Cẩn trọng, bi quan hay thủ thế?
Công ty CP Đường Quảng Ngãi (UPCOM: QNS) sau nhiều năm đặt kế hoạch ở mức thấp thì năm 2020 đã mạnh dạn lên kế hoạch lãi sau thuế 913 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với kế hoạch năm 2019. Tuy nhiên, nếu so với số thực hiện 2019 thì vẫn thấp hơn 24%. Đây cũng là mẫu số chung của nhiều doanh nghiệp khi kế hoạch năm mới thường rất cao so với kế hoạch của năm trước, nhưng nếu so với số thực hiện thì tăng trưởng không được bao nhiêu, hoặc thậm chí còn giảm sút.
Loại thứ hai thậm chí còn tiêu cực hơn, khi kế hoạch năm mới chẳng những thấp hơn số thực hiện của năm trước, mà còn thấp hơn cả kế hoạch của những năm trước đây. Ngoài những yếu tố bất lợi ảnh hưởng lên hoạt động kinh doanh của công ty có thể xác định được, thực tế cũng có những lãnh đạo doanh nghiệp quá cẩn trọng và có thói quen đặt kế hoạch khá thấp đầu năm. Các doanh nghiệp nhà nước thường thuộc nhóm này, khi kế hoạch đặt ra thường tăng trưởng rất thấp, không tăng trưởng hoặc thậm chí sụt giảm.
Ngoài những yếu tố bất lợi ảnh hưởng lên hoạt động kinh doanh của công ty có thể xác định được, thì thực tế cũng có những lãnh đạo doanh nghiệp quá cẩn trọng và có thói quen đặt kế hoạch khá thấp đầu năm. Các doanh nghiệp nhà nước thường thuộc nhóm này, khi kế hoạch đặt ra thường tăng trưởng rất thấp, không tăng trưởng hoặc thậm chí sụt giảm.
Có thể kể đến như Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM), năm 2019 lãi ròng lên đến 427 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch 241 tỷ đồng đặt ra, nhưng kế hoạch năm 2020 này chỉ đặt lãi vỏn vẹn 52 tỷ đồng, giảm mạnh so với số thực hiện và kế hoạch 2019. Hay như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex, HOSE: BCM), kế hoạch 2020 đặt lãi 1.759 tỷ đồng, dù cao hơn 3% so với thực hiện 2019 nhưng nếu so với kế hoạch 2019 là 1.781 tỷ đồng thì cho thấy đang đi lùi. HĐQT Công ty CP Kinh doanh Khí Miền Nam (HNX: PGS) thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 65 tỷ đồng, giảm hơn 30%. Công ty CP Công nghiệp Thương mại Sông Đà (HNX: STP) đặt lãi trước thuế chỉ vẻn vẹn 6 tỷ đồng, giảm 29%.
Loại thứ ba là nhóm doanh nghiệp tiếp tục đặt kế hoạch lỗ triền miên năm này qua năm khác. Có thể kể đến Công ty CP Thép Việt Ý (HOSE: VIS) dự kiến lỗ sau thuế 65 tỷ đồng trong năm 2020, đánh dấu năm thứ ba có thể lỗ liên tiếp. Trong khi đó, Công ty CP Hùng Vương (HOSE: HVG) bất ngờ lên kế hoạch chuyển lỗ nghìn tỷ thành lãi sau thỏa thuận với Thaco, cụ thể sau khi lỗ xấp xỉ 1,1 nghìn tỷ trong năm 2019, doanh nghiệp này tự tin đề ra chỉ tiêu tổng doanh thu đạt 12.524 tỷ đồng, gấp 3 lần so với kết quả thực hiện năm trước, chỉ tiêu tổng lợi nhuận sau thuế đạt 790 tỷ đồng. Đây cũng là kế hoạch cao nhất từ trước đến nay của công ty.
Môi trường đã kém thuận lợi hơn
Dù vậy, cũng có những doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ, thể hiện tham vọng, quyết tâm của ban lãnh đạo cũng như sự lạc quan, tự tin vào triển vọng tăng trưởng cho giai đoạn mới. Cụ thể, dù thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm (HOSE: NTL) cũng đề ra kế hoạch lãi trước thuế đạt 450 tỷ đồng trong năm 2020, tăng gần 53% so với kế hoạch năm 2019 và gần gấp đôi so với kết quả thực hiện năm 2019.
Cùng với ngân hàng, bất động sản cũng là ngành chứng kiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục thể hiện sự lạc quan cho giai đoạn kinh doanh sắp tới. Địa ốc First Real (First Real, HOSE: FIR) còn đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 400 tỷ đồng và 120 tỷ đồng, tăng 22% và 29% so với ước thực hiện năm 2019. Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) đặt kế hoạch lãi sau thuế là 1,150 tỷ đồng, tăng 21% so thực hiện năm 2019. Nhóm công nghệ cũng cho thấy sự tích cực, với Công ty CP Thế Giới Số (HOSE: DGW) đặt kế hoạch lãi sau thuế hợp nhất đạt 202 tỷ đồng, tăng 25% so với kết quả đạt được năm 2019.
Tuy nhiên, nhìn về năm 2020, những khó khăn và thách thức đang ngày nhiều hơn. Không chỉ là nỗi e ngại về tăng trưởng kinh tế giảm tốc, mặt bằng lãi suất gia tăng, chiến tranh thương mại và chính sách bảo hộ của các quốc gia trở nên khó lường hơn, mà việc giá cả leo thang, đặc biệt là hàng hóa, nhiên liệu quốc tế, có thể khiến nhu cầu sẽ suy giảm.
Cũng cần lưu ý là quá khứ đã cho thấy nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch khủng không dựa trên cơ sở, giải pháp nào, mà chỉ nhằm để kéo giá cổ phiếu, khiến nhiều người lao vào mua vì quá tin vào những cam kết, lời hứa của chủ doanh nghiệp để rồi sau đó nếm trái đắng. Do đó, nhà đầu tư cần tỉnh táo trong việc đánh giá kế hoạch, mục tiêu đặt ra của doanh nghiệp xem có khả thi hay không.
Đặc biệt với dịch Corona mới xuất hiện, sự kiện được cho là “thiên nga đen” của năm 2020, có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải dè chừng và điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với môi trường kinh doanh mới. Thực tế, dịch bệnh dù chỉ mới xuất hiện trong những tuần ngắn ngủi vừa qua, nhưng đã tác động rất mạnh lên nhiều mặt trong nền kinh tế, xã hội, khiến nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực hàng không, vận tải, du lịch, thương mại, nông nghiệp... chịu thiệt hại nặng nề. Trong bối cảnh đó, xu hướng các doanh nghiệp đặt kế hoạch suy giảm trong giai đoạn tới cũng là điều tất yếu và có thể thấy trước.