Nhà đầu tư chứng khoán cần có tầm nhìn dài hạn

Hồng Nga| 27/05/2022 04:20

Liên tục trong hai tháng qua, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh nhưng vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Nếu xem đây là kênh đầu tư nghiêm túc, các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp luôn có tầm nhìn dài hạn.

Nhà đầu tư chứng khoán cần có tầm nhìn dài hạn

Nhà đầu tư nên xem chứng khoán là kênh đầu tư nghiêm túc và dài hạn

Thị trường chứng khoán Việt vẫn hấp dẫn khối ngoại

Số lượng đông nhưng đa số nhà đầu tư chứng khoán trong nước đều là những người không có kiến thức tài chính. Nhiều nhà đầu tư trong nước chỉ biết “3 chữ cái” (mã chứng khoán) mà không rành doanh nghiệp (DN) đó sản xuất cái gì, đang hoạt động ra sao… và chủ yếu “xuống tiền” theo tiếng gọi của “tổ lái”, “tay to”, thậm chí là lời thì thầm của người hàng xóm. Khi thị trường nóng, đang tăng trưởng thì những nhà đầu tư trong nước đổ xô mua, còn khi thị trường rung lắc, suy giảm thì rút vội ra, càng làm thị trường chao đảo, phản ánh tính chất không chuyên nghiệp.

Nhìn về phía ngược lại, bà Nguyễn Hoài Thu - Thành viên HĐQT, Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư Chứng khoán đại chúng và trái phiếu Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital nhận định: Đa số nhà đầu tư nước ngoài có tầm nhìn, mục tiêu đầu tư chứng khoán dài hạn. Họ lạc quan, tin tưởng vào sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt với yếu tố hấp dẫn đến từ nền kinh tế đã và đang tăng trưởng ổn định.

Cụ thể, trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng khoảng 6,8%/năm trong 10 năm. Sau dịch, dự báo kinh tế tăng trưởng 6,5%/năm trong nhiều năm tới. Sự phát triển kinh tế diễn ra trong bối cảnh ổn định lãi suất, lạm phát được kiểm soát tốt, cán cân thương mại dương, dự trữ ngoại hối tốt, lợi nhuận của DN niêm yết trong dịch rất hấp dẫn so với khu vực và thị trường khác và dự báo tăng trưởng 15%-20% trong những năm tới..

"Tính từ đầu tháng 4/2022, là thời điểm thị trường bắt đầu giảm, khối ngoại đã mua ròng 170 triệu USD, chứng tỏ họ đánh giá thị trường chứng khoán Việt lúc này đang rẻ. Hiện hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu (P/E) của thị trường đang hấp dẫn - ở vùng 10,6 lần, thấp hơn trung bình 5 năm. Bloomberg dự báo mức lợi nhuận DN Việt tăng trưởng 18%-19%, thị trường đang ở vùng định giá hấp dẫn",  bà Hoài Thu nói thêm. 

chung-khoan-8511-1653542270.jpg

Thị trường chứng khoán Việt vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại

Nhà đầu tư chứng khoán cần có tầm nhìn dài hạn

Thị trường chứng khoán sau khi phát triển mạnh trong năm ngoái, từ đầu năm đến nay đã biến động mạnh. Đặc biệt, sau đợt giảm mạnh trong khoảng 2 tháng qua, vốn hóa thị trường bốc hơi khoảng 50 tỷ USD.

Đánh giá về sự sụt giảm của thị trường chứng khoán vừa qua, PGS - TS Nguyễn Văn Trình - chuyên gia kinh tế, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Võ Trường Toản cho rằng, biến động của thị trường có nguyên nhân khách quan và chủ quan, vĩ mô và vi mô. Cụ thể, chứng khoán thế giới, nhất là chứng khoán Mỹ có những phiên sụt giảm mạnh, Dow Jones mất trên 1.000 điểm do FED liên tục tăng lãi suất đồng USD khiến tâm lý nhà đầu tư Mỹ bán tháo. Điều này cũng tác động tới Việt Nam vì nền kinh tế chúng ta có độ mở lớn.  

Bên cạnh đó, thị trường sụt giảm còn do nhà đầu tư lo ngại lạm phát khi tiền từ các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đẩy ra ồ ạt. Nguồn cung tiền cao sẽ đẩy giá cả tăng vọt, đồng thời do ảnh hưởng của xung đột địa chính trị Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu tăng mạnh, đứt gãy chuỗi cung ứng… Bên cạnh đó, việc tìm những biện pháp để ngăn ngừa, kiểm soát lạm phát cũng gây ra bất ổn trên thị trường.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Phân tích khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam lại cho rằng, đây là chu kỳ của thị trường. Từ năm 2013 đến nay là chu kỳ lạm phát dưới 5% và cứ 2 năm tăng nóng thì sẽ có 1 năm sụt giảm cả về chỉ số và thanh khoản. Tính chu kỳ đang lập lại trên thị trường vào năm 2022. 

Cũng theo ông Nguyễn Thế Minh, phải đánh giá lại chất lượng hàng hóa niêm yết. Quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện khoảng 220 tỷ USD vốn hóa và có 1.700 mã trên cả 3 sàn. Chất lượng hàng hóa thật sự đang đi theo số lượng hơn là chất lượng, ảnh hưởng đến việc nâng hạng thị trường. Do đó, Việt Nam cần nâng chất lượng thị trường để nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Trong buổi tọa đàm về "Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 25/5, các diễn giả, khách mời đều cho rằng các nhà đầu tư trong nước nên xem thị trường chứng khoán là kênh đầu tư nghiêm túc và có tầm nhìn dài hạn. Chứng khoán giảm sốc thời gian qua một phần do các chính sách lành mạnh hóa thị trường. Việc xử lý minh bạch của Chính phủ sẽ giúp thị trường tăng bền vững trong dài hạn. Vì vậy, nhà đầu tư cần có tầm nhìn ít nhất 12 tháng, còn ngắn quá khi thị trường "sập" sẽ hoảng loạn. 

Cuối cùng, như chia sẻ của ông Phan Quốc Bửu - Giám đốc phân tích Ngành BSC khu vực phía Nam, Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu Tư và Phát triển Việt Nam (BSC): Xét về định giá thị trường, PE của năm 2022 đang ở mức 10-11 lần, là mức rất hấp dẫn, đã thu hút khối ngoại quay lại mua ròng 180-200 triệu USD trong thời gian qua. Do đó, thị trường chứng khoán sẽ đi lên trong dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà đầu tư chứng khoán cần có tầm nhìn dài hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO