Xoay xở tứ bề

VŨ HOÀNG| 15/04/2010 03:47

Tính từ đầu năm tới nay, mặt bằng lãi suất ngân hàng tăng cao khiến không ít nhà đầu tư bất động sản phải “chùn tay” trước những dự án mới.

Xoay xở tứ bề

Tính từ đầu năm tới nay, mặt bằng lãi suất ngân hàng (NH) tăng cao khiến không ít nhà đầu tư bất động sản phải “chùn tay” trước những dự án mới. Thậm chí nhiều dự án, chủ đầu tư phải công bố dãn tiến độ. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp (DN) tự xoay vốn bằng cách phát hành trái phiếu, hoặc ráo riết niêm yết trên sàn chứng khoán, chứ không dám gõ cửa NH.

Khó xoay vốn ngân hàng

Có thể nói, đối với giới đầu tư, chẳng ai dại gì đầu tư vào bất động sản trong thời điểm khó khăn hiện nay. Bởi vì, trên thực tế, với lãi suất ngắn hạn và dài hạn lên đến quanh mức 16 -18% (mức lãi suất NH công bố), phần lớn các DN đều chào thua, nhất là đối với các DN kinh doanh bất động sản.

Nhiều chủ đầu tư phải giãn tiến độ dự án vì thiếu vốn - Ảnh Quý Hòa

Thậm chí, một số chủ đầu tư cho biết, với tình hình khó khăn như hiện nay, các công ty đã họp và đi đến quyết định sẽ giãn tiến độ dự án. Thời làm ăn phát đạt nhất của thị trường bất động sản, nhà đầu tư cũng chỉ có thể thu lợi nhuận khoảng 30%. Còn thị trường đóng băng như hiện nay thì vay vốn NH để đầu tư là không phù hợp. Thực tế, thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay chỉ có phân khúc nhà giá thấp, phù hợp với những người mua để ở thì còn có giao dịch. Các thị phần khác giao dịch rất ảm đạm.

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), thừa nhận, lãi suất NH hiện nay quá cao làm cho chi phí đầu vào đội lên rất nhiều. Thêm vào đó, thời gian gần đây, giá thép cũng tăng đột biến, hiện nay đã 15.000 -16.000 đồng/kg, mức tăng xấp xỉ 30%. Trước tình hình này, các chủ đầu tư buộc phải ngừng hoặc giãn tiến độ để thăm dò tình hình rồi mới quyết định sẽ làm gì tiếp theo.

Tương tự, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch HĐQT Sacomreal cũng nói rằng, hầu hết các công ty đều hy vọng trong vòng một quý tới lãi suất sẽ hạ. Trước mắt, giải pháp của Sacomreal là sẽ điều chỉnh giá bán và phương thức thanh toán sao cho thuận lợi nhất cho khách hàng. Vấn đề lợi nhuận trong kinh doanh bây giờ đặt ở vị trí thứ yếu chứ không còn như trước đây là ở hàng đầu, giảm giá đi một ít để bán được hàng.

Trông đợi vốn từ sàn

Chính những khó khăn trên lý giải vì sao trong mùa họp đại hội đồng cổ đông năm nay, khá nhiều DN kinh doanh, phát triển bất động sản đã chuẩn bị kế hoạch lên sàn giao dịch chứng khoán dù rằng thị trường này vẫn chưa thực sự sáng sủa. Nhiều DN cho rằng, lên sàn sẽ giúp dễ dàng giới thiệu các dự án của mình tới nhà đầu tư, cũng như nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng và Bất động sản Thái Bình Dương (PPI) dự kiến đưa hơn 10 triệu cổ phiếu lên Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM vào ngày 12/4. Ông Phan Anh Dũng, Phó tổng giám đốc PPI, cho biết, lên sàn giao dịch, ngoài việc tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu, sẽ giúp Công ty dễ dàng huy động vốn cần thiết để thực hiện các dự án. Ngoài ra, đây cũng là một kênh tiếp thị các dự án tới nhà đầu tư tiềm năng.

Tương tự, cổ đông của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland) đã thông qua kế hoạch sẽ niêm yết 100 triệu cổ phiếu vào cuối tháng 5. Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Công ty Ben Thanh Land, cho biết, công ty này sẽ niêm yết vào giữa tháng 5. Ông Trí cho rằng, các DN địa ốc đã phải cầm cự thời gian khá dài vì thị trường trầm lắng và việc lên sàn giao dịch chứng khoán sẽ giúp các DN tiếp cận nguồn vốn để thực hiện dự án. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà đất (Cotecland) cũng đang có kế hoạch sẽ lên sàn giao dịch chứng khoán trong quý II năm nay...

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, bên cạnh vốn tự có, vay NH và phát hành trái phiếu, việc các DN lên sàn là một cách xoay xở tìm nguồn vốn để thực hiện các dự án. Song ông Châu cũng cho rằng việc lên sàn sẽ tạo ra nhiều áp lực về cổ tức, chỉ tiêu tăng trưởng, và hơn nữa việc lên sàn chỉ hiệu quả đối với các DN có quỹ đất, có dự án, có tiềm năng phát triển mạnh mới đủ sức thu hút nhà đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xoay xở tứ bề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO