ được bù đắp bằng lợi nhuận cao hơn đến từ các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Ngoài khu vực năng lượng, thiệt hại từ những sự kiện thời tiết cực đoan sẽ gây ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận cho hầu hết các khu vực khác của nền kinh tế, từ nay đến năm 2030, bao gồm tài chính, nông nghiệp, công nghiệp và hàng tiêu dùng.
“Với viễn cảnh trái đất nóng thêm 2ºC, quan điểm chung của chúng tôi là tác động tổng thể đến GDP không đáng kể”, ông Steven Sowden - một trong số các tác giả của báo cáo cho biết.
Và, phần lớn khu vực năng lượng sẽ tránh khỏi những tổn thất đáng kể từ tình trạng trái đất nóng thêm 3ºC, ngoại trừ than đá. Tuy nhiên, thiệt hại từ những sự kiện thời tiết cực đoan sẽ gây ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận cho hầu hết các khu vực khác, từ nay đến năm 2030, bao gồm tài chính, nông nghiệp, công nghiệp và hàng tiêu dùng.
Những thiệt hại này sẽ bắt đầu tăng tốc vào năm 2050. Đối với phần lớn khu vực, ảnh hưởng của viễn cảnh trái đất nóng thêm 4ºC có thể sẽ còn trầm trọng hơn nhiều.
Mercer cho biết, dự báo của mình cho thấy, hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ làm nền kinh tế suy thoái và gia tăng áp lực lên lãi suất. Trong khi phần lớn trái phiếu chính phủ thuộc các nước đã phát triển có thể hưởng lợi từ nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn để chống lại rủi ro khí hậu, trái phiếu Úc và New Zealand sẽ khá nhạy cảm với những thiệt hại về mặt vật chất gây ra bởi nhiều sự kiện thời tiết cực đoan và tình trạng tài nguyên khan hiếm.
Đồng thời, theo ông Sowden, bất động sản toàn cầu cũng sẽ chịu lỗ ròng. Mực nước biển dâng cao và những cơn bão dữ dội hơn nhiều khả năng sẽ thúc đẩy cho làn sóng di dân vào đất liền, làm tăng giá trị của những khu vực còn thưa thớt người ở. Tuy nhiên, những lợi ích đó sẽ hoàn toàn bị triệt tiêu khi bất động sản ven biển giảm giá trị, và thậm chí có thể mất hoàn toàn.
“Đây đều là những viễn cảnh tiêu cực đối với tăng trưởng toàn cầu, và chúng không thực sự tốt cho bất cứ ai”, ông Sowden nói. Và, chỉ một số ít khu vực của nền kinh tế có khả năng hưởng lợi từ kịch bản trái đất nóng lên quá 2ºC, đơn cử như cơ sở hạ tầng giảm nhẹ thiên tai.
Do đó, Mercer đề xuất chính phủ các nước cần tuân thủ những nguyên tắc của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu 2015; còn nhà đầu tư nên tăng lượng nắm giữ các cơ sở hạ tầng bền vững và tài sản liên quan đến năng lượng tái tạo để có thể tận dụng sự thay đổi nhiệt độ này.
Khi những cảnh báo tăng lên, một số nhà quản lý quỹ đã chậm chạp trong việc cân nhắc đến các nguy cơ của hiện tượng nóng lên toàn cầu khi đưa ra quyết định, Sowden nói. Tuy nhiên, khi biến đổi khí hậu tiếp tục phát triển, giá cả tài sản có thể nhanh chóng thay đổi để phản ánh rủi ro - điều mà Sowden cho rằng có thể sẽ xảy ra trong vòng 5 năm tới.