BĐS nghỉ dưỡng: Thêm nguồn cung, nhưng cần cẩn trọng

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU| 29/04/2017 08:30

Năm 2017, thị trường bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng sẽ đón thêm nhiều nguồn cung mới, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, khiến các nhà phát triển cân nhắc về mức giá và loại hình sản phẩm.

BĐS nghỉ dưỡng: Thêm nguồn cung, nhưng cần cẩn trọng

Năm 2017, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ đón thêm nhiều nguồn cung mới, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, khiến các nhà phát triển cân nhắc về mức giá và loại hình sản phẩm.

Đọc E-paper

Đất cũ, tiềm năng mới

Sau thành công của Golden Bay ở Cam Ranh (Khánh Hòa), năm nay, Hưng Thịnh Corp. đánh dấu sự tham gia vào phân khúc bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng thông qua Cam Ranh Mystery Villas. Đây là BĐS đã được doanh nghiệp (DN) này mua lại từ một DN cùng ngành đang niêm yết trên HoSE. Khách hàng mua biệt thự nghỉ dưỡng Cam Ranh Mystery Villas được chủ đầu tư cam kết lợi nhuận 8%/năm/tổng giá trị sản phẩm (không bao gồm VAT).

Cũng thông qua M&A, năm rồi, Novaland đã sở hữu The Sunrise Bay. Từ năm 2007, dự án này có tên gọi là khu đô thị lấn biển Đa Phước, do Tập đoàn Daewon (Hàn Quốc) đầu tư, trải qua gần 10 năm không tiến triển theo cam kết, chính quyền Đà Nẵng đã giới thiệu cho Novaland.

Theo ông Bùi Hữu Phúc - Giám đốc Phát triển dự án Novaland, do nằm ở quận Hải Châu - quận trung tâm của thành phố Đà Nẵng nên The Sunrise Bay sẽ không chỉ dừng lại ở hạng mục nghỉ dưỡng (khách sạn, resort, biệt thự) mà còn có thêm phân khu thương mại, giải trí, trung tâm hội nghị, nhà hát, bến du thuyền, công viên để vừa phục vụ khách du lịch, nhà đầu tư.

Nhận định về thị trường du lịch và dịch vụ lưu trú tại Việt Nam, ông Troy Griffiths - Phó tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng, trong năm 2016, các thành phố nghỉ dưỡng và đảo của Việt Nam đã thu hút đông đảo khách du lịch nước ngoài.

Với sự biệt lập và khí hậu nhiệt đới đặc trưng, Phú Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn và là lựa chọn mới của du khách các nước, với tốc độ tăng trưởng khách đến 40%. Trong khi đó, Đà Nẵng tăng lượng khách du lịch nước ngoài trên 30%, Nha Trang 23%, vượt qua mức tăng trưởng của TP.HCM (10%) và Hà Nội (19%).

>>Đất mới của phân khúc nghỉ dưỡng

Cũng theo Savills, Nha Trang có nguồn cung khách sạn lớn nhất trong số các thành phố ven biển, với hơn 12.000 phòng khách sạn 3 - 5 sao và có công suất phòng cao nhất. Trong năm 2016, thành phố có 1,2 triệu khách du lịch nước ngoài, tuy thấp hơn 30% so với Đà Nẵng nhưng thời gian lưu trú trung bình lại ở mức 3,5 ngày, trong khi ở Đà Nẵng là 2,8 ngày và Phú Quốc 2,6 ngày.

Ở phương diện khác, một đại diện khai thác khách thuê theo mô hình chia sẻ kỳ nghỉ cho rằng, giữa Nha Trang và Đà Nẵng đều có ưu thế riêng trong vấn đề khai thác khách du lịch. Với ưu thế về thời tiết (không có bão), Nha Trang hay Cam Ranh có thể khai thác du lịch tất cả các mùa trong năm, trong khi Đà Nẵng rất dễ bị ảnh hưởng của bão.

Song, với vị thế là trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung, Đà Nẵng hiện khai thác khá hiệu quả nguồn khách MICE (khách hội nghị), đồng thời việc mở thêm các đường bay thẳng từ Hàn Quốc, Hong Kong là cơ hội để Đà Nẵng khai thác nguồn khách các nước. Nếu xét về mặt đầu tư, từ trước đến nay, các nhà phát triển BĐS đến Đà Nẵng nhắm chủ yếu đến biệt thự nghỉ dưỡng, trong khi Nha Trang lại là thị trường của dòng condotel. Do vậy, để tăng khả năng cạnh tranh trong năm nay, các chủ đầu tư phải chọn hướng đi khác biệt.

Cẩn trọng khi mua và bán

Liên quan đến phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, báo cáo quý I/2017 của DKRA cho thấy, nhiều khách hàng mua BĐS nghỉ dưỡng bắt đầu lo ngại về cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư và pháp lý sở hữu nhà đất 50 năm. Đa phần các condotel hay biệt thự nghỉ dưỡng đều được chủ đầu tư cam kết lợi nhuận từ 9 - 12%/năm, thời gian 5 - 10 năm và chia sẻ kỳ nghỉ từ 15 - 20 ngày/năm, nhưng hiện nay chưa có luật để ràng buộc cam kết cho thuê cũng như quy định cụ thể về chi phí vận hành khách hàng phải chịu nên dẫn đến những rủi ro cho nhà đầu tư.

Tại Bình Thuận, hiện nay nhiều khách hàng đã tự cho thuê condotel lẫn biệt thự nghỉ dưỡng để cân bằng giữa nguồn thu và chi phí quản lý, vận hành. Vì vậy, những nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ "nghiên cứu" kỹ thương hiệu chủ đầu tư, cam kết lợi nhuận, tiềm năng phát triển du lịch của khu vực mà BĐS tọa lạc mới quyết định xuống tiền hay không.

Giám đốc một DN có BĐS nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa chia sẻ, không ít người đặt câu hỏi, với nguồn cung sản phẩm nghỉ dưỡng dồi dào như hiện nay, liệu rằng có còn khoảng trống thị trường để khai thác?

Về cơ bản, khác với BĐS nhà ở vốn khách hàng là người "cầm cân nảy mực", ở phân khúc nghỉ dưỡng, nhà phát triển sẽ là người "định vị cuộc chơi". Phong cách khu nghỉ dưỡng và chính sách bán hàng quyết định khách hàng mục tiêu.

>>Bất động sản nhà ở: Để không "bí đầu ra"

Cũng theo vị lãnh đạo DN này, ở Việt Nam, khách hàng có khả năng mua 5 - 10 BĐS nghỉ dưỡng không hiếm nhưng quan trọng là sản phẩm mà chủ đầu tư mang đến có gì độc đáo. Vấn đề mà DN này lo ngại là hiện nay, diễn biến trên thị trường BĐS khá phức tạp.

Ở hạng mục đất nền, nhà liền đất, một số DN hoặc thậm chí là cá nhân có đất ở những thành phố du lịch nương theo sự phát triển của thị trường để "té nước theo mưa". Họ tự phân lô bán nền, xây nhà để bán sẽ phá vỡ định vị của thị trường và nếu không khéo rất dễ dẫn đến tình trạng "bong bóng", gây khó khăn cho những nhà phát triển BĐS chuyên nghiệp.

Theo đại diện DKRA, năm 2017, thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ đón thêm nhiều nguồn cung mới, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, khiến các nhà phát triển cân nhắc về mức giá và loại hình sản phẩm.

Theo đó, ở những khu vực có nguồn cung dồi dào, nếu những BĐS mới lấy mức giá đã tung ra thị trường làm giá cơ sở có khả năng sẽ gặp khó về đầu ra vì mức giá trước đó đã khá cao. Ngược lại, ở những khu vực mới, tiềm năng thu hút khách du lịch lớn, hạ tầng dần hoàn thiện, nguồn cung còn hạn chế thì khả năng bảo toàn dòng vốn của nhà đầu tư sẽ được đảm bảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
BĐS nghỉ dưỡng: Thêm nguồn cung, nhưng cần cẩn trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO