Càng xa quê hương, họ càng ít được chào đón và hàng triệu người dân Syria có thể trở thành những người không tổ quốc, không quốc tịch.
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết đã có hơn 3 triệu người Syria phải đi tị nạn vì cuộc nội chiến kéo dài ba năm qua giữa quân nổi dậy và quân chính phủ.
Trong số này, Lebanon đang tiếp nhận hơn 1,1 triệu người Syria. Bên trong lãnh thổ Syria, khoảng 6,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, hơn phân nửa là trẻ em.
Dòng người tị nạn từ Syria ngoài việc đang gây sức ép đối với các nước láng giềng, làm tăng nguy cơ lan rộng bạo lực trong khu vực, họ còn có nguy cơ bị đưa vào danh sách 10 triệu người không quốc tịch trên toàn thế giới.
Đối với nhiều người trong số này, vấn đề chỉ đơn giản là không có giấy tờ để chứng minh là người Syria khi họ phải bỏ chạy và bị thất lạc giấy tờ tùy thân.
Một số người khác thì hộ chiếu đã hết hạn do thời gian tị nạn kéo dài, trong khi họ không thể quay lại Syria hay liên lạc với đại sứ quán ở nước ngoài để gia hạn hộ chiếu.
Vấn đề trở nên tồi tệ hơn, khi nhóm thánh chiến tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt đầu phá hủy hộ chiếu và hồ sơ pháp lý tại Syria.
Theo thống kê của UNHCR, có 10 triệu người không quốc tịch nằm chủ yếu ở các nước Myanmar, Kuwait, Syria, Nepal, Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Dominican, Iraq, Malaysia và một ít ở châu Âu. Những người này bị đối xử vì xung đột sắc tộc, di cư. Do không có quốc tịch nên cuộc sống của họ chủ yếu làm thuê trên các tàu cá hay trồng rừng. Myanmar được liệt kê là có đông người không quốc tịch nhất với con số 1,3 triệu người. Ngoài sự thay đổi tích cực của chính phủ như Bangladesh thì những người không quốc tịch ở một số nước bắt đầu phản kháng để đòi công bằng. Ở Kuwait, 140 ngàn người không quốc tịch liên tục biểu tình đòi được quyền công dân. |
Cuộc chiến Syria càng trở nên hỗn loạn hơn khi nhiều phe phái tôn giáo, chính trị trong khu vực can dự vào cuộc chiến.
Liên Hiệp Quốc cũng như Liên đoàn các nước Ả Rập cùng các nước phương Tây với các nỗ lực ngoại giao từ cuối năm 2013 đầu năm 2014 đều thất bại, mọi cố gắng trung gian hòa giải đến lúc này đều bế tắc.
Trên thực địa, các phe phái nổi dậy và quân chính phủ vẫn không tiếc súng đạn để giành nhau từng mảnh đất. Cuộc chạy loạn chiến tranh khiến trẻ em Syria cũng trở thành những người không tổ quốc, không quốc tịch.
Ước tính có khoảng 8.000 trẻ vị thành niên đã vượt qua biên giới mà không có người lớn đi kèm và trở thành những đứa trẻ vô thừa nhận.
UNHCR cho biết thêm, chỉ trong vòng 3 năm qua, đã có tới 50 ngàn trẻ em Syria được sinh ra ở các trại tị nạn ở Libăng, Iraq, Ai Cập và Jordan.
Hội đồng Châu Âu cho biết, có hàng ngàn trẻ em Syria được sinh ra trong các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia trong số này đã không cấp cơ chế công dân cho những đứa trẻ sinh ra theo dòng người tị nạn.
Dòng người tị nạn Syria đang chảy sang Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Iraq, Jordan và châu Âu, nhưng càng xa quê hương, họ càng ít được chào đón.
"Nếu vào những tháng đầu của cuộc xung đột, các quốc gia láng giềng với Syria mở rộng vòng tay thì bây giờ tình hình đã khác. Kiểm soát trên các biên giới được thắt chặt. Một số nước dừng nhận người Syria", bà Elena Suponina, người đứng đầu Trung tâm châu Á và Trung Đông (Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga), cho biết.
UNHCR đang khuyến khích các nước chủ nhà đơn giản hóa thủ tục đăng ký cho người tị nạn Syria.
Volker Turk, Giám đốc mảng bảo vệ quốc tế thuộc UNHCR, nhận định, mặc dù đã có nhiều tiến bộ về quyền lợi cho những người không có quốc tịch nhưng họ vẫn không thể tiếp cận được hệ thống giáo dục, chăm sóc sức khỏe, làm việc hợp pháp hay đi lại tự do bởi vì họ bị rơi vào "những lỗ hổng của xã hội".
Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn dòng người tị nạn từ Syria kéo sang |