Thận trọng với các dự án bất động sản tỷ USD

TUỆ ANH| 08/09/2018 06:42

Từ đầu năm đến nay, một số tỉnh thành trên cả nước đã nhận được hồ sơ đề nghị cấp phép cho những dự án bất động sản có giá trị hàng tỷ USD.

Thận trọng với các dự án bất động sản tỷ USD

Trong khi các địa phương đặt nhiều hy vọng về những công trình “để đời” như tòa tháp cao nhất, cảng biển lớn nhất, siêu đô thị lấn biển… thì nhiều chuyên gia lại tỏ ý lo lắng: Không ít chủ đầu tư khi làm thủ tục đầu tư dự án đã vẽ ra điểm nhấn, độc đáo để làm hài lòng địa phương với mong muốn được cấp đất nhiều và dễ dàng.

Đầu tháng 5/2018, UBND TP. Hà Nội đã nhận được hồ sơ đề nghị thực hiện dự án đầu tư thành phố thông minh của các nhà đầu tư Việt Nam – Nhật Bản. Theo đề xuất, dự án có quy mô 271,82ha. Số vốn đầu tư đăng ký dự án tương đương 4,138 tỷ USD. Trong đó, vốn góp để thực hiện dự án là 625,4 triệu USD, nhà đầu tư Nhật góp 50%, còn lại là các nhà đầu tư Việt Nam.

Link bài viết

Sau đó không lâu, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng phân khu B8 thuộc dự án Con đường di sản tại huyện Vân Đồn do Công ty CP Vân Đồn Heritage Road làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô hơn 3.300ha, trong đó điểm nhấn là tòa tháp hỗn hợp cao 88 tầng.

Một dự án khác có giá trị lên tới 8 tỷ USD là dự án đảo Hoa Sen tại Đà Nẵng với tham vọng lấn biển tạo ra khu đô thị giống như Qatar thu nhỏ. Dự án này do nhóm các nhà đầu tư gồm Tập đoàn Pavilion (Malaysia), Quỹ Bamboo Capital và Công ty CP Lương thực Đà Nẵng đề xuất với ý định lấn vịnh Đà Nẵng để thực hiện.

Trước thông tin về các dự án đầy tham vọng trên, nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự e ngại về năng lực triển khai của các nhà đầu tư. Cụ thể, dự án đảo Hoa Sen dù liên danh với quỹ đầu tư và nhà thầu thi công ngoại, tuy nhiên Công ty CP Lương thực Đà Nẵng có ngành nghề kinh doanh chính là xuất nhập khẩu lương thực, buôn bán gạo chưa có kinh nghiệm phát triển dự án bất động sản.

Còn trong dự án Con đường di sản tại Quảng Ninh với tòa tháp 88 tầng cao nhất Việt Nam, người đại diện theo pháp luật của Công ty Heritage Holdings là ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐQT. Ông Chi nguyên là Chủ tịch HĐQT của Công ty RIT, chủ đầu tư dự án Nàng tiên cá – Rusalka tại Nha Trang. Giữa năm 2005, khi dự án đang triển khai thì ông Nguyễn Đức Chi bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt tạm giam về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ra tòa, ông Chi chịu án 5 năm 6 tháng tù về các tội sử dụng trái phép tài sản và làm giả tài liệu.

Thời điểm đó, Bộ Kế hoạch – Đầu tư ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án Rusalka, thu hồi giấy phép đầu tư của Công ty RIT, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án này.

Hơn 10 năm qua, trên cả nước có tới hàng ngàn dự án bỏ hoang, chậm triển khai – hậu quả của việc bỏ qua bước thẩm định năng lực của chủ đầu tư để cấp đất ồ ạt. Khi quỹ đất ngày càng ít và việc thu hồi lại các dự án bỏ hoang còn rất khó khăn, sự thận trọng, minh bạch trong quy trình thẩm định các dự án nhiều yếu tố “táo bạo” lại càng vô cùng cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thận trọng với các dự án bất động sản tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO