Nay Hội An đã đón đến 3 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, Yaly vẫn theo đuổi dòng thời trang có một không hai trên bản đồ du lịch thế giới - "dòng thời trang du khách".
Nữ doanh nhân Trịnh Diễm Quỳnh sinh ra trong gia đình mà tất cả chị em đều thành đạt trong kinh doanh, khi họ lập nghiệp với nghề may vá, thêu thùa, nấu ăn. Nhưng để bước ra khỏi cái tiệm may nhỏ cạnh chợ Hội An đìu hiu hồi thập niên 1990, để bước ra khỏi căn bếp gia đình, Trịnh Diễm Quỳnh phải có những tư chất đặc biệt, khi cùng với một vài người khác đã khai phá ra một nghề rất đặc biệt cho Hội An: "may nóng"! Bây giờ có rất nhiều thương hiệu thời trang may đo cao cấp, quần áo may sẵn của Trung Quốc đổ về tràn ngập, nhường thị phần "may nóng" cho một số người buôn bán nhỏ.
Nhiều năm qua, chuỗi cửa hàng "thời trang du khách" Yaly đã tiếp đón hàng chục ngàn du khách đến tham quan, mua sắm và may đo trang phục.
Dù là một nguyên thủ quốc gia hay khách du lịch bình thường khi đến với Yaly đều được đón tiếp trọng thị và đều hài lòng như nhau. Quá trình du khách tham quan cửa hàng, xưởng may, tiếp xúc với lễ tân, đặt may được xây dựng thành một quy trình hoàn hảo, tạo ấn tượng thú vị riêng đối với khách du lịch. Trang phục họ đặt may ở Yaly đều có giá trị sử dụng cao, theo sát thời trang thế giới chứ không phải chỉ là món hàng lưu niệm ghi dấu chuyến thăm Việt Nam nói chung và Hội An nói riêng.
Nhiều lần trải nghiệm quy trình ấy, tôi thấy nhân viên rất chuyên nghiệp, nhưng lại rất giàu kỹ năng tiếp đón khách kiểu thân tình của người phố cổ. Giờ thì các nhân viên cựu trào của Yaly không còn nhớ hết được các vị nguyên thủ quốc gia, các nhà ngoại giao, ca sĩ nổi tiếng thế giới, những công chúa, hoa hậu và biết bao du khách khắp thế giới từng bước vào Yaly để thử tài của người may Hội An.
Đã thành công rồi, Yaly có thể phát triển theo cùng đà đi tới của Hội An, cứ thế làm giàu, rất bền vững. Nhưng không, Trịnh Diễm Quỳnh - bà chủ thương hiệu Yaly, Tổng giám đốc Công ty Du lịch - Thương mại và Thời trang Yaly luôn làm tôi ngạc nhiên khi mỗi dịp chúng tôi gặp nhau trong những sự kiện về thời trang do Yaly chủ xướng.
Không dừng lại ở việc may đo cho du khách theo mẫu của những tạp chí thời trang quốc tế tung ra mỗi mùa, Yaly được đẩy ra "sân chơi mới" với những bước đi rất đáng để dõi theo. Một vài năm gần đây, Trịnh Diễm Quỳnh không dừng lại với việc may đo trang phục dựa trên thiết kế của thế giới tung ra mỗi mùa mà đã tạo được dấu ấn quốc tế với dòng thời trang riêng.
Yaly đã đưa nhân viên ra nước ngoài học về thiết kế, quản lý công nghệ may đo, nhưng sự sáng tạo còn cần nhiều hơn thế, bởi khách hàng của Công ty đến từ khắp nơi, gu thẩm mỹ khác nhau, có khả năng chi trả cao nên cũng đòi hỏi khắt khe về mẫu mã, chất lượng. Và Yaly đã quyết định đầu tư vào thời trang theo cách chuyên nghiệp nhất, hợp tác với các nhà thiết kế nước ngoài để tiệm cận thị trường thế giới theo cách riêng và độc đáo.
Còn nhớ mùa thu năm 2015, khi lần đầu nhận giấy mời đến xem chương trình ra mắt bộ sưu tập mới mà chúng tôi gọi đùa là "thời trang cho du khách", tôi rất bất ngờ khi Yaly đã làm ra một sô diễn đậm nét văn hóa Hội An khi chương trình diễn ra ngay trong những kiến trúc nhà cổ, tạo ra sự giao lưu nhuần nhuyễn giữa Hội An và thế giới, đúng với đời sống hôm nay của di sản văn hóa đang ở đỉnh cao của trào lưu phục vụ du lịch.
Như để thử thách, khách mời đến 90% là người nước ngoài, những người hoạt động trong ngành thời trang, du lịch, ngoại giao, văn hóa. Trong đêm diễn ấy, các mẫu thiết kế của nhà tạo mẫu Xenia Joost, người Estonia đã tạo ra một nét văn hóa phương Đông thú vị.
Khách hàng đến từ rất nhiều quốc gia, nhiều tôn giáo, gu thẩm mỹ khác nhau mà Yaly vẫn đem đến cho họ những sản phẩm mới mẻ, đó là bước đi táo bạo, mà chỉ những doanh nhân dày dạn thương trường mới dám làm. Nhưng chính điều đó cũng rất thu hút những nhà thiết kế nước ngoài muốn hợp tác cùng Yaly, cùng bà chủ trẻ Trịnh Diễm Quỳnh thiết kế thời trang cho du khách.
Nữ doanh nhân Trịnh Diễm Quỳnh - Chủ nhân thương hiệu thời trang Yaly ở Hội An |
Cuối năm 2017, Công ty Du lịch - Thương mại và Thời trang Yaly được chọn tổ chức trình diễn thời trang phục vụ các vị khách của Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017, ngay tại Hội An. Đêm ấy, Yaly thể nghiệm sự kết hợp hài hòa trang phục truyền thống của hai nền văn hóa châu Âu và châu Á, giao thoa của những họa tiết xứ Bắc Âu với kiểu dáng truyền thống Á châu thông qua sự kết hợp của phong cách và vải vóc. Chính sự ảnh hưởng sâu đậm của bản sắc châu Á trong kỹ thuật cắt và tạo dáng hòa quyện cùng những chi tiết mang đậm dấu ấn châu Âu được nhà thiết kế Xenia Joost tạo phong cách tối giản đương đại, đặc biệt thu hút người xem.
Từ những thành công của thương hiệu Yaly, Hội An thu hút khá nhiều nhà thiết kế nước ngoài đến thử thời vận, tạo ra một môi trường làm việc quốc tế, sản phẩm đậm chất phóng khoáng, phong phú đáp ứng được tìm kiếm cái mới mẻ của du khách.
Hội An có trở thành một thành phố thời trang lớn hay không, câu trả lời cần đến mươi năm, hoặc sẽ rất nhanh nếu có thêm những doanh nhân bản lĩnh đầu tư mạnh vào lĩnh vực này một cách chuyên nghiệp. Con đường phát triển này dựa vào sự sáng tạo cũng như phong cách phục vụ đặc thù văn hóa, cần tài năng và sự kiên nhẫn.
Trên những con phố nhỏ Hội An, tiệm bán đồ thời trang vẫn tiếp tục khai trương. Giữa hàng trăm cửa hàng lao nhao bán hàng "dỏm" nhập về từ các lò phục vụ du khách khắp châu Á, nhiều thương hiệu may đo ở Hội An không chống nổi xu thế đó, bởi buôn bán một vốn mười lời, mấy ai dám theo đuổi con đường sản xuất và dịch vụ khó khăn. Thế nhưng Trịnh Diễm Quỳnh của Yaly vẫn theo đuổi "dòng thời trang du khách" và chị luôn khiêm tốn: "Thương hiệu của chúng tôi không thể đứng vững nếu tách khỏi hai chữ Hội An".