Hàng tồn kho: Phải định đúng bệnh!

NGUYỄN VĂN ĐỰC - Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành| 17/07/2013 08:24

Những con số thống kê gần đây cho thấy, TP.HCM đang tồn kho 14.000 căn hộ. Nếu đem ra phân tích, TP hiện có 24 quận - huyện, vậy mỗi quận - huyện chỉ tồn khoảng 1.000 căn, con số này chưa đáng báo động.

Hàng tồn kho: Phải định đúng bệnh!

Những con số thống kê gần đây cho thấy, TP.HCM đang tồn kho 14.000 căn hộ. Nếu đem ra phân tích, TP hiện có 24 quận - huyện, vậy mỗi quận - huyện chỉ tồn khoảng 1.000 căn, con số này chưa đáng báo động.

Đọc E-paper

Chúng ta nên nhìn nhận hàng tồn kho bất động sản (BĐS) một cách khách quan hơn. Cụ thể, hàng tồn kho căn hộ không chỉ là sản phẩm doanh nghiệp (DN) chưa bán được mà là sản phẩm bán cho nhà đầu tư (NĐT) cấp 1, người thân, thế chấp ngân hàng...

Ngay như dự án căn hộ Thái An của Đất Lành, chúng tôi đã bán được 90% sản phẩm, nhưng trong 90% này vẫn còn tồn tại 20% của người mua đi bán lại (các sàn giao dịch hoặc các NĐT nhỏ lẻ mua đi, bán lại với nhau). Lẽ dĩ nhiên, trên mặt sổ sách ghi nhận DN đã bán hết sản phẩm, nhưng thực tế thì vẫn được xem là hàng tồn kho.

Nhiều dự án được chủ đầu tư tuyên bố đã bán "sạch" 100% nhưng khi đưa vào sử dụng, số căn hộ "sáng đèn" vào mỗi đêm chỉ lác đác chưa đến chục hộ. Hiện tượng này xảy ra khá nhiều ở các dự án khu vực quận 7, kể cả dự án cao cấp lẫn trung bình. Do đó, để đưa ra con số hàng tồn kho căn hộ chính xác, Bộ Xây dựng nên tổ chức một cuộc thống kê thực sự.

Chẳng hạn, với những DN khai có 2.000 căn hộ nhưng hàng tồn kho chỉ còn 500 căn thì Bộ phải cử cán bộ đi kiểm tra tình hình lắp đầy thực tế tại các dự án này. Về phía DN, cũng phải tự giác trong vấn đề kê khai, trên cơ sở này, bệnh sẽ được định đúng để từ đó tìm ra "thuốc chữa" hợp lý.

Về phía các cơ quan quản lý, Bộ Xây dựng nên tập hợp các DN có lượng hàng tồn kho cao, sau đó phân loại. Đối với những dự án còn tồn kho ở dạng "chưa nhúc nhích" thì nên khai tử; với những dự án đang triển khai phần thô hoặc sắp hoàn thiện, Bộ nên có chính sách hỗ trợ về vốn cho DN hoàn thành dự án lẫn khách hàng được tiếp cận sản phẩm với mức vay ưu đãi.

Trong 48 dự án được Bộ Xây dựng phê duyệt được tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng trong đợt 1, theo tôi, có những dự án lẽ ra không nên cho "tái sinh" vì chỉ mới bắt tay vào xây dựng phần móng thì lại được hỗ trợ, trong khi có những dự án thỏa mãn điều kiện diện tích dưới 70m2 nhưng lại vướng quy định mỗi m2 phải dưới 15 triệu đồng (bao gồm VAT).

Đây là một đề bài dễ mà khó đối với chủ đầu tư vì giá gốc của sản phẩm hiện cũng đã 13,5 triệu đồng/m2. Do đó, biện pháp giải phóng hàng tồn kho hiệu quả nhất là các cơ quan quản lý phải phối hợp chặt chẽ, đi khảo sát thực tế và làm việc cụ thể từng DN để "kê đơn thuốc".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng tồn kho: Phải định đúng bệnh!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO