“Kiện từ nóc đến móng”

QUỲNH CHI| 30/09/2011 09:16

Ngỡ rằng bỏ tiền tỷ ra mua những căn hộ cao cấp của chủ đầu tư có thương hiệu uy tín nhưng nhiều cư dân “lỡ mua” đã phải thất vọng khi nhận căn hộ. Điều đó giải thích vì sao thời gian gần đây liên tiếp có những vụ kiện tụng xảy ra khiến thương hiệu của chủ đầu tư phần nào bị “nhạt nhòa” trong mắt khách hàng.

“Kiện từ nóc đến móng”

Ngỡ rằng bỏ tiền tỷ ra mua những căn hộ cao cấp của chủ đầu tư có thương hiệu uy tín nhưng nhiều cư dân “lỡ mua” đã phải thất vọng khi nhận căn hộ. Điều đó giải thích vì sao thời gian gần đây liên tiếp có những vụ kiện tụng xảy ra khiến thương hiệu của chủ đầu tư phần nào bị “nhạt nhòa” trong mắt khách hàng.

Cư dân nổi giận

Chung cư Quốc Cường - Gia Lai 1 lại phát sinh các tranh chấp. Ảnh: Hồng Thái

Không phải đến bây giờ báo chí mới nói về nỗi khổ của các cư dân sống trong những căn hộ cao cấp. Bởi lẽ, rất nhiều sự cố đã xảy ra tại những căn hộ được gắn mác cao cấp này mà chủ đầu tư ngó lơ, mặc cho chủ nhà giải quyết, bực bội vì phải bỏ hàng đống tiền mua mua một căn hộ “cao tầng” thay vì cao cấp.

Sau một thời gian im ắng, nay tranh chấp phát sinh giữa Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Quốc Cường và cư dân của chung cư Quốc Cường Gia Lai 1 (421 Trần Xuân Soạn, P. Tân Kiểng, Q.7, TP.HCM) một lần nữa khiến sự việc bị đẩy lên đến đỉnh điểm.

Theo lời của một số cư dân sống tại chung cư thì sự việc tranh chấp đã xảy ra từ vài tháng nay, nhưng do Quốc Cường luôn tỏ thái độ phớt lờ khiến “giọt nước tràn ly” và đồng loạt các chủ hộ đang sinh sống tại chung cư đã nộp đơn kiện chủ đầu tư ra tòa.

Theo chị Vương Tuyết Linh (chủ hộ A1802) thì sự việc tranh chấp giữa 2 đối tượng này đang xoay quanh 3 vấn đề: phí quản lý chung cư được áp đặt một cách vô lý, lãi phạt giao chậm căn hộ và chất lượng của chung cư.

Trong ba sự việc trên, ngoài những vấn đề cá nhân thường gặp ở các chung cư (chất lượng, phí dịch vụ...), nổi cộm nhất là vấn đề lãi phạt trả chậm căn hộ. Trường hợp của Anh Trần Ngọc Hân (chủ hộ căn A801) là một ví dụ.

Anh Hân nói rằng, chủ đầu tư chậm bàn giao nhà so với thời gian cam kết trên hợp đồng nhưng không chịu phạt như thỏa thuận trong hợp đồng (nếu người mua căn hộ nộp tiền chậm tiến độ thì phải đóng phạt 0,05%/ngày/số tiền nộp trễ 1,5%/tháng, chủ đầu tư cũng chịu phạt tương tự nếu giao nhà trễ).

Cụ thể, theo cam kết, chủ đầu tư phải giao nhà trong khoảng tháng 7 - 9/2009 nhưng đến tháng 4/2011 mới giao nhà nhưng không thanh toán tiền phạt mà lại áp dụng Luật Thương mại để chỉ đền bù không quá 8%/nghĩa vụ vi phạm. Theo đó, với số tiền góp hơn 1,8 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT), nếu tính theo số phạt thông thường, công ty sẽ phải trả cho anh hơn 328 triệu đồng.

Nhưng nếu tính theo lãi phạt 8% mà công ty đưa ra thì số tiền phạt giao nhà chậm mà anh được nhận chỉ còn hơn 130 triệu đồng. Sự vô lý đó được bà Cao Băng Ngọc (chủ hộ A301) bổ sung: trong quá trình góp vốn (trên 1,8 tỷ đồng), bà đã bị “phạt” 1,7 triệu đồng cho 35 ngày chậm nộp tiền.

Trong khi đó, công ty lại chậm giao nhà cho bà 18 tháng 18 ngày, tính ra số tiền lãi công ty phải trả lên tới 530 triệu đồng. Thế nhưng đến nay, công ty chỉ đề nghị hỗ trợ 80 triệu đồng.

Ngoài 2 trường hợp, còn đến 38 cư dân cũng đang phải chịu sự bất hợp lý trên và tập thể đã thống nhất nộp đơn đồng loạt lên Tòa án Nhân dân Quận 3 khởi kiện yêu cầu công ty phải thực hiện lãi phạt theo đúng hợp đồng.

Chủ đầu tư “cũng khổ“

Lý giải vấn đề này, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai trần tình: “Chúng tôi xây dựng tòa nhà căn hộ Quốc Cường Gia Lai trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã và đang tác động tiêu cực vào nền kinh tế, nhiều khó khăn xuất hiện và biến đổi khôn lường, nhất là ngành bất động sản.

Luật sư Trần Minh Hải, Công ty Luật BASICO: Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng là căn cứ Bộ Luật Dân sự 2005, không thấy nói gì đến Luật Thương mại. Tuy nhiên, bản chất ở đây là góp vốn vào dự án để được nhận lại 1 căn hộ khi nó hoàn thành, kiểu như một dạng đầu tư, nên xét Luật Thương mại điều chỉnh cũng không sai. Tuy nhiên, cách tính 8% của Quốc Cường như trên là không hợp lý. Bởi lẽ, theo Luật Thương mại thì mức phạt tối đa “không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”. Vậy thì phải xác định phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm ở đây là bao nhiêu? Trong trường hợp này, người góp vốn có thể đòi tiền phạt cao hơn theo đúng quy định của Luật, chứ không phải như mức mà Quốc Cường Gia Lai thông báo.

Giá cả các vật liệu xây dựng trang thiết bị tăng giá gấp đôi so với giá lúc công ty ký hợp đồng góp vốn với khách hàng, cụ thể là giá thép tăng từ 10.000 đồng lên 20.000 đồng/kg và tất cả các trang thiết bị cũng hầu hết tăng từ 70 - 80%.

Đồng thời theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng cũng đình chỉ các khoản tín dụng cho vay phi sản xuất. Trước tình hình đó, công ty chúng tôi đã phải chủ động xoay vốn từ các nguồn khác với lãi suất cao để hoàn tất xây dựng công trình”.

Mặt khác, theo bà Loan thì việc chậm giao công trình do không ít khách hàng cố tình chậm trễ hoặc ngưng đóng góp vốn như thỏa thuận đã làm công ty gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác và tình trạng ngày nay cũng do lỗi không ít từ khách hàng này.

Theo hợp đồng, nếu khách hàng trễ trên 60 ngày xem như đơn phương chấm dứt hợp đồng và công ty được toàn quyền chuyển nhượng vốn góp cho bên thứ ba và hoàn trả lại 50% vốn góp cho khách hàng.

Hầu hết trên 70% khách hàng nộp tiền trễ hơn 60 ngày và có những khách hàng nộp trễ hơn từ 300 - 400 ngày, nhưng công ty vẫn chưa thu lãi và vẫn giao nhà cho khách. Tiền lãi được treo để cân đối ngày nộp chậm và giao chậm.

Tuy nhiên, trong hợp đồng có những điểm bất cập, nếu khách hàng nộp chậm thì tính lãi theo số tiền nộp tối thiểu, nếu công ty giao nhà chậm thì phải chịu lãi cho khách hàng trên toàn bộ số tiền khách hàng đã góp.

Công ty thu tiền của khách hàng góp theo tiến độ từng lần 5% tổng giá trị hợp đồng/mỗi đợt và đã sử dụng để xây tại công trình. Công ty không dùng tiền để kinh doanh thì không lấy khoản nào để trả lãi cho khách hàng.

Là hợp đồng góp vốn, công ty có đất, khách hàng góp vốn theo đừng đợt để xây dựng, nếu đa số khách hàng không nộp hay chậm tất nhiên sẽ dẫn đến xây dựng chậm và giao nhà chậm.

Về mặt pháp lý, bà Loan cho rằng công ty đang làm đúng với Điều 301 Luật Thương mại nên buộc phải chấp hành theo những quy định của luật thương mại để giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh. Riêng về mức phạt luật thương mại chỉ cho phép các bên tham gia phạt ở mức cao nhất không vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ vi phạm.

Tuy nhiên, bà Loan nói thêm, hiện nay, đôi bên đều khó khăn nên Quốc Cường thống nhất với quyết định lãi trả chậm giao nhà sẽ tính 8% trên tổng giá trị hợp đồng, thay vì giá trị phần nghĩa vụ vi phạm. Đồng thời, nếu khách hàng chậm góp vốn thì Quốc Cường cũng lính lãi suất là 8% thay vì 1,5% như trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Kiện từ nóc đến móng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO